Sơn La: 4 giải pháp trong công tác phòng, chống mua bán người thời kỳ mới

PV
27/09/2023 - 17:56
Sơn La: 4 giải pháp trong công tác phòng, chống mua bán người thời kỳ mới

Lực lượng chức năng huyện Mộc Châu tuyên truyền vận động nhân dân cảnh giác với tội phạm mua bán người. Ảnh: Báo Sơn La

Trong những năm qua, hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới thuộc địa bàn tỉnh Sơn La tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trong toàn tỉnh.

Theo tham luận của Hội LHPN tỉnh Sơn La trong Hội thảo "Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới" do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức, trong năm 2022, tỉnh Sơn La có 28 trường hợp nạn nhân bị mua bán trở về (theo kết quả phối hợp, rà soát, thống kê nạn nhân bị mua bán giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La). Trong đó, 19 nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại trở về địa phương; 9 nạn nhân đang được rà soát để tiếp tục hỗ trợ do chưa trở về nơi cư trú. Và cả 28 nạn nhân đã được xác định, tư vấn hỗ trợ tâm lý, khám sức khỏe.

 Sơn La: 4 giải pháp trong công tác phòng, chống mua bán người trong thời kỳ mới - Ảnh 1.

Bộ đội Biên phòng nỗ lực với "cuộc chiến" phòng, chống tội phạm mua bán người (Ảnh: BĐBP)

Tham luận cũng cho biết, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số chị em, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, bọn tội phạm đã dụ dỗ, lôi kéo và lừa bán họ để trục lợi, gây tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Thủ đoạn thường được tội phạm mua bán người sử dụng đó là: Dụ dỗ, lừa gạt, ép buộc, làm và sử dụng giấy tờ giả để môi giới việc làm, xuất khẩu lao động, lợi dụng triệt để công nghệ viễn thông hiện đại, thông qua Internet, mạng xã hội để làm quen, tiếp cận, lừa gạt nạn nhân nhẹ dạ với chiêu thức "việc nhẹ, lương cao" để bán ra nước ngoài (mục đích chủ yếu là cưỡng bức lao động tại Campuchia, Malaysia)...

Trước tình hình đó, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh Sơn La đã và đang triển khai nhiều hoạt động tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, với phương châm lấy gia đình là trung tâm, hội viên làm nòng cốt.

Hội LHPN tỉnh Sơn La chủ động chỉ đạo Hội LHPN 12 huyện/thành phố và 3 đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị chức năng cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ trong tỉnh thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người gắn với thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc" và "Giải quyết các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự", đảm bảo phù hợp với tình hình điều kiện thực tế tại địa phương.

Hình thức tuyên truyền được sử dụng đa dạng như: Phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động mua bán người tại các buổi sinh hoạt chi/tổ Hội; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông nhằm nâng cao kỹ năng cho các tuyên truyền viên, hội viên, phụ nữ. Các cấp Hội phụ nữ chủ động, tích cực, sâu sát cơ sở, bám sát địa bàn, tổ chức truyền thông trực tiếp tại thôn, bản và phát huy vai trò người có uy tín cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của hội viên phụ nữ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, của địa phương.

 Sơn La: 4 giải pháp trong công tác phòng, chống mua bán người trong thời kỳ mới - Ảnh 2.

Một nạn nhân ở Sơn La bị lừa bán sang bên kia biên giới được lực lượng chức năng giải cứu về (Ảnh: BPSL)

Hội LHPN tỉnh Sơn La quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện công tác phòng, chống mua bán người. Mỗi người phụ nữ trong gia đình phải là tấm gương mẫu mực trong chấp hành pháp luật. Tại các địa bàn có nguy cơ như huyện Sông Mã, Sốp Cộp..., Hội LHPN cơ sở đã phối hợp với Đồn biên phòng, Ban chỉ huy quân sự xã tổ chức ra mắt mô hình "Tổ phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên cột mốc", huy động sự tham gia của hội viên, phụ nữ tại cơ sở trong phòng chống vi phạm pháp luật, phòng chống mua bán người. Đến cuối năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập và duy trì 14 mô hình "Tổ phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên cột mốc".

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả tích cực, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả các nạn nhân của nạn mua bán người. Qua đó, ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La và trong cả nước nói chung.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình hình mua bán người nói chung vẫn sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây ra những hệ quả tiêu cực, không chỉ tác động đến mỗi cá nhân, gia đình, mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Do vậy, để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời kỳ mới, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục phối hợp, tăng cường thực hiện kịp thời, đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:

 Sơn La: 4 giải pháp trong công tác phòng, chống mua bán người trong thời kỳ mới - Ảnh 3.

Công an và Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La đến nhà dân tuyên truyền phòng chống mua bán người. (Ảnh: Báo Sơn La)

Một là, tập trung xây dựng, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội về phòng, chống mua bán người. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Luật phòng, chống mua bán người và Chương trình hành động của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống mua bán người. Đẩy mạnh công tác truyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về công tác phòng, chống mua bán người.

Hai là, Hội Phụ nữ cơ sở phát huy vai trò, chủ động nắm bắt tình hình đời sống của chị em, là sợi dây kết nối với các cơ sở hỗ trợ khi nạn nhân tiếp tục cần sự trợ giúp. Chủ động phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng. Tư vấn tâm lý, khám chữa bệnh miễn phí cho nạn nhân, tạo điều kiện để nạn nhân nhanh chóng khắc phục những khó khăn về kinh tế, xóa đi mặc cảm về bản thân, hỗ trợ học nghề, để nhanh chóng giúp họ ổn định cuộc sống.

Ba là, đẩy mạnh công tác vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" và "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người - 30/7" gắn với cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và các phong trào về an ninh trật tự khác ngay từ cơ quan, đơn vị, gia đình, cộng đồng dân cư.

Bốn là, tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình "Tổ phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên cột mốc", các mô hình phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật nhằm phát huy vai trò của tổ chức Hội phụ nữ tại các bản giáp biên giới, phối hợp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới, từ đó, xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm