Sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ là gì? Cách nhận biết sớm sốc phản vệ sau tiêm chủng

QN
16/04/2020 - 09:44
Sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ là gì? Cách nhận biết sớm sốc phản vệ sau tiêm chủng
Sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ rất hiếm xảy ra, nhưng đây là trạng thái cấp cứu, diễn tiến nhanh chóng và có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Do vậy, cha mẹ cần nhận biết sớm các dấu hiệu của sốc phản vệ để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

1. Sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ là gì?

Về định nghĩa, sốc phản vệ được cho là tình trạng phản ứng quá mức của cơ thể đối với các tác nhân lạ xâm nhập. Vì vậy sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ là tình trạng cơ thể trẻ phản ứng quá mức dữ dội với các thành phần có trong vacxin (kháng nguyên phòng bệnh, chất bảo quản, các thành phần nhiễm bẩn, kháng sinh,...).

Sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ là một trạng thái cấp cứu, có thể diễn tiến nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời và gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Tình trạng sốc có thể xuất hiện rất sớm ngay trong khi tiêm cho trẻ, hoặc sau khi tiêm một thời gian ngắn khoảng vài giờ sau tiêm. Nhưng hi hữu cũng có những trường hợp sốc phản vệ xảy ra muộn.

Tuy nhiên, tình trạng sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ là tình trạng hết sức hiếm gặp, tỷ lệ gặp phải trên thực tế thường chỉ nằm ở mức phần triệu. Do đó, tiêm chủng vẫn là một phương pháp an toàn để có thể dự phòng cho bé khỏi các căn bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng.

2. Biểu hiện của sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ là gì?

Sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ là một tình trạng nặng nề, vì vậy phát hiện sớm các triệu chứng của sốc là cơ sở để có thể có hướng xử lý và cấp cứu kịp thời nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Một số biểu hiện điển hình báo hiệu tình trạng sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ:

- Sốt cao kéo dài, khóc thét,

- Nổi mề đay, phát ban, phù, da tái nhợt,...

- Khó thở, khò khè, ngạt mũi, chảy nước mũi, co kéo nhiều ở vùng bụng khi thở, cánh mũi phập phồng, tiếng rít khi thở,...

- Nôn hoặc buồn nôn, đại tiện không tự chủ,...

- Trẻ vật vã, kích thích, co giật,...

- Tim đập nhanh, nếu đo huyết áp có thể thấy huyết áp hạ, huyết áp kẹt hoặc không đo được, trong các trường hợp nặng có thể ngừng tim.

Nếu phát hiện được những triệu chứng báo hiệu sốc phản vệ đang diễn ra, hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời khi cần thiết.

Sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ là gì? Cách nhận biết sớm sốc phản vệ sau tiêm chủng - Ảnh 2.

3. Những nhóm trẻ dễ bị sốc phản vệ sau tiêm chủng

Mặc dù sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ có nguy cơ xảy ra ở bất kỳ trẻ nào, nhưng một số những nhóm trẻ được ghi nhận có khả năng gặp sốc phản vệ cao hơn mức bình thường như:

- Trẻ có phản ứng dữ dội ở lần tiêm chủng trước.

- Trẻ có hệ miễn dịch suy giảm.

- Trẻ bị HIV.

- Trẻ sinh thiếu tháng.

- Trẻ mắc hội chứng Down.

- Trẻ có bệnh tim, phổi,...

4. Sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ có chữa được không?

Sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ là rất nguy hiểm và diễn tiến nhanh chóng, tuy nhiên nếu được phát hiện và chẩn đoán kịp thời thì vẫn có thể điều trị được.

Các điều trị chủ yếu cho một trường hợp sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ bao gồm:

- Điều trị suy hô hấp bằng thờ oxy, đặt nội khí quản, sử dụng các thuốc chủ vận beta,... để cải thiện chức năng đường dẫn khí.

- Đặt đường truyền tĩnh mạch, bù dịch cấp cứu, sử dụng thuốc co mạch (thường dùng nhất là adrenalin) để cải thiện tình trạng tuần hoàn của người bệnh.

- Sử dụng các thuốc kháng histamin, corticoid để làm giảm tình trạng dị ứng, ức chế miễn dịch của cơ thể nhằm giảm nhẹ các đáp ứng dị ứng gây sốc.

Điều trị sốc phản vệ sau khi tiêm chủng là sự chạy đua với thời gian, phát hiện và điều trị càng sớm sẽ càng hạn chế các tổn thương thứ phát do tình trạng sốc gây nên và đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ.

Có thể thấy rằng, sốc phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ là tình trạng đặc biệt nguy hiểm, vì thế các bậc cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng của trẻ để có thể phát hiện kịp thời các biểu hiện của sốc phản vệ. Đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm