Sau đại dịch, phụ huynh chuyển hướng cho con du học tại chỗ

Bài, ảnh: Hà Lê
08/06/2022 - 09:26
Sau đại dịch, phụ huynh chuyển hướng cho con du học tại chỗ

Giờ học thực hành của sinh viên Khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Sau 2 năm đại dịch Covid-19 với nhiều khó khăn, không ít phụ huynh đã chuyển hướng cho con "du học trong nước" thay vì ra nước ngoài như dự kiến.
Chuyển hướng vì dịch bệnh

Chị Kim Hoa, một giảng viên đại học ở Hà Nội có con đang du học ở Mỹ, cho biết: "Hai năm qua, con trai tôi cũng hỗ trợ nhiều học sinh trong việc tìm kiếm học bổng du học ở Mỹ. Qua con, tôi kết nối với một số phụ huynh có con từng muốn đi Mỹ. Có người đã cho con đi với sự giúp đỡ của con trai tôi nhưng có người thì mới rậm rịch chuẩn bị thì dịch ập đến. Vài người trong số này đã bỏ hẳn ý định, chuyển hướng cho con học tại Việt Nam".

Theo chị Hoa, nguyên nhân lớn khiến các phụ huynh e ngại chính là những tác động của dịch bệnh, nhất là thời điểm du học sinh "chạy loạn" với nhiều rủi ro và tốn kém. "Con đã học tại một trường quốc tế trong nước được 2 học kỳ rồi. Ban đầu, kế hoạch đảo lộn do trường con xin học bổng đóng cửa, sinh viên học online. Việc di chuyển trong tình trạng dịch lan rộng toàn cầu rất khó khăn nên gia đình không thể biết khi nào con có thể nhập học. Định cho con "học tạm" nhưng trước tình hình dịch ở Việt Nam vào mùa hè năm 2021 khiến tôi quyết định cho con ở nhà", chị Thúy Hạnh (quận 5, TPHCM) chia sẻ.

Chị Hồng Trâm (Nam Định), một phụ huynh có con du học tại Nhật Bản, chia sẻ: "Thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng nhất, con lớn của tôi bị dương tính. Ở xa không thể giúp gì được cho con, đó là cảm giác kinh khủng mà tôi phải trải qua. May mắn con bình phục nhưng sau chuyện đó, tôi từ bỏ luôn ý định cho con thứ hai đi du học. Vì tình hình dịch bệnh vẫn chưa ổn định, ngôi trường mà con tôi dự định học cũng thay đổi chính sách học bổng, chi phí du học tính cả học phí và sinh hoạt phí tăng gấp đôi so với trước dịch. Đó là những lý do khiến tôi cân nhắc việc cho con học tại Việt Nam".

Nhiều chương trình đào tạo liên kết "đắt hàng"

Du học tại chỗ đang là một xu thế được nhiều người lựa chọn. Ngoài các trường quốc tế tại Việt Nam, nhiều cơ sở đại học Việt Nam cũng đang mở các chương trình liên kết với trường đại học ở nước ngoài. Các chương trình này đa số sẽ học chương trình "nhập khẩu", dạy 100% bằng tiếng Anh, có thể do giáo viên nước ngoài và giáo viên Việt Nam cùng giảng dạy. Tuỳ theo mỗi chương trình liên kết, học sinh có thể học toàn thời gian tại Việt Nam hoặc học 2-3 năm tại Việt Nam, 1-2 năm ở nước ngoài. Sinh viên nhận bằng tốt nghiệp hệ chính quy do trường ĐH nước ngoài cấp hoặc có song bằng của cả Việt Nam và nước ngoài.

Nhiều cơ sở như trường ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Ngoại thương, trường ĐH Tôn Đức Thắng... nhiều năm nay đã phát triển các chương trình đào tạo quốc tế tương tự như vậy và nó càng "nở rộ" vào hai năm diễn ra đại dịch Covid- 19.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực liên kết đào tạo quốc tế. Trường đã và đang triển khai các chương trình liên kết đào tạo bậc đại học với các trường đại học uy tín trên thế giới từ các nước CHLB Đức, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Anh, Pháp, Úc... Các chương trình liên kết đào tạo những chuyên ngành như: Kỹ thuật Cơ điện tử, Cơ khí - Chế tạo máy, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Khoa học Máy tính, Hệ thống thông tin, Quản trị kinh doanh, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng.

Ở khối kinh tế, các chương trình liên kết cũng rất đa dạng. Ví dụ, trường ĐH Kinh tế TP.HCM đang có chương trình liên kết đào tạo cử nhân với trường ĐH Victoria- New Zealand. Chương trình dạy bằng tiếng Anh hoàn toàn do giảng viên 2 nước kết hợp giảng dạy. Thời gian đào tạo gồm 2 giai đoạn: 1,5 năm tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM và 1,5 năm tại trường ĐH Victoria ở thủ đô Wellington. Bằng tốt nghiệp do trường Đại học Victoria cấp.

Chương trình liên kết đào tạo (2+2) tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân là chương trình liên kết đào tạo bậc đại học giữa trường ĐH Kinh tế quốc dân và trường ĐH tổng hợp California, San Bernardino, Hoa Kỳ. Toàn bộ chương trình học trong vòng 4 năm. Trong đó, 2 năm đầu học tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân và 2 năm tiếp theo học tại trường ĐH California, San Bernardino. Bằng đại học chính quy do trường ĐH California cấp.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân còn chương trình liên kết với trường ĐH York St John, Vương quốc Anh, đào tạo cử nhân Kế toán - Tài chính, học tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Chương trình đào tạo 4 năm học hoàn toàn bằng tiếng Anh, theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của trường đối tác, tiêu chuẩn của Tổ chức Đảm bảo chất lượng Giáo dục Đại học, Vương Quốc Anh (The Quality Assurance Agency for Higher Education, QAA).

Còn nhiều băn khoăn

Mặc dù quyết định cho con du học tại chỗ nhưng nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn. Theo chị Kim Hoa, dù chương trình quốc tế tại Việt Nam có tốt thì việc đi du học ở nước ngoài vẫn có điểm cộng. Cụ thể, trình độ tiếng Anh của học sinh sẽ cải thiện rõ rệt khi sống và học tập ở môi trường nói tiếng Anh hoàn toàn. Ngoài ra, việc ra nước ngoài du học, học sinh mới thực sự vượt lên các thách thức để tự lập và trưởng thành. Học sinh không chỉ tiếp cận với tri thức mà môi trường mới còn giúp hình thành nhiều kỹ năng mềm, đặc biệt là thay đổi tư duy, thậm chí thay đổi hệ giá trị theo đuổi. Tuy vậy chị Hoa cũng thừa nhận, ngoài những rủi ro vì dịch bệnh, những người trẻ du học nước ngoài còn có thể bị "sốc văn hoá": Sốc khi mới đi du học và sốc khi trở về. Muốn "chống sốc" cần có nền tảng văn hoá gia đình tốt, có định hướng về hệ giá trị mà con cần gìn giữ và những kỹ năng cần thiết. Đây thường là điểm yếu của học sinh Việt Nam vì đa số bọn trẻ chỉ lo học và thi cử.

Ngoài những băn khoăn trên, khá nhiều phụ huynh chưa tin tưởng các chương trình liên kết tại Việt Nam. Thực tế, có một số chương trình liên kết bộc lộ bất cập. Cụ thể là chương trình của đối tác nước ngoài chưa được kiểm định nhưng quá trình làm việc, phía Việt Nam đã không kiểm soát chặt chẽ. "Hiện tại, có nhiều chương trình liên kết với nước ngoài. Tuy nhiên, chất lượng, độ tin cậy, giá trị của tấm bằng tốt nghiệp cũng rất khác nhau. Vì thế, phụ huynh và thí sinh phải tìm hiểu rất kỹ", cô Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Ngoại thương, cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm