pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp lần đầu có nữ giám đốc
Bà Võ Phương Thủy. Ảnh: Báo Đồng Tháp
Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Sở Công Thương, giữ chức vụ Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp diễn ra sáng ngày 15/5/2024.
Dự và trao quyết định bổ nhiệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chúc mừng và đánh giá cao năng lực bà Võ Phương Thủy; đồng thời, kỳ vọng về sự đổi mới tư duy, hành động của lãnh đạo Sở Công Thương trong thời gian tới, góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh nhà.
Ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị Sở Công Thương rà soát các nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn 2021 - 2025 để có sự tập trung trong lãnh đạo, điều hành, phấn đấu hoàn thành đạt các chỉ tiêu được giao.
Thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp cho biết, bà Võ Phương Thủy là nữ Giám đốc đầu tiên của Sở Công Thương tỉnh này.
Bà Võ Phương Thủy có 23 năm công tác, đầu tiên là cán bộ Thanh tra huyện Châu Thành. Bà từng giữ các chức vụ như: Phó Chánh Thanh tra huyện Châu Thành; Phó Trưởng Phòng Công Thương huyện Châu Thành; Trưởng Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Châu Thành; Bí thư Đảng ủy xã An Hiệp, huyện Châu Thành; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành.
Từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2023, bà Võ Phương Thủy công tác tại Sở Công Thương, với vai trò Phó Giám đốc. Tháng 11/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp có quyết định phân công bà Võ Phương Thủy phụ trách điều hành hoạt động Sở Công Thương Đồng Tháp.
Theo Thông tư 04/2022/TT-BCT ngày 28/1/2022 và Thông tư số 15/2023/TT-BCT của Bộ Công thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định: Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công thương.
Ngành, lĩnh vực quản lý của sở công thương bao gồm:
- Cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dầu khí (nếu có);
- Hoá chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ vật liệu xây dựng thông thường và sản xuất xi măng);
- Công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp môi trường; công nghiệp chế biến khác; tiểu thủ công nghiệp; khuyến công;
- Hoạt động thương mại và lưu thông hàng hoá trên địa bàn; sản xuất và tiêu dùng bền vững; xuất khẩu, nhập khẩu; thương mại biên giới (đối với các tỉnh có biên giới); dịch vụ logistics;
- Xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;
- Phòng vệ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn.