Mỗi chuyến thám hiểm chỉ cho tối đa 10 khách và cứ 5 ngày mới có một chuyến. Khi đoàn này ra điểm xuất phát sẽ có đoàn khác khởi hành vào. Tổng hành trình đi về dài khoảng 50km, vượt qua khoảng 40 con suối lớn nhỏ, trong đó có khoảng 20km ra vào trong hang, đáng kể nhất là con dốc đứng cao 500m ở điểm kết thúc hàng trình luôn vắt kiệt sức lực còn lại của mọi người.
Đoàn luôn có đội porter (khuân vác đồ) hơn chục người, hai kiểm lâm, hai đầu bếp, một hướng dẫn viên và hai chuyên gia hang động người Anh. Đoàn chúng tôi có 9 người Mỹ và một người Việt Nam là tôi. Suốt chặng đường tôi toàn phải căng tai ra nghe tiếng Anh, thế là tôi bám đuôi anh hướng dẫn viên luôn có gì hỏi tiếng Việt.
Tác giả bài viết |
Trước khi đi chúng tôi phải ra sức tập luyện sự dẻo dai bằng cái bài tập chuyên dành cho người đi du lịch mạo hiểm, mua sắm các vật dụng do trang web du lịch Oxalis khuyến nghị, đặc biệt là giày lội suối và leo núi. Tôi mất cả tuần quần nát Sài Gòn mới mua được đôi giày xấu xí nhưng ưng ý. Điều mà khi leo xuống hang tôi đã nói với bà Deb - một bàn đồng hành trong chuyến đi: "Tôi yêu đôi giày này".
Ngay chặng đầu tiên tôi mang đôi giày lội suối có nhiều lỗ thoát nước (khoảng 10km) vào hang én, tôi nhận ra sự bất ổn của đôi giày khi thoát nước tốt nhưng lại khá đau chân và nhất là độ bám đá không cao. Tới cửa hang Sơn Đoòng, tôi quyết định chuyển sang đôi giày đã mua có độ êm và bám tốt hơn để leo đá và đã sử dụng đôi này hết hành trình. Bài học: Cần chuẩn bị giày thật kỹ.
Nước nhỏ giọt lên đá cuội tạo ra các lỗ lớn như quả bóng rổ và có những viên ngọc nhỏ bên trong |
Trong suốt hành trình, nhất là khi vào hang, chúng tôi phải đi trên một lối nhỏ rộng khoảng 60 cm và không bước ra khỏi đó. Không dùng tay chạm vào bất cứ thạch nhũ nào, không nhặt hay xê dịch mang đi bất cứ gì dù chỉ là một viên sỏi. Điều này giúp bảo vệ từng centimet của hệ sinh thái và nét đẹp hoang sơ trong hang. Bài học: " Ý thức bảo vệ rất cao và chúng ta phải tuân thủ".
Tại hai hố sụt có hai điểm cắm trại nghỉ lại đêm rất đẹp, tại đây đoàn có thể ngủ qua đêm trong lều. Lều riêng và túi ngủ của từng người được những người khuân vác mang theo từ lúc xuất phát tới lúc ra về. Việc vệ sinh rất nghiêm ngặt, mọi người được khuyến cáo phải vệ sinh tay bằng dung dịch sát trùng thường xuyên vì trong môi trường ẩm, vi khuẩn rất dễ sinh sôi.
Tại các điểm cắm trại có các nhà vệ sinh dã chiến, họ hàn các khung sắt, để bệ ngồi lên trên, phía dưới có xô hứng. Luôn có hai thùng trấu hai bên để thấm (thay vì dội nước). Các xô này sẽ được những người khuân vác mang ra khỏi hang để xử lý. Chúng tôi chỉ được tắm đêm đầu và đêm cuối khi ở Hang Én, còn hai đêm trong hang thì ... xoa cồn. Bài học: "Mọi thứ chúng ta mang vào hang sẽ phải mang ra khỏi hang, kể cả đó là một cây tăm hay tàn thuốc".
Ánh trăng đỏ rực nhìn từ miệng hang |
Thức ăn suốt 4 ngày đêm trong hang khá đủ chất nhưng không đa dạng vì điều kiện không cho phép. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là hàng đêm chúng tôi sẽ đặt bữa sáng, thực đơn lúc nào cũng có 4 món: Mì tôm bò, Mì tôm trứng, Phở gói bò, Phở gói trứng. Sau bữa ăn là thời gian quây quần bên bếp lửa để "nướng" giày ướt và uống ly rượu gạo với nhau. Đây là lúc mọi người chia sẻ với nhau rất nhiều câu chuyện vui. Bài học: "Mang theo thức ăn vặt như bánh kẹo, thuốc men và vài câu chuyện đặc sắc mà bạn thích".
Đoàn đi 10 người nhưng chỉ có 2 người có máy ảnh và chân máy ảnh tốt, trong đó có tôi. Người Mỹ xuề xòa chỉ cần cái điện thoại quay quay chụp chụp. Cuối cùng, tôi là người quay phim chính cho đoàn bằng cái điện thoại "cùi" Black Berry. Tôi mang theo cái Sony A7 và 1 lens fix 35mm cho suốt hành trình vì nó gọn nhẹ, chụp thiếu sáng tốt và dễ sử dụng. Tôi thấy khá ưng ý với lựa chọn máy ảnh nhưng lại quên bật chế độ RAW khi chụp. Bài học "Hãy chuẩn bị một máy ảnh tốt và chân máy. Không bỏ lỡ khoảnh khắc nào vì chúng ta khó có dịp quay lại, đừng quên bật chế độ RAW và quay phim bằng máy ảnh càng nhiều càng tốt".
Hang Én - một "resort " trong hang với bãi cát rộng và hồ nước trong xanh mát lạnh |