Săn học bổng MBA đại học Havard 'dễ như ăn kẹo'

27/09/2016 - 08:30
Chia sẻ của anh Bùi Quang Minh, Thạc sĩ chương trình Quản trị kinh doanh ĐH Havard, Mỹ cho thấy, chính phục học bổng MBA của ngôi trường danh giá này không quá khó như mọi người vẫn nghĩ.

Gây ấn tượng từ hồ sơ xin học bổng

Tốt nghiệp hạng ưu Đại học Sydney (Úc), anh Bùi Quang Minh (sinh năm 1983) được cấp học bổng Fulbright và đã hoàn tất bằng MBA Đại học Harvard (Mỹ) vào năm ngoái. Hiện đã về nước khởi nghiệp, anh Bùi Quang Minh đã chia sẻ, cách xây dựng bộ hồ sơ xin học bổng ấn tượng bằng chính trải nghiệm chinh phục thành công chương trình MBA của trường Harvard Business School (Trường Kinh doanh Harvard).

Khác với các bằng thạc sĩ khác, MBA đa số đều yêu cầu bạn có kinh nghiệm làm việc một vài năm. Không nói đến các trường Ivy League với tỷ lệ được nhận vào trường chỉ khoảng 10-20%, các trường tốt trong top 100 đều rất cạnh tranh với ứng viên đến từ khắp thế giới và bộ hồ sơ chính là thước đo duy nhất của trường đối với bạn.

“Việc bạn “hiểu bản thân mình” sẽ làm nên linh hồn của bộ hồ sơ MBA. Nó không chỉ đơn thuần giúp giải quyết tốt hồ sơ MBA các trường Mỹ tìm kiếm mà còn là cả cuộc đời bạn đằng sau đó” - anh Minh chia sẻ. Có nghĩa là, một bộ hồ sơ MBA mạnh không đơn thuần chỉ có “nguyên liệu” tốt mà quan trọng là cách nấu. Theo anh Bùi Quang Minh, phần học thuật với điểm GMAT, GPA, công việc, thành tựu bạn làm sau khi tốt nghiệp, những điểm thú vị của con người bạn… mới chỉ là những nguyên liệu tốt. Quan trọng hơn, bạn phải biết cách phối kết hợp chúng với nhau để nói lên một câu chuyện mà khi đọc câu chuyện đó, hội đồng tuyển sinh Mỹ hiểu được bạn là ai, đến từ đâu, muốn làm gì…

Giải quyết câu hỏi “Bạn là ai?”, “Muốn làm gì” không chỉ để trả lời mục đích công việc bạn theo đuổi mà là nhận diện ước mơ của cuộc đời bạn, bạn muốn dành nó để làm điều gì quan trọng. “Ngoài việc kết quả cao, học xuất sắc thế nào, ứng viên bắt buộc phải chuyển tải được mục đích sống cốt lõi của bản thân”, anh Bùi Quang Minh nhấn mạnh.

Thạc sĩ Bùi Quang Minh ví cốt lõi của các câu hỏi trên giúp chúng ta trở thành “điểm ngọt ngào”. Đó là điểm giao thoa thỏa mãn 3 yếu tố: Enjoy it (thích thú, tận hưởng công việc đó), Master it (có kỹ năng để làm tốt) và With impact (có ảnh hưởng, có ích với cộng đồng). Những người thành công thường là người tìm được 3 yếu tố này và viết nên câu chuyện giấc mơ của cuộc đời mình.

“Chỉ khi trả lời được các câu hỏi này thì hồ sơ của bạn mới thực sự mạnh và mang tính kết nối chứ không chỉ là những gạch đầu dòng thành tích rời rạc, không mấy liên quan đến nhau và dễ bị vứt vào xọt rác. Tính mục đích của bộ hồ sơ MBA quyết định thành - bại của ứng viên. Người muốn theo đuổi MBA phải là người có giấc mơ lớn”, người trẻ 8X này khẳng định.

 Thạc sĩ Bùi Quang Minh chia sẻ kinh nghiệm tạo ấn tượng từ hồ sơ xin học bổng MBA của trường Havard danh tiếng.

4 lưu ý để xây dựng bộ hồ sơ MBA có điểm nhấn theo kinh nghiệm của anh Bùi Quang Minh:

- Ý thức được bản thân: Mục tiêu cuộc sống của mình là gì? Từng hoạt động bạn tham gia, công việc quá khứ, ước mơ tương lai… sẽ thể hiện bạn hiểu về chính mình và muốn đi đâu.

- Bộ hồ sơ phải trọn vẹn: Hội đồng sẽ đánh giá toàn bộ chứ không chỉ mình điểm số. Các yếu tố đó vừa là kỹ năng học, vừa là đam mê của bạn, ước mơ của bạn có tốt đẹp và có thực hiện được hay không.

- Quyết tâm chinh phục ước mơ: Bạn nên thể hiện quyết tâm đó qua các câu chuyện trong bài luận…

- Dùng MBA làm tương lai: Đánh giá một con người là “nhìn vào tiểu sử của họ”. Hội đồng tuyển sinh cũng như chúng ta chỉ có thể sử dụng những thứ trong quá khứ của một con người để nhìn nhận họ. Bộ hồ sơ của bạn cũng phải thể hiện được những gì đã làm trong quá khứ, hứa hẹn bạn sẽ thành công trong tương lai. Bạn có thể dùng những kiến thức được học trong quá trình làm MBA để tạo nên tương lai…

Hãy thể hiện, học MBA là cú hích lớn của đời mình

Theo anh Minh, ở phần điểm số, giám khảo sẽ khá lưu tâm đến điểm GMAT của bạn. Do đó, nếu ở trường ĐH, những môn liên quan đến tính toán của bạn thấp điểm thì nên cố gắng dùng điểm GMAT bù lại. Điều đó giúp giám khảo bớt lo rằng, bạn thiếu kỹ năng hoàn thành chương trình MBA (vốn học nhiều về con số).

Ở phần Career (kinh nghiệm làm việc), ứng viên nên tập trung vào những lá thư giới thiệu, kể câu chuyện về hướng đi của bạn, những gì đã qua, sai lầm tuổi trẻ, khát khao theo đuổi đam mê.

Bạn cũng cần trả lời, tại sao bạn lại học MBA, tại sao là thời điểm này? Giám khảo muốn thấy bạn dùng MBA như một cú hích, giúp thay đổi tốc độ sự nghiệp của bạn (đẩy bạn lên đỉnh cao và tạo nhiều giá trị hơn nữa). Do vậy, thời điểm rất quan trọng, bạn nên sử dụng MBA vào 1 lần trong đời để bù đắp thiếu hụt và tăng tốc sự nghiệp.

Những hoạt động ngoại khóa ngoài công việc, làm từ thiện, môi trường… cũng nên liên quan đến mục đích lớn nhất bạn đang theo đuổi. Những thứ đáng giá nhất là thứ liên quan đến bức tranh lớn về con người bạn. Ngoài ra, con người trong bộ hồ sơ bạn xây dựng và con người trong lúc trả lời phỏng vấn trực tiếp cũng phải “tương thích”, trùng khớp với nhau mới tạo sức thuyết phục.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm