Sát thủ 'Monster' làm Sứ giả hòa bình

26/11/2016 - 11:00
Ký ức đầy ám ảnh khi còn là một đứa trẻ ở Nam Phi phải sống cùng người cha lạm dụng, nghiện rượu, thường xuyên đe dọa bị giết đã khiến Charlize Theron quyết tâm giúp đỡ, hỗ trợ những phụ nữ cùng cảnh ngộ khi trở thành ngôi sao nổi tiếng.

Charlize Theron chào đời tại Benoni, Nam Phi ngày 7/8/1975. Tuổi thơ của cô là những năm tháng chứng kiến cảnh cha mình nghiện rượu sau đó hành hạ và lạm dụng mẹ cô.

Cô từng chia sẻ về trải nghiệm không thể nào quên khi mới lên 5 tuổi: “Một ngày nọ, tôi đi cùng cha mẹ trên ô tô thì bắt gặp một vụ tai nạn. Một chiếc xe tải bị lật ngửa khiến một người đàn ông bị kẹt cứng ở cửa xe. Ông ta kêu gào đau đớn và cầu xin ai đó hãy kết liễu cuộc đời ông ấy, thay vì để ông ấy chết cháy cùng chiếc xe. Do vậy một người đã nổ súng. Tại Nam Phi, ai cũng mang vũ khí theo người. Đó là khoảnh khắc kinh hoàng, nhưng nó cũng dạy cho tôi giá trị cuộc sống”.

7.jpg
Là ngôi sao nổi tiếng Hollywood nhưng Charlize Theron đã trải qua một tuổi thơ khố khó và bi kịch. 

Sự việc lặp lại vào năm Charlize Theron 15 tuổi. Khi Charlize trở về nhà từ trường nội trú dạy ballet vào một ngày cuối tuần, cô lại chứng kiến cảnh người cha thường xuyên say xỉn tấn công mẹ cô - bà Gerda Jacoba. Trong cơn say, người đàn ông lớn tiếng đe dọa mạng sống của cả hai mẹ con. Bà Gerda lúc này đã đi đến tận cùng của sự chịu đựng người chồng say xỉn liên tục, đánh đập và hạ nhục, đã dùng súng bắn chết chồng mình. Vụ việc sau đó khép lại với kết luận mẹ cô chỉ sử dụng súng để tự vệ. Toàn bộ sự việc hằn sâu trong ký ức Charlize Theron cho đến khi trưởng thành. Chứng kiến cái chết của người cha giúp Theron nhận ra: ‘Tôi sẽ phải vùng lên hoặc chấp nhận chết chìm’.

Thời gian sau, mẹ cô bắt đầu đăng ký cho Theron tham gia hàng loạt cuộc thi người mẫu với mong muốn quên đi khoảng thời gian bi kịch đó. Năm 16 tuổi, Theron từng nhận học bổng về ballet và sống, làm việc như một người mẫu tại Italia một năm trước khi chuyển tới Mỹ cùng mẹ để theo đuổi đam mê thật sự của mình là múa ballet. Tại đây, cô tập luyện tại trường múa ballet Joffrey, song ước mơ của cô đã bị dập tắt khi Theron bị chấn thương đầu gối. Điều này khiến cô trở nên suy sụp trong một thời gian dài.

Như một cơ duyên, cuộc tranh cãi tại một ngân hàng ở Hollywood khiến Theron lọt vào mắt xanh của John Crosby - chuyên gia săn lùng tài năng diễn xuất, người đứng xếp hàng ngay sau cô và chứng kiến đầy đủ biểu cảm của người đẹp. Con đường của Theron ở Hollywood bắt đầu từ đó.

ni-chuyn-vi-1-a-tr.jpg
 Cô có nhiều hoạt động giúp đỡ phụ nữ và trẻ em khi đã trở nên nổi tiếng.

Năm 2004, Charlize Theron trở thành diễn viên đầu tiên của Nam Phi giành được tượng vàng Oscar cho ‘Nữ diễn viên chính xuất sắc’ với vai diễn từ một nạn nhân của bạo lực gia đình trở thành kẻ sát nhân trong bộ phim "Monster" và được biểu tượng Nelson Mandela cùng Tổng thống Thabo Mbeki đích thân gửi lời chúc mừng. Cô cũng được đề cử Oscar với vai diễn một phụ nữ bị ngược đãi và quấy rối tình dục trong phim "North Country" năm 2005. Từ khi bước lên hàng ngũ minh tinh hạng A của Hollywood, Charlize Theron liên tiếp nhận được những lời mời với cát-xê hàng chục triệu USD/vai diễn.

Thành danh trên toàn cầu, Charlize Theron dành nhiều thời gian để tham gia các hoạt động xã hội và từ thiện. Theron là một nhà hoạt động xã hội tích cực. Cô từng chia sẻ: ‘Công việc luôn xếp thứ 2 hoặc thứ 3 trong cuộc sống của tôi. Tôi nhận ra điều này từ khi còn rất nhỏ rằng, tôi là người chịu trách nhiệm cho niềm hạnh phúc của bản thân mình. Công việc khiến tôi vui vẻ nhưng đó không phải là điều duy nhất. Tôi không muốn mình là người khốn khổ vì thế tôi cố gắng làm bất kỳ điều gì có thể để mình không phải sống cuộc sống khổ sở nữa’.

Năm 1999, cô thành lập hai trung tâm hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo hành đầu tiên ở Nam Phi, nơi có tỷ lệ bạo lực gia đình rất cao, nhằm hỗ trợ những trường hợp bị hãm hiếp. Theron cũng là thành viên tích cực trong các tổ chức đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ và ủng hộ quyền tự do lựa chọn và bình đẳng trong hôn nhân.

1.jpg
3.jpg
 Charlize Theron và những hoạt động giúp đỡ trẻ em châu Phi.

Ngoài ra, cô cũng tham gia dự án V-Day của Eve Ensler. Hàng năm, các nhà hoạt động tình nguyện tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới thuộc dự án V-Day tổ chức hàng ngàn sự kiện V-Day nhằm giáo dục hàng triệu người về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua các bộ phim và các chiến dịch giáo dục tại Mexico, Israel, Palestine, Ai Cập, Jordan, Afghanistan, Ấn Độ… Đối tượng mà quỹ hỗ trợ là phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành gia đình, nghèo đói, phân biệt chủng tộc, là nạn nhân của chiến tranh, cướp bóc…

Năm 2001, V-Day có tên trong danh sách “100 tổ chức từ thiện tốt nhất” của tạp chí Worth. Năm 2006, V-Day lọt vào top 10 tổ chức từ thiện tốt nhất của tạp chí Marie Claire và năm 2010 có tên trong danh sách tổ chức phi lợi nhuận tốt nhất. Trong 18 năm hoạt động, dự án V-Day đã quyên góp được hơn 100 triệu đô la Mỹ.

Năm 2007, Theron thành lập tổ chức ‘Charlize Theron Africa Outreach Project’ (CTAOP) với tôn chỉ giúp giới trẻ châu Phi tránh xa khỏi căn bệnh thế kỷ HIV, hạn chế bạo lực tình dục, hỗ trợ giáo dục về HIV/AIDS.

Ngày 17/11/2008, Charlize Theron đã được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bổ nhiệm vào vị trí Sứ giả hòa bình của Liên hợp quốc (Messenger of Peace), với nhiệm vụ đặc biệt là chống bạo lực và hành hung phụ nữ. Ông Ban Ki-moon tuyên bố: “Tôi tin Charlize Theron sẽ là người biết thuyết phục và thực sự là một Sứ giả hòa bình có sức hút mạnh mẽ. Nhiệm vụ chính của cô là làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống của chị em phụ nữ và các cháu nhỏ ở Nam Phi, đồng thời phải tìm cách xóa bỏ bạo lực, hành hung phụ nữ và các em gái”.

5.jpg
 Năm 2008, diễn viên Charlize Theron là Sứ giả Hòa bình của Liên hợp quốc, hỗ trợ Tổng Thư ký Ban Ki-moon thực hiện chiến dịch chấm dứt nạn bạo hành với phụ nữ.

Cùng với vị trí Sứ giả Hòa bình, Charlize Theron còn hỗ trợ Tổng Thư ký Ban Ki-moon thực hiện chiến dịch ‘UNite to End Violence against Women’ (Cùng Liên hợp quốc chấm dứt nạn bạo hành với phụ nữ) với thông điệp mạnh mẽ: Nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em là không thể chấp nhận được.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm