pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sinh viên đi làm thêm, xoay xở ở TPHCM với mức lương 5 triệu đồng/tháng
Ảnh minh họa
Chi tiêu với mức lương 5 triệu đồng/tháng
Mẫn Ngọc (21 tuổi, TPHCM) đang làm nhân viên Sale với tổng thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, tháng cao nhất có thể kiếm 7 triệu đồng. Hiện tại, Mẫn Ngọc đang là sinh viên năm cuối, chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế tại một trường Đại học ở quận 1.
Với mức lương đó, Mẫn Ngọc thường dành hết cho chi phí sinh hoạt, hầu như không để được tiền tiết kiệm. Dù phải cân đo đong đếm khá kỹ khi muốn xuống tay mua đồ, song cô bạn không cảm thấy quá áp lực tài chính, cũng như phải xin thêm tiền từ cha mẹ.
Hàng tháng, cô tách tiền sinh hoạt phí thành những khoản nhỏ. Tiền ăn và tiền nhà được Mẫn Ngọc trích ra đầu tiên sau khi nhận lương, vì nó là những khoản cố định. Mặt khác, Ngọc nhận ra bản thân sẽ tiết kiệm được nhiều tiền và đảm bảo sức khỏe khi tự nấu ăn tại nhà.
Mẫn Ngọc cho hay: "Mình đang ở ghép 3 người, nên tính ra mỗi bạn chi tầm 1.6 - 1.7 triệu tiền nhà, đã bao gồm điện nước. Mỗi ngày, nếu mình nấu ăn tại nhà thì mất khoảng 60k, còn ăn ngoài mất 80k. Tính ra, tiền ăn mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng. Khoảng 1.5 triệu đồng còn lại, mình dùng để trả tiền xăng xe, đi lại, nhu cầu cá nhân".
Để duy trì mức chi tiêu khiêm tốn khi sống tại TPHCM, Mẫn Ngọc cũng có những mẹo tiết kiệm hay ho. "Mình ít đi cafe, trà sữa với bạn bè lắm. Bởi bây giờ mình đang muốn tập trung vào những mối quan hệ chất lượng. Bình thường mình cũng không mua sắm quần áo mới, chỉ có những dịp đặc biệt như đám cưới, Tết… thì mới mua. Thay vào đó, mình mua đồ skincare nhiều hơn, nhưng vì còn là sinh viên nên chỉ mua đồ bình dân để tiết kiệm thôi", Mẫn Ngọc nói.
Bắt đầu sống xa gia đình từ những năm cấp 3, bản thân Mẫn Ngọc hình thành thói quen kiểm soát tài chính một cách tự nhiên. Cũng vì thế, cô bạn không gặp khó khăn khi phải thắt chặt chi tiêu để dành tiền cho các mục tiêu trong tương lai, cũng như hạn chế vay mượn từ người khác.
"Từ hồi học cấp 3, mình đã bắt đầu tính toán tiền bạc rồi. Bấy giờ, mình hình thành tư duy: Mình tiêu cái gì thì phải nhớ, khi tiêu tiền đã tính trước tình huống sẽ xảy ra trong đầu. Ví dụ như tháng nào có sinh nhật bạn thì mình phải tính làm sao để không hết tiền cuối tháng. Giả sử có hết tiền thật thì mình lại cố gắng thắt chặt chi tiêu, bởi mình không thích đi vay tiền nên có bao nhiêu thì xài bấy nhiêu thôi".
Khó tìm việc khi bão sa thải đến
Từ cuối năm 3, Mẫn Ngọc đã đi tìm công việc để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời chuẩn bị cho khóa luận. Tuy nhiên, trước làn sóng cắt giảm nhân sự, nhiều công ty mà Ngọc ứng tuyển đều yêu cầu đầu vào khá khắt khe, chẳng hạn như ưu tiên ứng viên phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm. Điều này gây khó khăn khi tìm kiếm việc làm cho các bạn tân sinh viên, vốn là những người mới bước chân vào thị trường lao động.
"Trong một lần mình đi phỏng vấn, chị trưởng phòng nhân sự nói bình thường mọi năm, công ty vẫn hỗ trợ các bạn sinh viên mới ra trường, không có nhiều kinh nghiệm. Nhưng đợt này thị trường khó khăn, công ty cũng hạn chế tuyển người mới. Nên chị ấy ưu tiên các bạn có kinh nghiệm làm việc từ 1 năm trở lại. Và cuối đợt phỏng vấn, mình cũng không được tuyển vào công ty này", Mẫn Ngọc nhớ lại.
Còn hiện tại, Ngọc đã tìm được vị trí công việc phù hợp, với mức lương và đãi ngộ khá tốt. Vẫn còn đang đi học song ngoài công việc chính, Mẫn Ngọc cũng tìm hiểu thêm về các hình thức gia tăng nguồn thu nhập thụ động. Tuy nhiên, cô cho hay bản thân cần nỗ lực hơn để tìm kiếm phương thức kiếm tiền hiệu quả.
"Mình từng tìm hiểu về Affiliate Marketing, có biết đến đầu tư chứng khoán nhưng chưa nghiên cứu quá sâu. Nói chung, mình thấy lĩnh vực nào bản thân cũng tìm đọc, nhưng không thực sự hiểu tường tận với phương thức kiếm tiền nào. Vả lại nếu có cách tăng thu nhập mới thì thời gian và nguồn lực hiện tại không cho phép. Mình nghĩ có một mentor (người hướng dẫn) tốt thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn nhiều", Ngọc cho hay.