pnvnonline@phunuvietnam.vn
Singapore: Nhiều nam giới khó xin nghỉ phép khi vợ sinh
Chính sự hỗ trợ từ cấp trên giúp anh Lee Kwok Cheng thoải mái để nghỉ phép một tháng chăm sóc vợ sinh
Thiếu sự hỗ trợ của cơ quan
Tháng 11/2018, khi Gary Lee làm việc tại bộ phận tài chính của một tập đoàn đa quốc gia và muốn nghỉ phép hưởng lương theo chế độ nghỉ thai sản của chính phủ, cấp trên của anh có vẻ không đồng ý. "Khi tôi cố gắng xin nghỉ phép, quản lý không nói rõ là liệu tôi có được nghỉ hay không", anh Lee, hiện 35 tuổi, nói và lưu ý thêm quản lý còn kể ra những công việc tồn đọng anh phải xử lý nếu nghỉ phép 2 tuần. "Khi vợ vượt cạn, tôi vẫn đang tham gia hội nghị trực tuyến. Ngay hôm sau, tôi đi làm lại và chỉ nghỉ 3 ngày phép, mỗi ngày nửa buổi", Lee nói. Vì cảm thấy có lỗi với vợ và thất vọng, Lee đã xin nghỉ việc.
Theo quy định tại Singapore, các bà mẹ đang làm việc đủ điều kiện được nghỉ thai sản có lương trong 16 tuần trong khi các ông bố được nghỉ phép 2 tuần. Tuy nhiên, gần một nửa ông bố ở đảo quốc sư tử này đã không thể nghỉ phép theo chế độ. Theo Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội (MSF) nước này, năm 2019, tỷ lệ nghỉ phép khi vợ sinh con của các ông bố là 55%. Nghiên cứu của MSF nhận thấy hầu hết các ông bố đều muốn nghỉ phép để chăm vợ con nhưng lý do chính khiến họ không thể là thiếu hỗ trợ của cơ quan. Theo phát ngôn viên của MSF, điều này bao gồm việc cấp trên có đảm bảo nghỉ phép sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp và đồng nghiệp có sẵn sàng làm thay phần việc của họ hay không.
Tiến sĩ Rashimah Rajah, giảng viên tại Trường Kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho rằng đồng cảm từ các nhà quản lý là "cực kỳ quan trọng". Rashimah nói: "Nếu công ty không có hỗ trợ phù hợp và cho rằng các ông bố không có nhiệm vụ chăm con thì nhiều người sẽ không thể nghỉ phép".
Trách nhiệm của cả bố và mẹ
Ông Adam Cich, người đứng đầu công ty thiết bị gia dụng Electrolux tại châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi, cho rằng các vấn đề văn hóa xã hội là lý do tại sao các công ty không hỗ trợ chế độ nghỉ thai sản cho nam giới khi vợ sinh. Theo ông, những vấn đề này liên quan đến kỳ vọng rằng việc chăm sóc con cái chỉ là trách nhiệm của phụ nữ và sự nghiệp là quan trọng hơn với nam giới.
Ông Cich đã cho phép nhân viên của mình nghỉ thêm hai tuần. "Với tư cách là những ông bố bà mẹ đang đi làm, việc hỗ trợ thêm thời gian nghỉ phép sẽ mang lại lợi ích cho nhân viên của chúng tôi. Sự bình đẳng bắt đầu từ quyền bình đẳng và quyền đại diện bình đẳng của cả hai giới. Chúng tôi hy vọng bước đi táo bạo mà chúng tôi thực hiện sẽ khuyến khích các công ty khác làm theo", ông nói.
Không chỉ có Electrolux, Công ty dược phẩm AstraZeneca hiện cũng cho nhân viên nam nghỉ việc hưởng lương trong 4 tuần. Phát ngôn viên của AstraZeneca cho biết, công ty muốn khuyến khích nam giới tham gia tích cực vào các vai trò chăm sóc con cái, giúp nâng cao vai trò bình đẳng của phụ nữ ở nơi làm việc.
Lee Kwok Cheng, 38 tuổi, một công chức, chia sẻ chính sự hỗ trợ và đảm bảo từ cấp trên đã khiến anh thoải mái để nghỉ phép một tháng (hai tuần nghỉ theo quy định và hai tuần nghỉ phép hàng năm) khi gia đình đón hai công chúa nhỏ. Khi con gái đầu lòng chào đời vào năm 2017, anh và vợ không được gia đình hỗ trợ. Lee làm việc nhà, chăm sóc con và đảm bảo việc ăn uống đầy đủ cho vợ trong hai tuần đầu. Khi vợ sinh con thứ hai vào năm 2020, Lee chăm sóc con gái lớn 3 tuổi để vợ chăm sóc em bé.
Lợi ích khi con được bố chăm sóc
Phó giáo sư Anju Mary Paul của trường Đại học Yale (NUS) cho biết, các nghiên cứu cho thấy những người bố nghỉ phép ngay sau khi con chào đời và chăm sóc con ở giai đoạn này có xu hướng gắn bó nhiều hơn với con cái về sau. Nhà xã hội học này cho biết: "Đó là lý do tại sao việc nghỉ sinh chăm con lại quan trọng vì nó giúp những ông bố đi đúng hướng".
Theo Bryan Tan, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy vai trò của người bố "Center For Fathering", việc những ông bố tham gia chăm sóc con có xu hướng thấy hài lòng hơn trong hành trình làm cha. Điều này không chỉ có lợi ích lâu dài cho trẻ mà còn làm giảm xung đột vợ chồng, củng cố mối quan hệ hôn nhân. Ông Tan cũng lưu ý việc người bố chăm sóc, nuôi dưỡng và chơi với con cũng là cách nâng cao khả năng ngôn ngữ và nhận thức tốt hơn ở trẻ. Ngoài ra, một nghiên cứu của NUS cũng cho thấy, những đứa trẻ có bố nghỉ phép để chăm sóc ít có nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi như chứng hiếu động thái quá hoặc hành vi chống đối xã hội.