pnvnonline@phunuvietnam.vn
Số ca mắc tăng vọt, châu Âu siết chặt biện pháp phòng dịch Covid-19
Cảnh vắng vẻ tại Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris, Pháp khi các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 19/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 28/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 127.265.260 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.788.800 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 102.550.774 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 562.012 ca tử vong trong tổng số 30.917.130 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 310.694 ca tử vong trong số 12.490.362 ca bệnh sau khi ghi nhận thêm số ca tử vong theo ngày cao nhất từ trước đến nay với 3.650 ca, cùng với 84.245 ca mắc mới. Ấn Độ đứng thứ ba với 161.586 ca tử vong trong số 11.971.004 bệnh nhân.
Tại châu Âu, các nước Pháp, Bỉ và Ba Lan đã siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch khi số ca mắc tăng vọt. Với nhận định dịch bệnh hiện diễn biến nghiêm trọng, Chính phủ Pháp quyết định bổ sung 3 khu vực vào danh sách 16 khu vực vốn đã được áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Khoảng 20 triệu người tại Pháp, bao gồm cả vùng đô thị Paris, được xếp vào nhóm dân số sống ở các vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao. Theo đó, họ chỉ được phép di chuyển trong phạm vi 10 km tính từ nhà trừ lý do cần thiết.
Các chốt kiểm tra tại các ga tàu, sân bay và đường cao tốc có thu phí bắt đầu được triển khai từ ngày 27/3 để thực thi các hạn chế đi lại.
Pháp tăng cường các biện pháp phòng dịch trong bối cảnh số ca mắc mới mỗi ngày tại nước này tăng gần gấp đôi kể từ đầu tháng 3 này và mỗi tuần có hơn 200.000 ca mắc mới.
Số liệu chính thức cho thấy Pháp ngày 27/3 xác nhận thêm 42.619 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 4.508.575 ca. Số ca tử vong tại Pháp tăng thêm 190 ca lên 94.465 ca.
Tương tự, nhà chức trách Bỉ và Ba Lan cũng yêu cầu đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu để phòng dịch tiếp tục lây lan.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn kêu gọi chính phủ tiến hành "phong tỏa cứng" từ 10 - 14 ngày nhằm kiểm soát đại dịch. Theo ông, Đức cần áp đặt phong tỏa qua kỳ nghỉ Phục sinh vào tuần tới, tương tự như đã thực hiện hồi năm ngoái khi người dân Đức được yêu cầu ở nhà và tránh mọi tiếp xúc.
Ông nhấn mạnh nếu xu hướng gia tăng không được kiểm soát, hệ thống y tế Đức sẽ đạt tới hạn trong tháng 4 tới. Bộ trưởng Spahn cũng kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch, chỉ nên gặp gỡ ở ngoài trời trước kỳ nghỉ Phục sinh từ ngày 2-5/4 tới.
Ông đề nghị người dân tận dụng cơ hội xét nghiệm miễn phí với mạng lưới trên 10.000 điểm xét nghiệm trên toàn quốc để tất cả người dân có thể xét nhiệm tối thiểu 1 lần/tuần.
Viện Robert Koch (RKI) thông báo chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân ở Đức đã lên tới 124,9 - mức cao nhất từ giữa tháng 1/2021.
Theo các cơ quan y tế Đức, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 18.000 ca nhiễm mới và 127 ca tử vong. Hiện tỷ lệ mắc biến thể phát hiện ở Anh trong số các ca nhiễm mới ở Đức chiếm trên 71%.
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này đã ghi nhận thêm 151 ca tử vong và 30.021 ca mắc trong 24 giờ qua, số ca mắc mới trong ngày cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Theo đó, tổng số ca mắc tại Thổ Nhĩ Kỳ là 3.179.115 ca với 30.923 ca không qua khỏi.
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ngày 27/3 ghi nhận 8 ca nhiễm mới, đều là các ca nhập cảnh. Không có ca tử vong nào được thông báo cùng ngày. Tính đến hết ngày 27/3, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 90.167 ca nhiễm, trong đó 4.636 ca tử vong.
Hàn Quốc ghi nhận thêm 482 ca mắc, trong đó có 462 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 101.757 ca.