Theo cơ quan chức năng, lái xe taxi đó sau khi mời 3 nữ hành khách đi xe không thành công đã dùng ô vụt lên đầu, người và thậm chí còn tát hành khách đến gãy kính mắt.
Giao dịch giữa lái xe taxi (người cung cấp dịch vụ) với khách hàng là một giao dịch dân sự. Theo đó pháp luật quy định nguyên tắc cao nhất của loại giao dịch nói trên là sự thỏa thuận giữa hai bên. Cùng với đó, theo thông lệ của dịch vụ vận tải taxi, hợp đồng chỉ thực sự được giao kết, thực hiện khi khách hàng sử dụng dịch vụ của bên cung cấp và ở trong trường hợp này là mở cửa xe. Trong mọi trường hợp, khi chưa sử dụng dịch vụ, khách hành có quyền từ chối giao kết hợp đồng.
Nhưng tài xế kể trên đã có hành động côn đồ và coi thường pháp luật khi lao vào hành hung, tấn công cả 3 người phụ nữ.
Cùng với hành vi côn đồ, lái xe đó còn lớn tiếng thách thức cả cơ quan bảo vệ pháp luật.
Điều đáng nói, sau khi xảy ra vụ việc, 3 phụ nữ lúc này trở thành 3 người bị hại đã yêu cầu sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, song những gì họ nhận được chỉ là sự thất vọng.
Với tư cách khách hàng sử dụng dịch vụ vận tải (sau chuyến đi từ Hòa Bình đến Hà Nội), 3 phụ nữ đã yêu cầu sự hỗ trợ của Ban quản lý bến xe. Tuy nhiên, nhân viên Ban quản lý đã không làm gì ngoài việc cung cấp số điện thoại của công an phường. Với tư cách là những người chịu trách nhiệm quản lý bến xe, khi tiếp nhận phản ánh từ khách hàng của mình, điều tối thiểu nhân viên Ban quản lý cần làm là nắm thông tin, ghi chép đầy đủ và trực tiếp báo tin yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật can thiệp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng. Ngoài ra, trong quá trình cơ quan chức năng xử lý vụ việc, nhân viên Ban quản lý phải theo dõi ghi nhận và báo cáo với cấp trên để phối hợp giải quyết dứt điểm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng của mình.
Và khi 3 phụ nữ này, với tư cách là những công dân cầu cứu công an phường, họ lại một lần nữa thất vọng. Không chỉ không có mặt để can thiệp xử lý kịp thời, người được gọi điện đã trả lời: “Anh không thể giúp được em đâu”. Cho dù sau này chiến sỹ công an đó đã thanh minh trên phương tiện thông tin đại chúng rằng có sự hiểu nhầm thì chắc chắn đấy cũng không phải là câu trả lời mà bất cứ bị hại trong một vụ việc nào muốn nghe. Với trách nhiệm của mình, kể cả không phải trong ca trực, chiến sỹ công an đó lẽ ra có thể lập tức báo cáo với lãnh đạo trực của Công an phường để có phương án cử người lập tức có mặt tại hiện trường giải quyết. Nhưng thực tế đã không có lực lượng chức nào kịp thời có mặt và 3 phụ nữ sau khi bị tấn công đã phải bỏ về trong ấm ức.
Chính cách xử lý của những người có trách nhiệm đã phần nào tạo ra tâm lý e ngại, thất vọng và những ngày sau đó, khi cơ quan chức năng liên hệ lại, 3 nạn nhân đã từ chối.
Từ nhiều năm trước, đã có những dự án "Thành phố an toàn cho trẻ em gái", "Hành trình an toàn cho phụ nữ tại đô thị" và Chương trình “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” do những tổ chức quốc tế phối hợp với thành phố Hà Nội thực hiện. Tuy nhiên thực tế vẫn chưa thấy nhiều sự cải thiện và ngay tại nơi công cộng, những hành vi xúc phạm, thậm chí xâm hại phụ nữ, trẻ em vẫn diễn ra công khai. Thang máy, xe buýt và giờ là bến xe đều tiềm ẩn nhiều ngu6 cơ. Thiết nghĩ, phụ nữ và trẻ em gái chỉ thực sự được an toàn khi cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn.