Sẽ giúp 4.000 trẻ em tự kỷ hòa nhập cộng đồng trong 5 năm

03/04/2019 - 15:05
Đây là dự án nhằm giúp cộng đồng có cái nhìn đúng đắn, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em tự kỷ tại Việt Nam. Chương trình kéo dài từ năm 2018 – 2022, với mục tiêu hỗ trợ khoảng 10.000 gia đình và hơn 4.000 trẻ em tự kỷ tại Việt Nam.

Theo Ban tổ chức, dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” sẽ triển khai rất nhiều hoạt động nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chia sẻ, lan tỏa yêu thương dành cho các em, huy động vận động các nguồn lực, sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ...

Và mới đây, nhân ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (ngày 2/4), chương trình “Cùng chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương” được xem là hoạt động tiên phong và hết sức quan trọng trong chặng đường 5 năm của dự án. Sự kiện đã đón nhận sự ủng hộ và chung tay từ rất nhiều đơn vị như: Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật thuộc Bộ LĐTBXH tại TP.HCM, Văn phòng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại TP.HCM, Hội LHPN TP.HCM, Hội nữ Doanh nhân TP.HCM – Hawee, CLB Nữ nghệ sỹ TPHCM, Hiệp hội Christina Noble - Children’s Foundation, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam… cùng hàng trăm phụ huynh và trẻ tự kỷ.

Bên cạnh đó, vào ngày 8/4 tới đây, Ban tổ chức sẽ phát hành bộ tài liệu quốc gia đầu tiên về hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. Bộ tài liệu sẽ cung cấp cho các giáo viên, kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ và các cha mẹ đang chăm sóc trẻ em tự kỷ những kiến thức toàn diện về dấu hiệu nhận biết, phương pháp can thiệp, cũng như xây dựng chương trình can thiệp phù hợp để trẻ cải thiện hành vi.

Ngoài ra, chương trình còn đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực lực lượng cán bộ nòng cốt về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ, phổ biến kiến thức cho cha mẹ có con tự kỷ, hỗ trợ các giáo viên và cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tiếp cận, chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam, giúp cộng đồng có cái nhìn đúng đắn, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em tự kỷ.

h1.jpg
 Mục tiêu chính của chương trình là "giúp cộng đồng có cái nhìn đúng đắn, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em tự kỷ" tại Việt Nam

Được biết, dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” do Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đồng khởi xướng và thực hiện, kéo dài 5 năm từ năm 2018 – 2022, trong đó PNJ tài trợ nguồn kinh phí là 10 tỷ đồng.

Theo một báo cáo từ BTC, tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có trên 200.000 trẻ tự kỷ, nhưng con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Các chuyên gia nhận định: tự kỷ ở trẻ em Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, càng phức tạp hơn trong cuộc sống hiện đại. Năm 2007, số lượng trẻ em mắc chứng tự kỷ đã tăng lên 50 lần so với năm 2000. Trong khi đó nước ta vẫn còn thiếu những chương trình mang tính qui mô và có tính chuyên môn cao dành cho nhóm đối tượng này. Mặt khác nhận thức của cộng đồng, gia đình, nhà trường… đối với các trẻ em tự kỷ vẫn chưa đúng, đầy đủ, thiếu cơ sở khoa học, chưa có tài liệu chuẩn mực của quốc gia về trẻ tự kỷ, dẫn đến việc hiểu biết và hỗ trợ, chăm sóc các em càng khó khăn để hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” hứa hẹn sẽ là kim chỉ nam nhằm giúp cộng đồng có cái nhìn đúng đắn, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em tự kỷ tại Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm