Sáng kiến "Góp một cây là góp rừng"

An Khê
30/03/2024 - 09:35
Sáng kiến "Góp một cây là góp rừng"

Các hoạt động bảo vệ rừng thu hút nhiều người tham gia

Đó là sáng kiến của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia nhằm kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng chung tay đóng góp, cùng trồng rừng đầu nguồn tại Việt Nam, từ đó cải thiện chức năng của hệ sinh thái, tạo nơi sinh sống cho các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý hiếm.

Chị Đỗ Thị Thanh Huyền, Nhà sáng lập Gaia, cho biết: Theo chương trình, tùy khả năng, mỗi người có thể đóng góp một hoặc nhiều cây cho từng khu rừng mà mình yêu thích bằng hình thức chuyển một số tiền nhỏ. 

2-3 ngày sau khi bạn chuyển khoản ủng hộ, tên và lời nhắn của người đóng góp sẽ xuất hiện trên các khu rừng trên website Gaia. Sau đó, Gaia sẽ tiến hành trồng rừng và báo cáo về khu rừng công khai cho cộng đồng đã đóng góp".

Từ 2018 đến năm 2023, Gaia đã kết nối với 139 doanh nghiệp, hàng nghìn tổ chức và cá nhân. Với sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, Gaia đã trồng được hơn 900.000 cây giống phủ xanh trên 10 khu rừng đặc dụng đầu nguồn tại Việt Nam. 

Hiện nay, Gaia đang đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn tại nhiều Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam như: Vườn Quốc gia Bạch Mã, Bến En, Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên…

Gaia được thành lập nhờ quyết tâm của một nhóm các nhà bảo tồn, dẫn đầu là chị Đỗ Thị Thanh Huyền, người có hơn 26 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, cùng 10 thành viên chính thức và đội ngũ cộng tác viên hàng năm khoảng 30-50 người. 

Đồng hành với Gaia còn có các chuyên gia cố vấn trong các lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên lâm nghiệp, truyền thông.

“Góp một cây là góp rừng”- Ảnh 1.

Chị Đỗ Thị Thanh Huyền (đứng đầu), Nhà sáng lập Gaia, cùng nhóm đi trồng rừng tại rừng Cúc Phương (Ba Vì, Hà Nội)

Chị Huyền chia sẻ: "Tôi rất vui vì thế hệ trẻ ngày nay quan tâm đến môi trường nhiều hơn. Nhờ đó, rất nhiều phong trào bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng đã hình thành, không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới. Tôi mong, đây không chỉ là phong trào bảo vệ môi trường hậu Covid-19 mà là những hành động được thực hiện thường xuyên, liên tục, không chỉ trong giới trẻ mà ở mọi người. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức vì điều này!".

Gắn bó với Gaia được hơn 5 năm, tổ chức nhiều hành trình trải nghiệm thiên nhiên, các buổi chia sẻ, sự kiện giáo dục truyền thông, chị Phan Thị Thùy Dung, Điều phối viên Kết nối Cộng đồng tại Gaia, nhận thấy, hiện nay nhiều thanh niên Việt Nam có mong muốn bảo vệ môi trường nhưng chưa được cung cấp đủ kiến thức cần thiết để hiểu đúng, làm đúng. 

Đơn cử việc các bạn kêu gọi rải hạt khi đi du lịch ở các khu rừng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ gene của khu rừng. Việc đó có thể mang đến các loài sâu bệnh gây hại mới, tạo thành loài ngoại lai xâm lấn, đe dọa sự phát triển của các loài cây bản địa. 

Do đó, thông qua các chương trình, Gaia muốn truyền tải những thông tin chính xác một cách dễ hiểu để mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, có thể yêu thiên nhiên đúng cách, trồng cây, trồng rừng đúng cách.

Theo các thành viên của Gaia, để góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, điều quan trọng là cần tạo ra cơ hội để mọi người được tham gia, hành động và đóng góp thiết thực, lâu dài cho thiên nhiên. Những hoạt động thực tế như dọn rác, trồng cây đều là những cơ hội tuyệt vời giúp mọi người được thực hành, được hành động. 

Điều quan trọng là cần có những hoạt động song hành để giúp người tham gia nâng cao hiểu biết, cùng hành động.

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia hiện tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để cộng đồng trẻ tham gia như: trồng rừng, tái chế đồ cũ, góp đồ cũ, góp sách để gây quỹ trồng rừng, dọn rác bãi biển. 

Mỗi hoạt động đều được thiết kế cẩn thận, chọn lọc nhằm giúp mọi người thêm hiểu biết, thêm trân trọng thiên nhiên, môi trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm