pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sai lầm lớn nhất này của bố mẹ chính là nguyên nhân khiến bé sợ hãi, vệ sinh không kiểm soát
Thời điểm bỏ bỉm cho con tùy thuộc vào nhu cầu và sự hợp tác của từng bé. Khi bé đã sẵn sàng thì việc chuyển sang đi vệ sinh chủ động cũng sẽ dễ dàng hơn. Có rất nhiều mẹ than thở, đã thử bỏ bỉm nhưng 5 lần 7 lượt đều thất bại, bé không chịu hợp tác khiến nhà cửa lúc nào cũng có mùi rất khủng khiếp nên đành ''bỏ cuộc''.
Dưới đây sẽ là một số chú ý cho các mẹ về thời điểm cũng như những điều cần nhớ trước khi bỏ bỉm cho con để mẹ nhàn con ngoan, bỏ bỉm thành công.
Tại sao không nên xi tiểu sớm cho bé?
Khi con dưới 2 tuổi, mẹ không cần thiết phải xi tiểu cho bé vì lúc này bàng quang của con chưa phát triển hoàn thiện. Trong thời gian này, bàng quang khỏe mạnh của trẻ sẽ tự tích đầy nước tiểu và xả ra 1 cách tự nhiên là tốt nhất (việc tiểu, tè của bé tùy theo nhu cầu cơ thể mà không được áp đặt).
Theo nghiên cứu, việc xi tiểu cho bé quá sớm sẽ khiến cho bàng quang của trẻ dễ bị rối loạn, khiến bé tiểu nhiều hơn các bé đi tiểu tự nhiên gấp 3 lần. Vì việc không để cho bàng quang đầy sau đó được xả rỗng tự nhiên là nguyên nhân chính cho sự rối loạn này.
Nhiều gia đình hiện nay đã cho bé tự đi vệ sinh từ lúc dưới 1 tuổi, thậm chí ít hơn nhưng việc ép bé tiểu, tè sớm có nguy cơ làm bé bị táo bón, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nặng có thể dẫn tới nguy cơ bị suy thận với các bé có bàng quang yếu.
Thời điểm vàng để bỏ bỉm cho bé
Vào độ 2 tuổi bé mới cảm giác được bàng quang bị đầy, nên 2 tuổi thường là thời điểm vàng để tập xi tiểu cho bé vào ban ngày. Theo các chuyên gia thì 1 ngày bé tiểu tầm 8 đếm 10 lần là tốt nhất, nếu bé tè ít hơn, chúng ta nên bổ sung thêm nước cho bé uống, ngược lại bé tiểu quá nhiều thì nên tập cho bé 2 tiếng mới tiểu 1 lần.
Việc xi tiểu cho bé ban ngày chúng ta nên để ý hoạt động tự tiểu của bé tầm khoảng bao lâu 1 lần, để áp dụng xi cho bé. Trung bình thì khoảng 2 tiếng đến 2,5 tiếng là thời gian tốt nhất để xi bé tiểu.
Tuy nhiên, thời điểm này còn tùy vào sự hợp tác của bé, nếu bạn cảm thấy con chưa hoàn toàn muốn bỏ bỉm thì có thể lùi lại một khoảng thời gian, không nên ép buộc hoặc làm con xấu hổ, ngại ngùng khi bé chưa thật sự sẵn sàng.
Nhiều mẹ cho biết việc bỏ bỉm chỉ diễn ra vào ban ngày, tới ban đêm để đảm bảo giấc ngủ kéo dài và ngon giấc thì nhiều mẹ vẫn cho bé mặc bỉm. Thời điểm thích hợp nhất để tạo thói quen không tiểu đêm hoặc có nhu cầu tiểu đêm thì gọi bố mẹ là vào tầm 3 tuổi rưỡi đến 4 tuổi trở lên. Vì theo các nghiên cứu, vào thời điểm này, bé mới bắt đầu cảm nhận được bàng quang bị đầy, khi đang ngủ và cảm giác khó chịu sẽ làm bé muốn tiểu. Thời gian tập cho bé khi có nhu cầu tự gọi ba mẹ dẫn đi tiểu hoặc đi ra bô tự tiểu cũng chính là lúc này.
Một số những lưu ý giúp việc cai bỉm diễn ra suôn sẻ
Chú ý thời điểm đi vệ sinh của bé
Khi chăm con, mẹ sẽ để ý đến tần suất đi vệ sinh của bé. Dù chưa đều đặn nhưng bé sẽ thường đi ngoài vào một số khung giờ cố định, từ đó mẹ quan sát và chú ý đến những thời điểm này để cho con đi tiểu đúng lúc. Ngoài ra, bố mẹ có thể nhìn biểu hiện của bé để đoán biết được khi nào bé đang muốn đi vệ sinh. Lúc này, bố mẹ hãy dẫn bé đi tiểu để tránh việc tè dầm.
Chuẩn bị cho bé những chiếc bô thật xinh
Chắc chắn bé sẽ vô cùng thích thú những chiếc bô có hình ảnh nhân vật hoạt hình yêu thích hoặc hình thù hài hước, vui nhộn. Với những bé nhỏ, mẹ nên sắm cho con hoặc một số loại bồn cầu chuyên dụng dành riêng cho bé.
Trang trí nhà vệ sinh theo sở thích của bé cũng là một cách hay giúp bé chủ động đi vệ sinh hơn. Nhà vệ sinh nên được giữ khô ráo và sạch sẽ để bé không bị trượt chân hay ngã nhé.
Mua cho bé những chiếc quần yêu thích
Khi đi mua quần áo cho bé, bố mẹ hãy dẫn bé theo và mua cho bé loại quần với những hình ảnh, màu sắc mà bé thích. Bé sẽ thích mặc những chiếc quần đó và không nỡ làm ướt chúng đâu.
Đọc cho con những cuốn truyện về việc bỏ bỉm
Thời gian đầu, khi chưa quen với việc này, bé sẽ cảm thấy khó chịu. Mẹ hãy cố gắng gợi cho con hứng thú bằng cách mua những cuốn sách có nội dung về chuyện em bé bỏ bỉm. Rất có thể con sẽ tò mò, lắng nghe và muốn thử làm theo em bé trong truyện đó.
Bên cạnh đó, khi đưa con đi vệ sinh, mẹ nên ngồi cạnh hỗ trợ, cổ vũ và động viên, đừng để con tự loay hoay không biết phải làm thế nào trong nhà vệ sinh một mình nhé.
Tập cho bé thói quen gọi người thân khi muốn đi vệ sinh
Với những bé lớn hơn một chút, khoảng từ 2 tuổi trở lên, con đã biết báo hiệu cho bố mẹ khi bản thân cảm thấy ''buồn''. Vì vậy, hãy hướng dẫn, lặp đi lặp lại cho bé hiểu ''khi nào con muốn đi vệ sinh hãy gọi mẹ nhé!''. Lâu dần điều này sẽ trở thành thói quen của con và bé không cần phải dùng bỉm cả ngày nữa.
Ngoài ra, bố mẹ hãy tập cho bé thói quen đi vệ sinh theo giờ giấc. Cơ thể con người là một chiếc đồng hồ sinh học hoạt động rất hiệu quả dựa vào thói quen được rèn luyện qua từng ngày. Trẻ em cũng không ngoại lệ.
Cứ đến một khung giờ cố định như sau khi thức dậy, trước khi đi ngủ, sau bữa ăn, sau giấc ngủ trưa..., bạn hãy dẫn bé đi vệ sinh. Lâu dần, thói quen này sẽ giúp bé không còn tè dầm nữa, việc cai bỉm cũng sẽ hiệu quả hơn, thậm chí cả vào ban đêm.
Tập cho bé tự đi vệ sinh
Sau khi tập được cho bé những thói quen trên, đã đến lúc bố mẹ tập cho bé tự đi vệ sinh khi ''buồn''. Thời gian đầu, bạn nên nhắc nhở khi bé có biểu hiện và đi theo bé đến phòng vệ sinh. Dần dần, bé sẽ tự đi mà không cần bố mẹ nhắc nhở hay dẫn đi nữa.
Những sai lầm bố mẹ hay mắc phải khiến con sợ hãi, khó kiểm soát việc đi vệ sinh
Quát mắng khi bé tè dầm
Khi bé mới bỏ bỉm, việc thường xuyên bị tè dầm, quên không nói với bố mẹ, mải chơi quên mất việc đi vệ sinh... là chuyện hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy mà bị bố mẹ mắng thì các bé sẽ rất sợ, áp lực, khó tiếp thu, thậm chí là nhịn tiểu... vì sợ bị đánh, mắng.
Tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến việc cai bỉm cho bé. Khi bị quát mắng, bé sẽ mất tự tin và càng khó kiểm soát được việc bài tiết của mình. Thay vì la mắng, bố mẹ hãy đồng cảm với bé khi bé lỡ tè dầm và khen ngợi khi bé chủ động gọi bố mẹ hoặc tự đi vệ sinh.
Không có sự kiên trì
Nhiều mẹ chỉ cho bé thời gian khoảng 2-3 ngày, thấy con không tiến bộ thì cho rằng bé ''dốt'', dạy mãi không được rồi bỏ cuộc. Sự thiếu kiên nhẫn ở mẹ sẽ khó mà giúp các con bỏ bỉm thành công được, thậm chí còn làm gián đoạn quá trình này.
Chấp nhận khi con chưa hoàn hảo
Mỗi em bé sẽ có tính cách và cơ địa riêng, trong khi có bé hợp tác rất nhanh, chỉ 3-4 ngày là cai bỉm thành công thì nhiều em bé khác mất mấy tháng vẫn còn tè dầm. Tuy nhiên, hãy chấp nhận đó là điểm chưa hoàn hảo ở con và cùng con khắp phục. Thay vì so sánh và dán nhãn cho con thì mẹ nên kiên nhẫn và cùng con vượt qua giai đoạn này. Chắc chắn đây cũng sẽ là một dấu mốc đáng nhớ cho thấy con đã trưởng thành hơn.