Trên đường phố ở thủ đô Damascus, trong các cửa hàng và trên các giảng đường đại học ở Syria, có một câu hỏi được đặt ra từ lâu mà không dễ dàng có câu trả lời. Đó là những người đàn ông đang ở đâu?
Trước cuộc xung đột kéo dài hơn 7 năm qua ở Syria, người ta không thường thấy phụ nữ Syria làm công việc lái xe taxi, phục vụ đồ uống trong các quán cà phê – những công việc mà theo quan niệm truyền thống ở đất nước này thuộc về nam giới.
Nhưng giờ đây, hình ảnh những người phụ nữ ngồi sau vô lăng, chạy bàn trong các quán cà phê, ngồi trên giảng đường đại học hay làm việc trong mọi lĩnh vực của xã hội Syria đang ngày càng trở nên quen thuộc.
Có rất nhiều lý do dẫn đến những thay đổi trong đời sống xã hội Syria như việc hàng triệu người đàn ông đã rời khỏi đất nước để không phải cầm súng trong cuộc nội chiến đẫm máu hoặc để hiện thực hóa giấc mơ tìm tới một chân trời mới. Những người khác chấp nhận ở lại, người bỏ mạng như những thường dân xấu số bị bom rơi đạn lạc, số khác tử trận khi cầm súng chiến đấu… Theo thống kê, hàng trăm nghìn người đã chết trong cuộc chiến khắc nghiệt hơn 7 năm qua ở Syria, phần lớn trong số đó là nam giới.
Trong suốt những năm tháng chiến tranh, nhiều người đàn ông ở Damascus hiếm khi rời khỏi ngôi nhà của họ bởi các cuộc không kích diễn ra gần như hàng ngày nhằm vào các khu dân cư ở đây. Hiện tại, mối đe dọa đến tính mạng của họ giảm bớt phần nào khi quân đội Chính phủ Syria đã chiếm lại được khu vực ngoại ô của thủ đô.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn quyết định không ló mặt ra khỏi nhà để tránh phải gia nhập quân ngũ và bị đưa ra tiền tuyến.
Vai trò mới của phụ nữ Syria
Trước chiến tranh, tỷ lệ nam-nữ ở Syria là khá cân bằng nhưng hiện nay, sự mất cân bằng giới tính ở đất nước này đang rơi vào tình trạng báo động. Theo Ủy ban Gia đình Syria – một tổ chức phi Chính phủ liên quan đến vấn đề dân số, tỷ lệ nam giới ở nước này hiện chỉ bằng 1/7 so với nữ giới.
Các số liệu chính thức từ một số nguồn khác cho thấy con số không trùng khớp. Tờ Tishreen, tờ báo thuộc sở hữu nhà nước của Syria thống kê, nếu bỏ qua lực lượng nam chiến binh của quân nổi dậy, những người rời bỏ đất nước thì hiện có 65% dân số Syria là nữ giới, 35% còn lại là nam giới.
Jamila Ashkar, một phụ nữ Syria 40 tuổi trùm khăn kín đầu trong lúc ngồi sau vô lăng, lái chiếc xe taxi lăn bánh chậm dãi trên đường phố Damascus, cô thực sự làm nhiều người cảm thấy thích thú dù hình ảnh này không còn xa lạ sau 7 năm nội chiến dài đằng đẵng ở Syria.
“Chồng tôi đã chết trong chiến tranh. Tôi không còn nhà cửa, tôi có con và phải nuôi chúng. Vì thế tôi quyết định làm tài xế taxi, công việc chồng tôi từng làm”, Ashkar nói với tờ Middle East Eye.
Ashkar chia sẻ, trong công việc, cô buộc phải cứng rắn để có thể đối mặt với những kẻ muốn quấy rối hoặc chế nhạo cô. Dù khó khăn, Ashkar vẫn quyết tâm theo đuổi công việc vốn được coi là chỉ dành cho nam giới ở Syria, bởi đây là nguồn sống duy nhất mà cô cùng 3 đứa con có thể trông chờ.
Theo Ashkar, ý chí của cô mạnh mẽ hơn nhiều so với những kẻ mang nặng tư tưởng định kiến về những gì phụ nữ được làm và không được làm trong xã hội cũ, trước chiến tranh.
“Không có sự xấu hổ nào trong công việc, sự hổ thẹn chỉ luôn đi kèm với những lời cầu xin”, Ashkar tự tin chia sẻ.
Tuy nhiên, Ashkar từ chối để phóng viên chụp ảnh. Lý do không phải vì xấu hổ mà bởi vì cô không muốn những gì cô làm bị coi là một hiện tượng kỳ lạ.
Thị trấn sạch bóng nam giới
Tại thị trấn nông thôn nhỏ Sheikh Badr ở tỉnh ven biển Tartous, cách thủ đô Damascus vài giờ xe chạy về phía bắc, ảnh của những người đàn ông bị chết trong cuộc chiến được dán trên gần như mọi bức tường. Ngoài ra, còn có các bức ảnh chụp những người lính bị mất tích, với dòng chữ cầu nguyện: “Cầu xin đấng tối cao đưa anh ấy trở về an toàn” viết nắn nót bên dưới.
Mỗi ngày, khi Alia rảo bước trên con đường nhỏ quanh co đến cánh đồng để trồng ô liu, cô luôn dành chút thời gian ngắm hình ảnh của những người bạn cũ của mình trên tường. Giờ đây, chỉ còn những người bạn nữ ở lại bên cô.
“Tôi sợ rằng sẽ phải ở một mình mãi mãi, không còn người đàn ông nào trong thị trấn của chúng tôi. Tôi sẽ kết hôn với ai?”, cô sinh viên đại học 23 tuổi nói.
Ở giai đoạn đầu của cuộc chiến, khi thế của lực lượng nổi dậy đang lên, nhiều cư dân từ thành thị đến nông thôn trên khắp đất nước Syria trung thành với Tổng thống Syria Bashar Al-Assad sợ rằng phiến quân sẽ giày xéo lên quê hương họ. Kết quả là nhiều người trong số đó đã quyết định tham gia vào lực lượng quân đội Syria, số khác tòng quân theo quy định về nghĩa vụ quân sự.
Tình hình tương tự diễn ra ở các khu vực do lực lượng đối lập Syria kiểm soát. Khi cuộc chiến kéo dài, việc cầm súng chiến đấu không phải xuất phát từ ý thức hệ mà đã trở thành việc làm cần thiết để kiếm sống.
Rốt cuộc, Alia và các người bạn nữ của cô ở Sheikh Badr vẫn nơm nớp mối lo họ sẽ phải sống độc thân trong quãng đời còn lại.
Chiến tranh đã gây ra những thay đổi lớn trong xã hội Syria, Alia và nhiều phụ nữ Syria giờ đây có thể đảm nhận tất cả các vai trò trong đời sống xã hội, kể cả những công việc truyền thống của nam giới. Theo Alia, cô và các bạn của mình giờ cảm thấy họ như thể những người đàn ông thực thụ.
Alia đội một chiếc mũ rơm lớn, khuôn mặt cô in lên sự mệt mỏi, đôi mắt đượm buồn. Alia cho hay, cô đã không tỉa lông mày trong suốt một thời gian dài.
“Tại sao tôi phải tự chăm sóc bản thân mình, tôi trang điểm cho ai? Chẳng có ai có thể để mắt đến tôi cả”, Alia chua chát nói với đôi mắt rưng rưng nhìn về phía tấm ảnh những chàng trai trẻ của Tartous bỏ mạng trong cuộc chiến. “Chỉ có những bức ảnh kia đang nhìn tôi, nhưng họ không thực sự cảm nhận được tôi”.
Những năm tháng của phụ nữ
Đến thăm Đại học Damascus, trên các giảng đường hay ở sân trường, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh số sinh viên nam ít ỏi, chỉ đếm trên đầu ngón tay so với số lượng áp đảo của các sinh viên nữ.
“Đó là những năm tháng của nữ giới, đó là thời đại của phụ nữ. Không chỉ tại nơi làm việc mà còn trong nghiên cứu”, Mirella Ahmad, một sinh viên 27 tuổi, nói với MEE.
Ahmad giơ bàn tay của cô lên như muốn nói điều gì, rồi cô cầm tay của những người bạn xung quanh giơ lên.
“Tất cả các ngón tay của chúng tôi đều không đeo nhẫn [đeo nhẫn là dấu hiệu cho thấy người đã có đính ước hoặc kết hôn – ND]. Không ai đeo nhẫn cả vì không có người đàn ông nào trao nhẫn cho chúng tôi”, Ahmad nói.
Tuy vậy, không phải tất cả phụ nữ đều bi quan, vẫn có những người nhìn thấy điều lạc quan trong tình trạng mất cân bằng giới hiện nay ở Syria. Một số nói rằng, tình hình hiện nay khiến họ có cơ hội chứng minh được sức mạnh, khả năng và khẳng định họ hoàn toàn có thể đảm nhiệm những công việc trước đây vốn được mặc định là của nam giới.
Catherine là một trong số những phụ nữ đó. Trong 5 năm qua, cô đã làm việc trong vai trò phóng viên ảnh cho một hãng tin quốc tế. Trong quá khứ, báo chí vốn là nghề bị nam giới chi phối ở Syria.
Theo Catherine, cô thích ăn mặc giống như các đồng nghiệp nam và được đi cùng với lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria đến thăm những khu vực ở tiền tuyến. “Đó là cơ hội để tôi được đặt vào đúng vị trí của mình”, Catherine chia sẻ với MEE.
Catherine nói thêm: “Chiến tranh không phải điều gì đó hoàn toàn xấu xí. Vẫn có thể tìm được những điểm tích cực ở trong đó. Chiến tranh đã cho tôi và nhiều phụ nữ khác một con đường để khẳng định vị trí của mình trong xã hội”.