Sau 5 năm, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm gần 12%

An Khê
29/05/2022 - 11:36
Sau 5 năm, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm gần 12%

Ảnh minh họa

Bộ Y tế vừa phối hợp với TƯ Đoàn tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31/5) với chủ đề do Tổ chức Y tế thế giới phát động: “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta”.

Được biết, các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) ngày càng được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung của PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động; treo biển cấm hút thuốc tại cơ quan, đơn vị; tổ chức ký cam kết thực hiện xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá.

Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc giảm từ 45,3% xuống 42,3% - Ảnh 1.

TTND, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế; Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế, phát biểu tại lễ mít tinh

Qua 9 năm thực hiện Luật PCTHTL, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi của công chức, viên chức, người lao động và người dân về việc hút thuốc, hầu như không còn hiện tượng hút thuốc trong phòng họp, phòng làm việc; không còn hiện tượng mời, ép buộc sử dụng thuốc lá; giảm việc tặng quà, biếu, mời thuốc trong các dịp lễ tết, đám cưới, đám hiếu...

Kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2020 cho thấy so với năm 2015, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể như: Tại nơi làm việc giảm từ 42,6% xuống 30,9%; Tại nhà giảm từ 59,9% xuống 56,0%. Tỷ lệ người bệnh được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020. Số bệnh nhân cai nghiện thành công từ năm 2017 đến năm 2020 là 1.111 người.  

Trong lứa tuổi học sinh 13-17 tuổi, kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh Toàn cầu tại Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới thực hiện năm 2019 cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019 (giảm 50%), tỷ lệ học sinh đã thử thuốc lá hoặc thuốc lào giảm từ 12,1% xuống 8,3%. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác PCTHTL tại Việt Nam thời gian qua, đáp ứng được một trong những mục tiêu quan trọng của công tác PCTHTL, đó là ngăn ngừa hút thuốc trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình PCTHTL.

Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, gửi thông điệp đến các cơ quan, tổ chức, đoàn thể tiếp tục tăng cường thực thi Luật PCTHTL và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá, kêu gọi những người hút thuốc bỏ thuốc lá. Không hút thuốc, cai thuốc lá sớm là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật, giảm bớt gánh nặng bệnh không lây nhiễm mà hiện vẫn đang chiếm tới hơn 70% gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam, góp phần xây dựng môi trường trong lành cho mỗi người, cho từng gia đình và cho toàn xã hội.

Cũng tại buổi Lễ, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho biết sử dụng thuốc lá làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu và làm tăng mức độ ô nhiễm không khí. Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi mọi người hãy hành động để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho mọi người và các thế hệ tương lai.

- Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp.

- Theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29/4/2020 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm