pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sau sinh 1 tuần, 8X tự làm cơm cữ, thích gì nấu nấy, hàng ngàn chị em ngưỡng mộ
Chế độ ăn uống ngay sau sinh (còn gọi là cơm cữ) vô cùng quan trọng với mỗi chị em phụ nữ. Nó bổ sung dinh dưỡng, các chất cần thiết để phục hồi sức khỏe, đặc biệt, giúp họ có đủ sữa để nuôi con.
Trên thực tế, vấn đề cơm cữ gây ra nhiều rắc rối cho sản phụ. Bởi sau sinh, phần lớn cơ thể phụ nữ yếu ớt, lại chăm con nhỏ, rất cần sự hỗ trợ của người thân. Nghiễm nhiên việc nấu cơm này đều để người trong gia đình làm, nên không phải lúc nào cũng được như ý muốn. Bữa ăn có thể quá đạm bạc, thiếu chất hoặc không khoa học. Chính vì vậy, vốn là người chủ động, ngồi một chỗ không quen nên sau sinh 1 tuần, chị Thanh Hà (Hải Phòng) đã tự tay vào bếp nấu cơm cữ cho mình.
Chị Thanh Hà
Chị Thanh Hà tâm sự, nấu ăn vốn cũng là sở thích từ nhỏ của bản thân. Sau này công việc của chị cũng gắn liền với bếp nên bà mẹ đảm thấy mọi thứ rất nhẹ nhàng, đơn giản.
Khi mới sinh, chị ở trong viện 1 tuần. Thời gian này thực đơn chủ yếu của chị là thịt lợn rang nghệ, canh rau ngót, tốt cho sản phụ, "tổng bỏ sản dịch ra ngoài nhanh và sạch", nên chị ăn nhiều. Thế nhưng, khi về nhà, 8X bắt tay vào xây dựng chế độ ăn riêng, bổ sung đa dạng thực phẩm mà vẫn cân đối các chất đạm, tinh bột, vitamin, rau xanh, trái cây.
Chị Hà cũng tâm sự, bản thân muốn tự nấu ăn vì sợ mẹ đẻ, mẹ chồng vất vả. Hơn nữa, tự nấu sẽ đúng ý, đúng vị, dinh dưỡng hợp lí mà không phải quá kiêng khem như phụ nữ ngày xưa. "Mình cũng được bác sĩ trên viện khuyên ăn đa dạng thực phẩm để tốt cho sức khoẻ của mẹ sau sinh và quá trình kích hút sữa của mình. Vì sinh bé đầu không có sữa nên quyết tâm gọi sữa về khi sinh bé thứ hai lên cao phơi phới...", chị nói.
Dù sau sinh sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn nhưng cơ thể cũng cần vận động thường xuyên. Chính vì vậy, một trong những việc mà chị rèn luyện chính là vào bếp. Vừa để khỏe, vừa để kích sữa cho con, lại đúng sở thích nên chị vô cùng vui vẻ khi vào bếp. Cũng chẳng hề có áp lực "không có ai nấu ăn cho mình". Chị cho rằng việc này hoàn toàn đơn giản, không tốn nhiều thời gian như mọi người nghĩ. Chỉ cần biết sắp xếp thứ tự ưu tiên khi sơ chế và chế biến món ăn là xong rất nhanh.
Rất may, chị luôn có mẹ chồng và mẹ đẻ ở bên giúp đỡ. Cả hai bà đều thoải mái trong việc ăn uống của chị, miễn sao có sữa cho em bé là được. Không những thế bà nội và bà ngoại còn thay phiên chăm bé ngày đêm, cùng sự trợ giúp của chồng nên công việc chính của chị Hà là ăn và kích sữa thôi. Mỗi lần lên xong thực đơn, mẹ chị sẽ đi chợ mua đồ ăn mỗi ngày rồi mới đến chăm em bé để chị vào bếp.
Khi nấu cơm cữ, chị cũng phải tham khảo các thực đơn khoa học, xem món nào nên ăn, món nào nên hạn chế hoặc không ăn để tránh ảnh hưởng tới sức và sức khỏe. Một số thực phẩm chị không ăn trong thời gian này là thịt trâu, thịt vịt, và rươi.
Có lẽ vì ăn uống khoa học, tinh thần lại hết sức thoải mái vì được chủ động trong việc ăn cơm cữ nên khi bầu tăng 22kg nhưng đến giai đoạn trong cữ, chị đã về dáng và số cân gần như thời chưa sinh. Hơn nữa, kết hợp với việc kích sữa ít nhất 7 ngày/lần, bé nhà chị đã được bú mẹ thoải mái. Thậm chí chị còn dự trữ được cả sữa ở tủ đông để dùng dần.
Bản thân được tự do trong việc lựa chọn thực phẩm, lên thực đơn, tự tay chế biến cơm cỡ nên phần nào chị Thanh Hà cũng hết sức thông cảm với nhiều chị em phụ nữ khác không được chủ động trong vấn đề này. Chị cũng khẳng định, "việc nấu cơm cữ sẽ không vất vả nếu mẹ bỉm sữa có sự hỗ trợ từ người thân, cũng như có chút kiến thức căn bản về nấu nướng. Cũng còn tuỳ thuộc vào sự phục hồi sức khoẻ của từng mẹ bỉm sau sinh nữa. Nếu có điều kiện về thời gian các mẹ hoàn toàn có thể thiết kế bữa ăn cữ theo sở thích, thói quen ăn uống dựa trên những kiến thức căn bản về giá trị dinh dưỡng của từng loại thực phẩm. Qua đó tạo niềm vui, niềm hứng khởi trong mỗi bữa ăn, cộng thêm tinh thần thoải mái để gọi sữa về thành công".