Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29

26/11/2019 - 20:21
Trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.779 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS 2.984, số bệnh nhân tử vong 1.428 trường hợp.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - cho hay, số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (39,4%) và 30 - 39 (34,3%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (65%) và qua đường máu (17%), mẹ sang con 2%, còn lại không có thông tin về đường lây truyền.
 
 
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - Ảnh: Kiều Trang

 

Tính đến hết 30/9/2019, cả nước có 215.661 người nhiễm HIV được các tỉnh báo cáo hiện đang còn sống và 103.616 người nhiễm HIV đã tử vong. Tuy nhiên, trong số 215.661 người hiện đang báo cáo nhiễm HIV được phát hiện, có khoảng 10% người nhiễm HIV trùng lặp hoặc đã tử vong nhưng chưa được ghi nhận.
 
Kết quả giám sát trọng điểm HIV năm 2018 trên nhóm phụ nữ bán dâm (13 tỉnh) và nam quan hệ tình dục đồng giới/MSM (8 tỉnh), tỷ lệ nhiễm HIV nhóm phụ nữ bán dâm là 3,58% và nhóm MSM là 10,78%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm thay đổi không đáng kể so với năm 2017 và tăng hơn 1% so với năm 2016, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng giảm so với năm 2017 (12,19%).
 
Số liệu phát hiện nhiễm mới nhìn chung không có nhiều thay đổi so với năm 2018. Dịch HIV tập trung chủ yếu ở nam giới (chiếm 75%) và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy đang có xu hướng giảm. Thay vào đó, tỷ lệ nhóm Nam quan hệ tình dục đồng giới đang ngày càng gia tăng và có khả năng sẽ trở thành nhóm chính trong lây nhiễm HIV. Ngoài ra, các nhóm có nguy cơ thấp như nhóm vợ, chồng, bạn tình người nhiễm HIV vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm lây truyền HIV do khó tiếp cận với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm và can thiệp dự phòng - Cục trưởng cho biết.
 
Ông cũng đưa ra giải pháp đó là tăng cường mở rộng mạng lưới cộng tác viên, đồng đẳng viên tiếp cận đến các đối tượng MSM và TG để giới thiệu đến dịch vụ tư vấn xét nghiệm cũng như chuyển gửi đi điều trị khi có phát hiện dương tính và cần tăng cường truyền thông, thay đổi hành vi, giảm kỳ thị phân biệt đối xử đối với cộng đồng LGBT.

Cục trường cũng cho biết, trong 20 năm triển khai điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam đã thu được nhiều kết quả trong đó nổi bật là: 

- Hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được thiết lập và mở rộng nhanh chóng để tăng nhanh độ bao phủ điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị và duy trì điều trị lâu dài. Từ 3 đến 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS vào năm 2000 đến nay đã có 436 cơ sở. Trong đó có 8 cơ sở điều trị tại tuyến trung ương; 77 cở sở tuyến tỉnh/thành phố (Bệnh viện tỉnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố hoặc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS); 351 cơ sở điều trị ARV tuyến huyện (Bệnh viện huyện hoặc Trung tâm Y tế huyện). Ngoài ra còn có các cơ sở điều trị ARV tại 37 trại giam; 06 cơ sở điều trị tại trung tâm 06 và cơ sở tôn giáo, 03 phòng khám tư nhân.

- Số bệnh nhân được điều trị tăng hơn 50 lần so với khi bắt đầu triển khai điều trị ARV mở rộng tại Việt Nam (năm 2004). Đến nay có gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó có 5.000 bệnh nhi. 

- Nhiều mô hình chăm sóc điều trị được triển khai: Mô hình Treatment 2.0; điều trị nhanh, điều trị trong  ngày, cấp pháp thuốc nhiều tháng, lồng ghép dịch vụ Tư vấn xét nghiệm - điều trị ARV - Điều trị MMT, lồng ghép dịch vụ HIV/lao, HIV/viêm gan vi rút.

 

Điều trị HIV đã góp phần cải thiện đáng kể sức khỏe, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người có HIV và cũng làm tăng hiệu quả của chương trình phòng, chống HIV/AIDS

 

- Mở rộng BHYT cho người nhiễm HIV: Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên nhanh chóng từ 30% (2015) đến nay là trên 90%. Nhiều tỉnh/thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT như Ninh Thuận, Lai Châu, Cao Bằng, Cà Mau. 42 tỉnh/thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị ARV trên 90%. Đến 31/10/2019 có hơn 42.000 bệnh nhân đang nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT tại 188 cơ sở điều trị HIV/AIDS.

 

- Chất lượng điều trị luôn được bảo đảm và ngày càng nâng cao: Tỷ lệ bệnh nhân được duy trì điều trị thuốc ARV sau 12 tháng ở mức độ trên 80% . Năm 2018, tỷ lệ này là 88%. Xét nghiệm tải lượng HIV được thực hiện thường quy từ năm 2015. Năm 2018 có 61% bệnh nhân được làm xét nghiệm tải lượng HIV. Trong đó, có 95% có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế và 93% có tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml. Các bằng chứng khoa học cho thấy khi tải lượng HIV dưới 200 bản sao/nl thì người bệnh không thể truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục. Như vậy, điều trị HIV/AIDS góp phần đáng kể vào dự phòng lây nhiễm HIV.

 

- Số trẻ em nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ có xu hướng liên tục giảm từ năm 2012 đến nay. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở những trẻ được điều trị dự phòng bằng ARV trong 3 năm gần đây đều dưới 2%.

 

Việc mở rộng điều trị ARV đã giảm đáng kể số người tử vong do AIDS. Trong những năm 2009 số ca nhiễm HIV báo cáo tử vong hằng năm khoảng 7.000 đến 8.000 ca, đến nay số ca tử vong báo cáo khoảng 1000 -2000 ca tử vong mỗi năm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm