Sợ mang nhục cho cả nhà nếu ly hôn

Thanh Tâm
30/06/2025 - 22:12
Sợ mang nhục cho cả nhà nếu ly hôn

Ảnh minh họa

Cháu lấy chồng từ năm 18 tuổi, theo sự sắp đặt của gia đình. Suốt hơn 20 năm sống chung, chồng cháu thường xuyên say rượu, đánh đập và mắng nhiếc cháu không vì lý do gì...
Cô Thanh Tâm thân mến!

Cháu 40 tuổi, người dân tộc Thái, sống ở một bản nhỏ ven rừng nên các nhà hàng xóm đều ở xa. Cháu lấy chồng từ năm 18 tuổi, theo sự sắp đặt của gia đình. Suốt hơn 20 năm sống chung, chồng cháu thường xuyên say rượu, đánh đập và mắng nhiếc cháu không vì lý do gì. 

Có lần giữa đêm, cháu bị đuổi ra khỏi nhà chỉ vì xới cơm cho chồng vào cái bát mẻ. Cháu buồn lắm. Nhiều lần cháu muốn dắt con bỏ nhà đi nhưng bước đi không được. Bố mẹ cháu bảo: "Vợ chồng có lúc cãi nhau là bình thường, phụ nữ thì phải biết nhịn, bỏ chồng là mang nhục cho cả nhà". 

Còn hàng xóm cũng nhỏ to với cháu: "Có mỗi cái tát mà làm to chuyện". Cháu sợ bị cả bản coi thường, sợ con cái lớn lên bị gọi là "con của người đàn bà bỏ chồng".

Cháu từng được nghe cán bộ xuống bản tuyên truyền về Luật phòng, chống bạo lực gia đình, nhưng giờ không biết tìm đến ai, không dám "làm to chuyện". Trong mắt mọi người, cháu vẫn là người vợ tốt. 

Nhưng mỗi tối, cháu ôm con ngủ với vết bầm trên vai thì trong lòng cháu nhức nhối một câu hỏi: "Mình có quyền được sống khác không?". 

Cháu xin được giấu tên

Chào cháu!

Thanh Tâm là một chuyên gia tư vấn tâm lý và trước hết, cô là một người phụ nữ - một người đã từng lắng nghe và đồng hành với rất nhiều chị em có hoàn cảnh giống như cháu. Nghe cháu kể, lòng cô nghẹn lại. 

Thanh Tâm thấy cháu đã chịu đựng quá nhiều, quá lâu và giờ đây, điều quan trọng nhất là cháu cần được lắng nghe, được tôn trọng và được bảo vệ. Điều cháu đang chịu đựng không phải là "số phận", mà là bạo lực, điều pháp luật nghiêm cấm và cộng đồng đang từng bước lên tiếng, cùng nỗ lực để chấm dứt.

Nhiều người cho rằng: "Phụ nữ phải nhịn để giữ gia đình". Nhưng cháu đã nhịn hơn 20 năm, gia đình có yên ấm không? Con cái có vui không khi thấy mẹ khóc? Cháu không sai khi thấy mình bị đối xử bất công. 

Cháu không sai khi muốn bảo vệ con mình khỏi môi trường bạo lực. Cháu càng không sai khi muốn ly hôn hay muốn sống một cuộc đời không bị bạo lực. Đó không phải là "hư hỏng" mà là tự bảo vệ mình - điều mà pháp luật và cả lương tâm đều ủng hộ.

Cháu ơi, can đảm không có nghĩa là hét lên. Can đảm là dám bước đi để thay đổi số phận của mình. Thanh Tâm biết cháu lo sợ ánh mắt, sự đánh giá của người trong bản, sợ cha mẹ buồn lòng. Nhưng thử hỏi, sống một đời bị đánh đập, sống mà chỉ thấy tủi nhục, vậy có đáng không? 

Con cháu cũng đang nhìn mẹ để học cách sống. Nếu mẹ nhẫn nhịn, im lặng, con cũng sẽ học được rằng phụ nữ phải cam chịu, phải nhẫn nhịn. Cháu có muốn con mình sau này cũng đi lại con đường đầy nước mắt như cháu không?

Cháu không cô đơn. Ở nhiều nơi, đã có những phụ nữ như cháu dũng cảm lên tiếng và họ không bị xa lánh, họ được chia sẻ, giúp đỡ. Hãy tìm đến Hội phụ nữ xã, cán bộ Tư pháp, hoặc có thể nói chuyện với một người đáng tin cậy trong bản. 

Họ sẽ hướng dẫn cháu cách để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và có cuộc sống bình yên hơn. Cháu xứng đáng được sống an toàn, được tôn trọng, không phải chỉ là "người vợ tốt", mà còn là một người phụ nữ có giá trị. 

Bỏ đi sự cam chịu không phải là bỏ gia đình mà là cứu lấy chính gia đình mình khỏi nỗi đau kéo dài. Con cháu cần một người mẹ hạnh phúc, không phải một người mẹ chịu đựng. Và chính cháu có thể là người thay đổi cách nhìn của người thân, hàng xóm, bản làng, từ cam chịu chuyển sang mạnh mẽ và biết yêu thương chính mình.

Thanh Tâm tin cháu sẽ tìm được lối đi riêng của mình . Khi cháu mạnh mẽ đứng lên, con cháu sẽ thấy một người mẹ kiên cường, biết yêu thương bản thân và dám đòi quyền được sống tử tế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm