Không ít trẻ lớp 1 khủng hoảng khi môi trường mới hoàn toàn thay đổi. Ảnh: T.H |
Đang quen với môi trường mầm non, nơi các con chủ yếu là được vui chơi, được cô giáo dỗ dành, cưng nựng, thế nhưng, bước vào lớp 1, các con phải miệt mài học tập. Hết tập đọc rồi đến viết chữ, lại phải ngồi ngay ngắn một chỗ, cô giáo lại nghiêm khắc… Sự thay đổi chóng mặt này khiến không ít trẻ “sốc”.
Chị Ngô Thị Việt Anh (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, sau vài buổi làm quen với lớp 1, con trai chị nước mắt lưng tròng về kể lể, gào thét, phẫn uất với mẹ: Con nghĩ rồi, con không cần đi làm kiếm tiền. Sau này, con kiếm cái lọ, con đứng đấy, người ta khắc cho tiền vào, đi học thế này thì khốn khổ quá… Con đi học chữ toàn phải nói mỏi mồm, con không ngủ được. Con ghét ăn uống, con cực kỳ mệt mỏi, con không muốn đi học nữa.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (Học viện nghiên cứu và phát triển năng lực tư duy Wedo - wegood), bước vào lớp 1, nhiều trẻ bị khủng hoảng. Nếu cha mẹ bỏ qua giai đoạn này thì sẽ ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho trẻ, thậm chí biến một đứa trẻ tự tin, nhanh nhạy thành một đứa trẻ thu mình, thậm chí có thể còn rơi vào trầm cảm.
Việc chuẩn bị tâm lý cho con là rất quan trọng để con có sức "đề kháng" khi đi học lớp 1. Ảnh: T.H |
Nguyên nhân là do ở trường mầm non, các cô giáo chiều chuộng con, nhưng khi vào lớp 1, các cô giáo thay đổi cách dạy dỗ bằng việc đưa còn vào nguyên tắc, nề nếp để các con rèn luyện bản thân. Chính sự thay đổi đó khiến nhiều đứa trẻ vốn nhút nhát, chưa thực sự tự tin rơi vào khủng hoảng.
Chính vì vậy, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con, tạo cho con sự tự tin tốt nhất để khi con tiếp cận với môi trường mới, cô giáo mới, bài học mới, bạn bè mới, con không bị khủng hoảng.
Điều khá quan trọng là cha mẹ nên chuẩn bị tâm lý cho con biết trước về áp lực của cô giáo. Nhiều cha mẹ cho rằng, nếu cho con biết trước sự nghiêm khắc của cô giáo thì con sẽ sợ hãi. Tuy nhiên, cha mẹ cần dạy con cách ứng xử từng bước một để con có đủ sức “đề kháng” với sự nghiêm khắc của cô. Ví như, cha mẹ cùng con đóng vai giáo viên - học sinh để con biết nếu con ứng xử thế này thì cô sẽ phê bình con thế kia; con nên phát biểu thế nào khi ở lớp... Như vậy, con sẽ không bị hẫng bụt khi chính thức học lớp 1.
Cha mẹ cũng cần hướng dẫn con cách hòa nhập với các bạn như cách làm quen, nói chuyện với bạn mới, dạy con cách tương tác, vui chơi với các bạn trong giờ ra chơi, cách hỏi bạn về bài vở…
Nhiều cha mẹ dạy chữ trước cho con nên khiến con chủ quan khi nghe giảng. Tuy nhiên, cha mẹ cần tạo cho con ý thức ngồi học đúng giờ giấc, thời gian con được nghỉ giải lao trong giờ học.