pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sản phụ tử vong tại Bệnh viện Việt - Pháp: Lý giải hiện tượng cực nguy hiểm ở phụ nữ mang thai
Bệnh viện Việt - Pháp nơi xảy ra sự việc sản phụ 24 tuổi tử vong sau sinh thường
Ngày 4/11, sản phụ NQP (sinh năm 1996, tại Hà Nội) đã tử vong tại Bệnh viện Việt - Pháp sau khi sinh con đầu lòng, điều đáng nói là trước khi sinh, mọi chỉ số của sản phụ không có gì bất thường. Trả lời về sự việc này, ông Võ Văn Bản, Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Việt - Pháp chia sẻ: "Bệnh viện đã nỗ lực làm hết sức, hết khả năng nhưng đã không thể cứu được bệnh nhân. Chúng tôi cũng đã báo cáo với Sở Y tế Hà Nội về trường hợp tử vong đáng tiếc này".
Trước đó, trên mạng xã hội cho rằng bệnh nhân sau sinh 5 giờ đồng hồ không được chăm sóc, khiến sản phụ rơi vào trạng thái mê man và tử vong không lâu sau đó.
Lý giải về điều này, ông Bản cho biết, thông tin bệnh nhân sau sinh 5 giờ không được chăm sóc là không chính xác. Bởi ngay sau sinh, các bác sĩ đỡ đẻ đã phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu chảy máu, sau đó được chuyển từ phòng sinh sang phòng mổ trong tích tắc. Ekip mổ luôn có mặt bên cạnh bệnh nhân, cho nên không có chuyện sản phụ bị bỏ mặc trong 5 giờ như mạng xã hội chia sẻ.
Giải thích về trường hợp của sản phụ NQP, ông Bản cho biết, đây là trường hợp đẻ thường không phải sinh mổ nên chỉ cắt tầng sinh môn, mất một ít máu nhưng không chảy ở chỗ cắt mà chảy từ trong chảy ra, các bác sĩ đã xử lý nhưng không cầm được máu và phải chuyển sang phòng mổ. Đây không phải là hiện tượng chảy máu sau sinh mà bệnh nhân chảy máu cả thành bụng lẫn phía trong, tất cả đều chảy dẫn đến hiện tượng chảy máu ồ ạt. Trong khi trước đó, tất cả các chỉ số lúc sinh là bình thường.
Sau đó, tiếp tục mổ lần 2 cắt tử cung và khâu động mạch hạ vị để cầm máu, kết quả chiều hôm đó khả quan hơn. Bệnh viện tiếp tục mời các chuyên gia đầu ngành hội chẩn cho bệnh nhân và đều tiên lượng kết quả tốt hơn vì các chỉ số về huyết học đã ổn hơn.
Tuy nhiên, vào tối ngày 3/11, bệnh nhân có biểu hiện nguy kịch và kéo dài đến sáng ngày 4/11. Bệnh viện tiếp tục mời hội chẩn để mổ lần 3 nhưng kết quả ruột đã hoại tử do rối loạn đông máu, dẫn đến suy đa tạng và tử vong không lâu sau đó.
Nhận định về trường hợp này, ông Võ Văn Bản cho biết, đây là trường hợp rối loạn đông máu rất hiếm gặp và kỳ lạ. Các chuyên gia huyết học không thể lý giải được hiện tượng này trong khi đó, bệnh viện cũng đã truyền dịch, sử dụng thuốc vận mạch tốt nhất của Việt Nam nhưng vẫn không đáp ứng được.
"Rất đáng tiếc. Sau khi bệnh nhân tử vong, chúng tôi khẳng định đã làm hết khả năng, kể cả mổ, điều trị nội khoa, lọc máu, hồi sức nhưng không thể cứu được cháu. Chúng tôi cũng vô cùng đau xót về việc này”, ông Võ Văn Bản chia sẻ trên Báo Giao Thông.
Trước đó, Bệnh viện cũng đã tiến hành hội chẩn liên tục và can thiệp mổ lần 3. Nhận định bệnh nhân có rối loạn đông máu sau sinh rất đặc biệt cho nên đã truyền khoảng 20 lít máu và dịch huyết tương, tiểu cầu nhưng vẫn không thể cầm được máu.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc rối loạn đông máu
Tính đến 15h ngày 5/11 vẫn chưa có kết luận chính thức của Bộ Y Tế về trường hợp sản phụ NQP tử vong sau sinh tại Bệnh viện Việt - Pháp, tuy nhiên một lần nữa các chuyên gia cảnh báo hiện tượng rối loạn đông máu rất nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai và sau sinh. Đây là thông tin cần lưu tâm đặc biệt đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai, trong thai kỳ và sắp đến ngày sinh.
1. Các đối tượng được đề cập dưới đây sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh rối loạn đông máu:
- Phụ nữ từng sảy thai không rõ nguyên nhân từ tuần thứ 10 của thai kỳ, nếu sảy 3-5 lần thì nguy cơ này cao hơn bình thường
- Phụ nữ có tiền sử thai chết lưu
- Phụ nữ mang thai bị sinh non từ tuần thứ 34 do hội chứng tiền sản giật hoặc nhau thai bất thường
- Bị huyết khối trong quá trình mang thai
2. Nhận biết sớm các triệu chứng rối loạn đông máu trong quá trình mang thai
Đi khám thường xuyên nếu mẹ bầu có những dấu hiệu bất thường sau:
- Thường xuyên chảy máu cam, dù chảy lượng ít hay chảy ồ ạt
- Bị chảy máu bất thường không rõ nguyên nhân, thường xuyên bị chảy máu chân răng
- Người mệt mỏi, xanh xao, đau tức ngực, sưng đau đột ngột ở tay hoặc chân
- Phân và nước tiểu có thể lẫn máu
- Ở chân và đùi sẽ thấy các mạch máu nổi lên chằng chịt
Rối loạn đông máu có thể sẽ dẫn đến các biến chứng xuất huyết nghiêm trọng dẫn đến chảy máu ồ ạt, huyết áp giảm, suy tim và tử vong.
Trước đó, mạng xã hội truyền đi thông tin một sản phụ 24 tuổi có sử dụng dịch vụ “thai sản và sinh trọn gói” với nội dung “đồng hành với mẹ và bé cho thai kì trọn vẹn" với chi phí gần 70 triệu đồng. Sản phụ sinh thường vào khoảng 11h ngày 2/11. Không may sau khi sinh, cô bị băng huyết nhưng Bệnh viện Việt - Pháp không có phương án xử lý kịp thời. Nhiều tiếng sau đó, Bệnh viện mới quyết định mổ cho chị N.Q.P thì phát hiện ổ bụng đã bị hoại tử do vết thương để quá lâu. Do đó, dù đã được phẫu thuật song bệnh nhân không qua khỏi.
Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Việt - Pháp kiểm tra, xác minh thông tin về sản phụ 24 tuổi tử vong sau sinh, đồng thời, gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của bệnh viện đối với sản phụ.
Đồng thời, thành lập hội đồng chuyên môn theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với trường hợp sản phụ P. thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn tới gia đình sản phụ và các cơ quan truyền thông đại chúng.