Scotland là vùng đầu tiên ở Vương quốc Anh cấm đánh đập trẻ em

Kim Ngọc
09/11/2020 - 16:57
Scotland là vùng đầu tiên ở Vương quốc Anh cấm đánh đập trẻ em

Một cuộc biểu tình bên ngoài quốc hội Scotland ở Edinburgh liên quan đến luật chống đánh đập trẻ em vào năm ngoái. Ảnh: Jane Barlow / PA

Scotland là quốc gia đầu tiên ở Vương quốc Anh cấm đánh đập trẻ em sau khi luật mới có hiệu lực.

Sau khi dự luật có hiệu lực, Scotland trở thành quốc gia đầu tiên ở Vương quốc Anh cấm đánh đập trẻ em.

Theo đó, những thay đổi trong luật pháp lần này nhằm giúp trẻ em được bảo vệ khỏi các cuộc bạo hành bởi người lớn. Điều luật này đã được quốc hội Scotland thông qua vào năm ngoái và có hiệu lực từ thứ Bảy (7/11/2020).

Scotland - quốc gia đầu tiên của Vương quốc Anh cấm đánh đập trẻ em - Ảnh 1.

Những người ủng hộ dự luật đã tập hợp bên ngoài Holyrood vào buổi sáng của cuộc bỏ phiếu. Ảnh: BBC

Theo thống kê, Scotland trở thành quốc gia thứ 58 cấm áp dụng hình phạt đánh đập thân thể sau khi hành vi "đánh đập trẻ em chính đáng" được bãi bỏ trong luật pháp của quốc gia này. Xứ Wales cũng dự kiến sẽ ban hành lệnh cấm tương tự vào năm 2022.

John Finnie, một thành viên của Quốc hội Scotland cho biết, ông hy vọng lệnh cấm này sẽ giúp chứng minh rằng bạo lực với trẻ em là điều không thể chấp nhận được.

Ông nói "Khi tiến hành nhiều chiến dịch trong bốn năm qua, tôi nhận thấy rằng chẳng có bao nhiêu người tin việc đánh một đứa trẻ là không đúng. Tôi rất vui vì giờ đây mọi người sẽ quan tâm đến điều này hơn".

Bộ trưởng Trẻ em, Maree Todd nói: "Tôi rất vui mừng khi Scotland đã trở thành vùng đầu tiên của Vương quốc Anh cấm đánh đập trẻ em để đảm bảo rằng trẻ em cũng có quyền được bảo vệ khỏi vấn đề bạo hành như người lớn".

"Quan điểm cổ hủ về việc đánh đập trẻ em không nên có ở một quốc gia Scotland hiện đại. Việc đánh một đứa trẻ không bao giờ là hợp lý cả".

Joanna Barrett, nhân viên phụ trách chính sách và công vụ của Hiệp hội quốc gia phòng chống hành vi tàn ác đối với trẻ em (National Society for the Prevention of Cruelty to Children - NSPCC) cho biết: "Cuối cùng, điều luật mới này sẽ mang đến sự bảo vệ chính đáng cho trẻ em ở Scotland và các biện pháp bảo vệ tương tự như người lớn để tránh bị hành hung".

"Bằng cách thực hiện điều này, quan điểm về việc đánh đập trẻ em là hợp lí cũng sẽ được bãi bỏ. Chúng tôi sẽ cùng với hơn 50 quốc gia khác trên thế giới thực hiện các biện pháp để bảo vệ trẻ em - thành phần dễ bị tổn thương nhất của xã hội".

Luật này đưa ra các điều khoản rõ ràng, trong đó nêu rõ hình phạt thể xác không nên được áp dụng ở thời thơ ấu của trẻ em Scotland. Nó đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong việc đưa Scotland trở thành một quốc gia mà quyền trẻ em thực sự được công nhận, tôn trọng và thực hiện.

Trước đây, khi quyết định liệu các hình phạt cho trẻ em dưới 16 tuổi có hợp lý hay không, tòa án đã tính đến yếu tố như bản chất của hình phạt, thời hạn và tần suất của hình phạt, tuổi của trẻ và những ảnh hưởng về thể chất lẫn tinh thần. Trên thực tế, điều này thường có nghĩa là cha mẹ được phép đánh con cái, ngoại trừ việc đánh vào đầu hoặc dùng dụng cụ để đánh là bất hợp pháp. Tất cả các hình thức trừng phạt thân thể trong trường học và các cơ sở giáo dục khác đã bị cấm hoàn toàn.

Một báo cáo được công bố bởi một nhóm tổ chức từ thiện dành cho trẻ em Scotland vào năm 2015 cho thấy trừng phạt thân thể đối với trẻ em ở Anh phổ biến hơn so với các nước như Mỹ, Canada, Ý, Đức và Thụy Điển. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng từ 70% đến 80% cha mẹ ở Anh đã sử dụng hình phạt liên quan đến thân thể, trong đó trẻ em từ ba đến bảy tuổi có nhiều khả năng bị đánh nhất.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nhiều bậc cha mẹ không coi việc đánh đập là "điều tốt", mà tin rằng đó là "điều duy nhất mang đến hiệu quả". Ngoài ra, theo nghiên cứu, việc sử dụng hình phạt thể xác đã giảm trong những năm qua, cùng với sự thay đổi trong thái độ của người dân. Cụ thể đã có sự suy giảm ngày càng rõ rệt ở hơn 50 quốc gia trên thế giới đã cấm đánh đập trẻ em. Nghiên cứu xem xét quan điểm của trẻ em về việc bị đánh đập đã cho thấy rằng trừng phạt thân thể hay đánh đập khiến trẻ đau đớn và khó chịu, và không phải lúc nào cũng có thể răn đe những hành vi xấu của trẻ.

Về phía chính phủ, thành viên Quốc hội của Đảng Dân chủ Tự do Alex Cole-Hamilton cho biết, ông rất vui mừng về sự thay đổi này. Ông nói "Việc bác bỏ những lời biện hộ cho hành vi đánh đập trẻ em đã quá chậm trễ".

"Điều luật này được hỗ trợ bởi vô số nghiên cứu và chuyên gia từ ủy viên trẻ em đến cảnh sát, nhân viên xã hội, y tá, và các tổ chức từ thiện cũng như tổ chức nuôi dạy trẻ em".

"Nó gửi thông điệp rõ ràng về một đất nước mà Scotland muốn hướng đến. Sau khi bất chấp vần đề Liên Hợp Quốc đưa ra trong nhiều năm, chính phủ Scotland giờ đây cần phải ngừng phớt lờ các quy định tối thiểu về nhân quyền quốc tế khác, chẳng hạn độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là 14 tuổi ".

Tuy nhiên, nhóm vận động Be Reational Scotland, một tổ chức phản đối đạo luật này cảnh báo rằng "ngay cả những hình phạt thể chất nhẹ cũng có thể bị coi là lạm dụng" và có thể dẫn đến việc phụ huynh bị truy tố.

Nguồn: The Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm