pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sau khi sinh con, có 3 điều người mẹ dễ bỏ qua
Ảnh minh họa
Sau khi sinh con, người phụ nữ thường có khuynh hướng dành tất cả mọi thứ cho gia đình nhỏ của mình. Tuy nhiên, người mẹ hiện đại cũng nên có những kế hoạch rõ ràng cho bản thân.
Đây là bản kế hoạch làm mẹ sau sinh mà nhiều chị em thường bỏ qua, các mẹ có thể tham khảo lời khuyên từ chuyên gia Anh Nguyễn, tác giả cuốn "Làm mẹ không áp lực".
1. Kế hoạch chăm sóc sức khỏe bản thân
Sau sinh, mẹ cần kiểm tra mức độ hồi phục của âm đạo sau 6 tuần, không nên bỏ lỡ. Nhân cơ hội đó, hỏi chuyên gia về chuyện chăn gối và biện pháp ngừa thai hiệu quả và an toàn trong 1 năm.
Bản thân người mẹ cũng nên bổ sung đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như canxi, vitamin D, vitamin B12, sắt để duy trì đủ các vi chất này cho cơ thể người mẹ, không gây sự thiếu hụt về sau.
Một số bạn sẽ trải nghiệm sự thay đổi của cơ thể sau sinh như mệt mỏi, chán ăn và khó ngủ lên đến 1 năm sau sinh. Hãy nhờ đến sự tư vấn chuyên gia nếu những triệu chứng này sau 1 năm không khỏi hoặc thuyên giảm.
2. Kế hoạch giảm cân sau sinh
Muốn lấy lại vóc dáng sau sinh là điều mong muốn thiết thực. Bạn có thể làm việc này thông qua chế độ ăn cân bằng và tập thể dục. Lời khuyên là nên bắt đầu giảm cân sau sinh 6 tuần, khi đó mẹ quen với việc chăm sóc bé, cơ thể của mẹ cũng dễ dàng thích nghi với việc thay đổi cân nặng trở lại.
Không cần có một chế độ giảm cân kiêng khem quá mức. Chỉ cần chú ý các yếu tố dinh dưỡng thì bạn sẽ tiêu hao năng lượng dư thừa 1 cách hữu hiệu:
- Ăn đa dạng rau củ (cố gắng 4 phần rau củ/ngày - mỗi phần tầm 1 dĩa khoảng 80 - 120 gram), trái cây (giới hạn 2 phần trái cây/ngày - mỗi phần 80 gram gồm các loại trái cây có vị ngọt trung bình như nho, trái bơ, trái lựu, thơm, bưởi, thăng long,...). Nên ăn trái cây trực tiếp, không nên uống nhiều nước ép hay sinh tố.
- Ăn cá ít nhất 2 ngày/tuần, chọn đa dạng cá sông hoặc cá biển.
- Nên ăn bằng chén hoặc dĩa nhỏ. Khi có cảm giác no thì dừng lại, đừng cố ăn hết, tự nói: "Cố chờ 3 tiếng nữa, tôi lại ăn tiếp". Nghiên cứu cho thấy ăn bằng chén nhỏ dễ kiểm soát cảm giác no hơn bằng tô lớn. Các bữa ăn nên cách ít nhất 4 tiếng, nếu chia nhỏ bữa ăn thì cách 3 tiếng.
- Bạn không nên ăn các thức ăn thừa của bé hoặc uống sữa bé không uống hết. Để hạn chế sự lãng phí, bạn nên pha lượng ít, vừa đủ cho bé, bé cũng giống bạn, bé biết khi nào bé no, bạn cho bé ăn nhiều bé càng biếng ăn, bạn càng tăng cân do phải ăn thức ăn thừa của bé.
- Khi ăn, tập cách nhai kĩ thức ăn, nhai càng lâu bạn sẽ ăn ít lượng không cần thiết.
3. Kế hoạch quay về công việc
- Trên cơ bản, trẻ cần bạn hoàn toàn (80-100% quỹ thời gian của bạn) là trước 6 tháng tuổi.
- 50-60% quỹ thời gian của bạn là khi trẻ từ 6 tháng - 1 tuổi
- 40% quỹ thời gian của bạn dành cho trẻ từ 1-3 tuổi.
Chia sẽ thời gian của trẻ cho bản thân trẻ tự học hỏi, học hỏi từ người thân khác (bố bé, anh chị em hoặc ông bà), từ phía bạn bè thầy cô.