Giáo sư, bác sĩ giải phẫu thần kinh Sergio Canavero (Italia) vừa tuyên bố, sau ca ghép đầu dự kiến được thực hiện trong 10 tháng tới sẽ là ca cấy ghép não đông lạnh cho người.
Theo đó, ca ghép đầu người đầu tiên dự kiến được thực hiện vào 10 tháng nữa, địa điểm tại Trung Quốc. Bác sĩ phẫu thuật có nhiều kinh nghiệm Xiaoping Ren, thuộc ĐH Y khoa Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, sẽ cùng tham gia với giáo sư Sergio Canavero.
Xiaoping Ren là người từng tham gia nhóm phẫu thuật cấy ghép tay đầu tiên tại Mỹ. Bệnh nhân đầu tiên được ghép đầu không phải là người Nga Valery Spiridonov như dự kiến mà là 1 công dân Trung Quốc.
Ngoài ca phẫu thuật dự kiến nêu trên, GS Canavero còn lên kế hoạch cho ca cấy ghép não đầu tiên trên thế giới, dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 3 năm nữa. Nếu những dự án trên thành công, Canavero và các cộng sự sẽ tiến hành xây dựng Viện Kéo dài cuộc sống (LFI) để mang lại cuộc sống mới cho nhóm người thiểu năng, khuyết tật trong tương lai.
Theo tờ Telegraph số ra mới đây, khi trả lời phỏng vấn Tạp chí OOOM của Đức, Canavero cho biết, ông tự tin về ca ghép đầu sắp tới, thậm chí cả ca hồi sinh não đông lạnh sẽ diễn ra trong vòng 3 năm sau đó, trong đó não đông lạnh sẽ được “đánh thức” để phục vụ cho ca cấy ghép mới mẻ này.
Theo thống kê, hàng năm có tới hàng trăm người mắc bệnh nan y quyết định sử dụng kỹ thuật lạnh đông cơ thể hoặc lạnh đông não với hy vọng, khi khoa học phát triển sẽ giúp họ hồi sinh, chữa được những căn bệnh nan y mà họ mắc phải.
Đây là dự án đầy tham vọng, bởi từ trước tới nay chưa ai dám làm, nhất là các ca phẫu thuật thần kinh, can thiệp sâu vào những cơ quan quan trọng như não. Nói cách khác, việc làm sống lại chiếc đầu lạnh đông chưa ai dám nghĩ tới.
Quá trình ghép não sẽ như thế nào
Theo Canavero, ông đang lên kế hoạch “đánh thức” các bệnh nhân đông lạnh đang được bảo quản tại Trung tâm lạnh đông Alcor ở Arizona, Mỹ. Nếu ca ghép đầu dự kiến diễn ra muộn nhất vào đầu năm 2018, thì nhóm đề tài sẽ bắt tay vào “đánh thức” chiếc đầu lạnh đông đầu tiên.
Hy vọng ca ghép não sẽ thuận lợi vì nó không có các phản ứng miễn dịch, có nghĩa là không phải lo đến vấn đề đào thải. Ngoài ra, não còn là một cơ quan thần kinh và so với ghép đầu, nó phải xử lý mạch máu, dây thần kinh, gân lẫn cơ, vấn đề hợp cách rất khó xử lý nhưng ghép não thì không phải xử lý những phức tạp này.
Để đảm bảo cho ca ghép đầu và cấy ghép não đạt kết quả, nhóm dự án Canavero vừa thử nghiệm cấy ghép đầu chuột. Trong thử nghiệm này, người ta đã dùng 2 con chuột to và 1 con chuột nhỏ, đầu của con chuột nhỏ được ghép vào thân của 1 con chuột to. Có 3 con chuột, chuột hiến, chuột nhận và 1 con chuột (to) được sử dụng để cung cấp máu cho đầu cấy ghép.
Để duy trì dòng máu đến não hiến tặng, 1 chiếc bơm truyền máu từ con chuột thứ 3 đến để đảm bảo não không bị thiếu oxy. Kết quả, sau phẫu thuật, không có tổn thương mô não của chuột hiến do mất máu, chuột được cấy ghép đầu mới đã nhìn thấy và cảm thấy đau, biểu hiện cho thấy não hoạt động tốt, dù đã bị tách khỏi cơ thể gốc.
Sau phẫu thuật, 2 con vật này sống được trung bình 36 giờ nhưng theo nhóm nghiên cứu nếu tiếp tục sử dụng 1 máy bơm nhu động và ghép mạch thì chúng có thể tồn tại lâu hơn.
Với nghiên cứu trên, Canavero cho biết, hy vọng ca phẫu thuật cấy ghép đầu tới đây và ca ghép não sẽ thành công vì ông và các cộng sự từng tiến hành hàng loạt các thí nghiệm về cấy ghép đầu động vật, như cắt đứt 90% tủy sống của 1 con chó trước khi gắn lại nó hoặc ca phẫu thuật đầu đã được thực hiện trên 1 con khỉ... Giáo sư, bác sĩ giải phẫu thần kinh Sergio Canavero (người Italia) và Bác sĩ phẫu thuật có nhiều kinh nghiệm Xiaoping Ren (trái, người Trung Quốc) sẽ thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên
Đánh giá về dự án táo bạo trên, các nhà khoa học Anh tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của dự án, nhất là khi cấy ghép những cơ quan phức tạp như não. GS Clive Coen, chuyên gia thần kinh ở Đại học King, thủ đô London, cho rằng, những người ủng hộ chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng khoa học nào để chứng minh não động vật có vú có thể hồi sinh sau khi lưu trữ trong môi trường ni-tơ lỏng, chưa kể cấy ghép các bộ phận khác của cơ thể.