‘Siêu lừa’ U60

03/10/2016 - 07:34
Khác với vẻ bề ngoài cục mịch, Phạm Thị Tư có khả năng ăn nói hơn người. Với “tài chém gió” của mình, Tư đã dễ dàng đưa hàng loạt giáo viên vào bẫy bằng các quyết định “tuyển dụng”, “điều động” rất bài bản.
1- Nắm được nhu cầu muốn trở thành giáo viên chính thức của nhiều giáo viên diện hợp đồng, Phạm Thị Tư (SN 1962, trú ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã “giăng bẫy” hàng loạt giáo viên. Tư đã tinh vi khi làm khống các Quyết định tuyển dụng và điều động công tác nên dễ dàng qua mặt được các giáo viên. Đến thời hạn “điều động” nhưng chẳng thấy động tĩnh gì, các giáo viên mới đi tìm hiểu. Sự thật phơi bày, nhiều giáo viên đã mất hàng trăm triệu đồng cho Tư để đổi lấy mấy tờ giấy vụn.
anh-nen-ks.jpg

Cũng như rất nhiều “con mồi” của Tư, chị Kim Thị Nhàn (SN 1986, trú ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đang là giáo viên hợp đồng của một trường tiểu học trên địa bàn. Mong muốn chính đáng của chị Nhàn là sớm được vào biên chế, trở thành giáo viên chính thức. Qua người quen giới thiệu, tháng 5/2013, chị Nhàn biết được Phạm Thị Tư. Theo giới thiệu, Tư là người có khả năng “lo lót” cho chị Nhàn. Hai người đã gặp gỡ, trao đổi công việc. Tư nói với chị Nhàn là mình có mối quan hệ quen biết với nhiều cán bộ của Sở Nội vụ. Tư có thể giúp chị Nhàn vào biên chế với “chi phí” 135 triệu đồng. Nếu chị Nhàn đồng ý, sau 3 tháng, Tư sẽ lo xong thủ tục, chị Nhàn không cần phải qua lớp thi cử nào.

Dù gia đình chẳng dư giả gì nhưng vì tương lai lâu dài, chị Nhàn đã cùng chồng vay mượn khắp nơi để có đủ số tiền nêu trên đưa cho Tư. Sau khi nhận tiền, Tư đến gặp Nguyễn Thị Tâm (SN 1982, ở huyện Phúc Thọ, là em cùng cha khác mẹ với Tư và hiện vẫn vắng mặt tại địa phương) nhờ làm giả các quyết định của cơ quan chức năng. Cụ thể là quyết định tuyển dụng, phân công công tác của UBND huyện Thạch Thất và quyết định bổ nhiệm viên chức chính thức của Sở Nội vụ TP Hà Nội đối với chị Nhàn. Cả 2 quyết định giả mạo trên đều được Tư giao cho chị Nhàn vào giữa tháng 7/2014. Sau đó, Tư còn yêu cầu chị Nhàn phải đưa thêm 35 triệu đồng nữa để cảm ơn một số người đã giúp đỡ.

Vậy nhưng, sau một thời gian dài cầm các quyết định trong tay, chị Nhàn vẫn không hề được “cơ quan mới” thông báo đến làm việc. Tới lúc này, vợ chồng chị Nhàn mới đi tìm hiểu và biết, Tư vừa bị cơ quan công an bắt giữ và điều tra về hành vi lừa đảo “chạy” biên chế đối với hàng loạt giáo viên hợp đồng ở một số huyện ngoại thành Hà Nội.

2- Phạm Thị Tư bị truy tố về 2 tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139 và điểm b, khoản 2, Điều 267 Bộ luật Hình sự. Mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử. Trước vành móng ngựa, bị cáo Tư đã thành khẩn khai nhận hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều giáo viên. Phạm Thị Tư cho biết, bằng thủ đoạn tương tự, ngoài chị Nhàn còn có 5 giáo viên khác cũng bị Tư lừa với số tiền chiếm đoạt được là gần 700 triệu đồng. Có trường hợp, Tư còn liều lĩnh khi mang cả quyết định “điều động công tác” giả đến trường mà giáo viên hợp đồng đang dạy để chuyển giáo viên đó về trường mới. Việc làm của Tư đã không qua mặt được các cơ quan chức năng và “siêu lừa” này đã bị bắt.

1_ks.jpg
 Phạm Thị Tư trước vành móng ngựa

Có mặt tại phiên tòa mới đây, các bị hại đều yêu cầu xử bị cáo theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, bị hại không yêu cầu Tư hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt bởi tất cả đều biết, số tiền đó Tư đã tiêu hết và khó có khả năng “khắc phục”. Một phần còn lại, Tư đã “chi” cho người em cùng cha khác mẹ và hiện đã cao chạy xa bay.

TAND TP Hà Nội khẳng định, hành vi của Phạm Thị Tư là rất nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo không chỉ sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt số tiền lớn của các bị hại mà còn làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan chức năng, làm giảm uy tín đối với cơ quan Nhà nước. Do đó, cần phải áp dụng mức hình phạt đích đáng đối với bị cáo để cảnh cáo, phòng ngừa chung. Cuối cùng, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phạm Thị Tư 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 2 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt, nữ bị cáo này phải chấp hành chung là 14 năm tù giam.

Là cán bộ hưu trí nhưng vì lòng tham nên Tư đã tự biến mình thành kẻ lừa đảo. Ở cái tuổi xấp xỉ 60, đáng ra Tư được an nhàn bên con cháu đề huề thì giờ đây, “siêu lừa” này phải trả giá bằng hàng chục năm tù đằng đẵng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm