Siêu cầu dây văng đắt nhất miền Tây, nhịp chính lớn thứ hai Việt Nam

Phùng Tiên
18/10/2023 - 19:58
Siêu cầu dây văng đắt nhất miền Tây, nhịp chính lớn thứ hai Việt Nam
Cầu Đại Ngãi được khởi công vào ngày 15/10 đã soán ngôi cầu Vàm Cống, trở thành cây cầu đắt nhất miền Tây với tổng vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ.

Ngày 15/10, Cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối Trà Vinh và Sóc Trăng được xúc tiến khởi công lại sau 8 năm đình trệ. Tổng số vốn đầu tư cho cầu Đại Ngãi hơn 8.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vượt lên cầu Vàm Cống (5.700 tỷ đồng), trở thành cây cầu đắt nhất miền Tây.

Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Công trình được dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Cầu Đại Ngãi nằm trên quốc lộ 60, dài 15,1 km với điểm đầu giao quốc lộ 54 (xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh); điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).

Siêu cầu dây văng đắt nhất miền Tây, nhịp chính lớn thứ hai Việt Nam - Ảnh 1.

Cầu Đại Ngãi dài 15 km, là cây cầu có tổng vốn đầu tư lớn nhất ở miền Tây tính đến hiện tại. Ảnh: VGP

Dự án gồm 2 cầu chính được đầu tư hoàn chỉnh với 4 làn xe. Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 qua luồng Định An dài hơn 2,5 km, rộng 19 m. Phần cầu chính dạng dây văng có 2 trụ tháp cao 110 m (tính từ mặt cầu), nhịp chính 450 m, lớn thứ hai Việt Nam, sau cầu Cần Thơ (550 m), khổ thông thuyền 300 m.

Cầu Đại Ngãi 2 dài 862 m, dạng đúc hẫng cân bằng qua luồng Trần Đề, mặt cầu rộng 17,5 m. Đường dẫn hai bên cầu rộng 12 m ở giai đoạn 1, vận tốc thiết kế 80 km/h, ở giai đoạn hoàn chỉnh sẽ nâng lên 4 làn xe.

Đây là cây cầu dây văng thứ ba bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ và Vàm Cống. Khi hoàn thành, cây cầu cùng với Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên tạo thành tuyến giao thông liền mạch, thông suốt quốc lộ 60, tạo thành trục dọc hành lang phía Đông cho Miền Tây.

Siêu cầu dây văng đắt nhất miền Tây, nhịp chính lớn thứ hai Việt Nam - Ảnh 2.

Cây cầu giúp quốc lộ 60 thông suốt, phá bỏ thế độc đạo của quốc lộ 1, rút ngắn 80 km đường đi từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đến TP. HCM.

Ngoài ra, cầu Đại Ngãi còn phá bỏ thế độc đạo của quốc lộ 1, rút ngắn khoảng 80 km đường đi từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đến TP. HCM, giảm thời gian đi lại khoảng 1,5 - 2 giờ chờ và đi qua 2 phà vượt sông Hậu. Từ đó giúp nâng cao năng lực vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TP. HCM. Công trình cũng có vai trò quan trọng trong đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực ven biển phía Nam.

Năm 2015, cầu Đại Ngãi từng được khởi công với kinh phí 5.800 tỷ đồng bằng vốn BOT và ngân sách Nhà nước, dự kiến hoàn thành cuối năm 2018. Song do khó khăn về nguồn vốn, nhà đầu tư... nên công trình bị đình trệ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm