Năm 2014, Nghị viện Scotland đã chính thức thông qua luật hôn nhân đồng giới. Đất nước này có nhiều điểm đến được xem như "thánh địa của người đồng tính" Bộ trưởng Y tế Scotland Alex Neil cho biết, những cặp đồng tính cũng có quyền tự do bộc lộ tình yêu và kết hôn. Những nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính cho rằng đây là một cột mốc quan trọng nhằm đảm bảo sự bình đẳng cho những cặp đôi đồng tính ở Scotland.
Ngoài việc cho phép cặp vợ chồng đồng tính kết hôn, luật này cho phép các nhà thờ và các nhóm tôn giáo khác có quyền quyết định việc họ có tổ chức các hôn lễ kết hôn cùng giới hay không.
Scotland không những đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới từ năm 2014 mà còn đưa ra nhiều đạo luật tiến bộ liên quan đến cộng đồng người chuyển giới. Chính vì vậy, trong bảng số liệu Rainbow Europe 2015 của tổ chức ILGA-Europe, Scotland đã vượt mặt các quốc gia châu Âu khác để đem về danh hiệu “Quốc gia châu Âu tiến bộ nhất trong vấn đề quyền bình đẳng LGBT” bất chấp việc họ công nhận về đồng tính muộn hơn Anh và xứ Wales đến 13 năm. Cụ thể, Scotland đạt 92% trong số 48 điểm yêu cầu của bảng số liệu trên. Còn toàn Vương quốc Anh nói chung cũng chỉ đạt được 86% vì sự thiếu sót về mặt hôn nhân, nhận con nuôi của người đồng tính cũng như thiếu sự nhìn nhận về người chuyển giới ở Bắc Ireland.
The Equality Network - tổ chức quyền bình đẳng LGBT quốc gia Scotland - cho rằng đây là "sự công nhận" không chỉ với nỗ lực của các cá nhân và tổ chức vận động quyền mà còn cho sự sẵn sàng lắng nghe và trao đổi của các chính khách tại nước này.
Sau khi Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon phê duyệt các đề xuất của chiến dịch TIE, các trường công lập có trách nhiệm phải giáo dục học sinh về quyền bình đẳng, lịch sử và sự phát triển của cộng đồng LGBT cũng như ngăn chặn sự kỳ thị những người LGBT.
"Đây là một chiến thắng hiển hách cho chiến dịch và là khoảnh khắc lịch sử của Scotland. Chúng tôi sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử đưa nội dung LGBT và lưỡng tính vào chương trình giáo dục. Khi thế giới còn chưa có quan điểm rõ ràng về vấn đề này, điều này sẽ là 1 thông điệp mạnh mẽ gửi đến những người trẻ thuộc giới LGBT và lưỡng tính, rằng họ luôn được coi trọng ở Scotland", ông Jordan Daly, người đồng sáng lập TIE, cho biết.
Một nghiên cứu của TIE chỉ ra rằng cứ 9 trong 10 người đồng tính/chuyển giới tại Scotland từng phải chịu sự kỳ thị tại trường học và 27% trong số đó đã có ý định tự tử sau khi bị bắt nạt. Nghiên cứu cũng cho thấy các cá nhân tại trường học còn hiểu biết rất ít về định kiến đối với giới đồng tính và lưỡng tính.
Thứ trưởng Giáo dục John Swinney chia sẻ: "Scotland đã được coi là một trong những quốc gia tiến bộ nhất ở châu Âu về bình đẳng LGBT và lưỡng tính. Hệ thống giáo dục của chúng ta phải hỗ trợ tất cả người dân đạt được tiềm năng đầy đủ của họ".
Điều quan trọng nữa là nữ Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon luôn cam kết dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em gái và cộng đồng LGBT trong vùng lãnh thổ này, bao gồm việc cải thiện các chương trình chăm sóc trẻ em và giải quyết vấn đề mất cân bằng thu nhập.
Tháng 7 vừa qua, Thủ hiến Nicola Sturgeon đã quyết định rằng, việc cải cách quyền chuyển giới là "bước tiếp theo" trong hành trình đưa Scotland trở thành một quốc gia tiến bộ. Bà Sturgeon nói: “Scotland đã đi một chặng đường dài trong nhiều năm qua trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT. Chúng ta cần cải cách hơn nữa luật nhận con nuôi để cho phép các cặp vợ chồng cùng tham gia. Bước tiếp theo trong hành trình này là làm cho Scotland công bằng hơn cho những người chuyển đổi giới tính”.