Sai lầm này của mẹ có thể khiến con bị ung thư gan

27/06/2019 - 18:36
“Nhiều bà mẹ cho rằng, mình không bị viêm gan B thì con không cần tiêm vaccine này ngay sau khi sinh ra, vì không truyền bệnh cho con. Quan niệm sai lầm trên có thể khiến trẻ bị viêm gan B bởi trẻ dễ virus này từ nhiều yếu tố khác”.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, cho biết thông tin trên, khi đề cập đến một số quan niệm của phụ huynh về việc: nếu mẹ không nhiễm virus viêm gan B thì con không cần tiêm vaccine phòng bệnh này trong vòng 24h đầu sau sinh. “Đây là quan niệm sai lầm, vì dù mẹ không mang virus thì có thể loại trừ khả năng lây truyền virus từ mẹ sang con nhưng trẻ dễ nhiễm virus này từ người khác. Virus viêm gan B cũng có thể lây quan những vết trầy xước. Trong khi đó, trẻ sơ sinh, da non yếu dễ bị trầy xước và có thể lây nhiễm virus viêm gan B”, TS Hồng thông tin.

 

anh-viem-gan-b1.jpg
Nhiễm virus viêm gan B có thể dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan, thậm chí ung thư gan

 

Những năm trước, có một số trẻ bị phản ứng, tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B. Sau đó, tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine này giảm hẳn. Bộ Y tế đã vào cuộc và kết luận là do cán bộ y tế tiêm nhầm thuốc và không liên quan đến vaccine. Vài năm gần đây, tỷ lệ trẻ tiêm vaccine viêm gan B đã tăng. Tuy nhiên đến năm 2018, tỷ lệ này mới đạt trên 70%. Trong khi đó, theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới, duy trì tỷ lệ trẻ tiêm vaccine viêm gan B trên 90% ở một quốc gia thì đất nước đó mới có thể loại trừ viêm gan B.

 

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở Việt Nam khoảng 10-20% dân số. Viêm gan B có khả năng lây nhiễm cao hơn HIV 100 lần. Trẻ bị lây truyền virus viêm gan B có thể dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan, thậm chí ung thư gan trong tương lai.

 

Cụ thể, sau khi bị nhiễm virus viêm gan B, diễn tiến trở thành viêm gan B mạn tính phụ thuộc khá rõ về lứa tuổi bị nhiễm virus này. Trên 90% trẻ bị nhiễm virus viêm gan B dưới 1 tuổi trở thành viêm gan B mạn tính, trong khi đó đối với người lớn bị nhiễm virus viêm gan B, tỷ lệ này chỉ từ 6 đến 10%. Thống kê cũng cho thấy, nếu bị nhiễm virus viêm gan B từ lúc còn nhỏ thì về sau, nguy cơ bị xơ gan và ung thư gan chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với người lớn bị nhiễm virus viêm gan B.

 

anh-viem-gan-b.jpg
Có thể phòng ngừa nhiễm virus viêm gan B bằng tiêm vaccine

 

Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, virus viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con; lây truyền qua tiếp xúc các vết thương, vết trầy xước nhỏ ở da, niêm mạc có chảy máu, hay dịch tiết của vết thương. Virus viêm gan B cũng có thể lây truyền bằng cách tiếp xúc với nước bọt qua vết cắn, vết trầy xước khác ở da cũng như sự nhai thức ăn trước cho trẻ; lây truyền trong khi quan hệ tình dục (khi có trầy xước, tiếp xúc với máu hoặc các dịch khác của cơ thể).

 

Theo TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cách an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B là tiêm phòng vaccine viêm gan B. Tiêm vaccine viêm gan B càng sớm thì hiệu quả càng cao. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày và không đạt nếu tiêm sau 7 ngày. Do đó, tốt nhất là trẻ cần được tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24h. Nếu trong 2 ngày đầu sau sinh trẻ chưa được tiêm vaccine này thì cần được tiêm trong vòng 7 ngày sau sinh nhưng hiệu quả bảo vệ sẽ giảm đi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm