Sau các vụ việc gây bức xúc, Hà Nội tăng cường tập huấn xử lý tình huống sư phạm cho giáo viên

22/08/2019 - 12:56
Việc xử lý tình huống sư phạm được Sở GD&ĐT Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh trong năm học mới 2019-2020, do thời gian qua đã để xảy ra một số vụ việc gây bức xúc dư luận. Mới đây nhất là hành vi phản giáo dục của cô giáo trường Mầm non Maple Bear Westlake Point khi nhốt trẻ vào tủ chỉ vì các cháu nghịch ngợm, gây bức xúc dư luận.

Sở GD&ĐT yêu cầu các trường thực hiện một số nội dung đầu năm học như xây dựng quy trình đón, nhận trẻ, tăng cường tập huấn cho 100% giáo viên kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm và tăng cường chống xâm hại trẻ em là những nhiệm vụ được Hà Nội đặt ra cho các trường.

Đây là những nội dung nổi bật do Sở GD&ĐT Hà Nội giao đến hiệu trưởng các trường học trên địa bàn thành phố, liên quan đến nhiệm vụ tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học, giáo dục an toàn giao thông năm học mới 2019 – 2020.

Liên quan đến vấn đề giáo dục giới tính, chống xâm hại trẻ em, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tuyên truyền nâng cao kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng chống xâm hại trẻ em cho nhà giáo, cán bộ, nhân viên trong nhà trường.

img1552.jpg
Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng năm học mới. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam )

  

Trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh tuyên truyền để cha mẹ học sinh thấy rõ trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục giới tính và bảo vệ con em mình phòng tránh nguy cơ bị xâm hại.

Nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm tạo điều kiện cho học sinh được nâng cao nhận thức, kiến thức về giáo dục giới tính, kỹ năng, biện pháp tự bảo vệ mình tránh khỏi các tình huống bạo lực, xâm hại.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tuyên truyền, cung cấp thông tin về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 - trực 24/24 và miễn phí cước cuộc gọi. Công tác bảo vệ phải được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ khách đến liên hệ công tác, người lạ vào trường học. Phương tiện xe cơ giới ra vào trường học, đặc biệt vào các thời điểm có học sinh hoạt động và vui chơi trong khuôn viên nhà trường phải được giám sát chặt chẽ.

Trong giáo dục an toàn giao thông, trường tổ chức triển khai ký cam kết với cha mẹ học sinh không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy. Học sinh phải cam kết nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông, trong đó chú trọng việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông.

Nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực cổng trường, không để xảy ra ùn tắc giao thông; phối hợp với các lực lượng chức năng nghiên cứu mở các cửa phụ, tổ chức các điểm dừng, đỗ cho phương tiện chờ, đưa đón học sinh giảm ùn tắc giao thông.

 

sggpgd6_zmoc.jpg
Ảnh minh họa

 

Đối với các trường có học sinh đưa đón bằng xe ô tô, các đơn vị chủ động lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn. Lái xe phải có ý thức tốt, có trách nhiệm cao, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Lãnh đạo nhà trường phải xây dựng nguyên tắc quy trình đón, nhận trẻ từ gia đình (điểm đón trẻ) lúc đến trường và trong thời gian học tập tại trường cho đến khi bàn giao trẻ cho gia đình bảo đảm chặt chẽ, rõ trách nhiệm thông báo rộng rãi quy trình này đến cán bộ giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh để cùng phối hợp thực hiện bảo đảm an toàn cho học sinh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm