Quãng đường từ Trường Mầm non Hoa Đào, xã Suối Bau, huyện Phù Yên đến các điểm lẻ dài chưa tới 10km nhưng có tới hàng chục điểm sạt lở, lầy lội. Để có thể đi qua đoạn đường này, các thầy, cô giáo phải mất gần 2 giờ đồng hồ.
Đặc biệt, trên đoạn đường này có những điểm sạt lở nguy hiểm khi lòng đường đã bị đất đá từ trên núi vùi lấp hết. Các thầy, cô giáo phải theo con đường nhỏ cheo leo nằm sát sườn núi, bên dưới là vực sâu hun hút để đi qua.
Dù đã có thâm niên gần 10 năm dạy học ở điểm trường lẻ nhưng mỗi khi mùa mưa đến, cô Lường Thị Tân, giáo viên Trường Mầm non Hoa Đào vẫn không khỏi lo lắng khi đi qua những điểm sạt lở.
Cô Tân chia sẻ do đoạn đường trơn trượt, sạt lở nên khi đi qua đây rất nhiều người đã bị ngã nhưng cũng không còn cách nào khác. Mỗi khi tới lớp, dù rất mệt nhưng khi thấy học trò ríu rít cô cảm thấy rất vui.
Để có thể đi qua đoạn đường sạt lở an toàn, các giáo viên thường đi cùng để hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Đào Sa Thị Như Quý cho biết những lúc trời mưa, việc đi lại của các thầy, cô giáo rất vất vả. Vào thời điểm mưa to, không qua được, các giáo viên phải bỏ xe lại rồi đi bộ gần 4km mới tới lớp học.
Mỗi khi qua điểm sạt lở ai cũng lo lắng, nếu không may trượt bánh, cả người và xe sẽ rơi xuống vực. Điều này ảnh hưởng đến giờ lên lớp của giáo viên ở các điểm trường.
Còn tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Bắc Phong, xã Bắc Phong, huyện Phù Yên, việc đến trường của các thầy cô tuy có nhiều điểm khác nhưng cũng vất vả không kém.
Sau đợt mưa lũ đầu tháng 8/2018, tuyến đường đến đây đã bị ách tắc hoàn toàn do xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở. Ngoài ra, đường giao thông liên xã, liên bản trên địa bàn xã vẫn bị chia cắt, khiến việc đi lại rất khó khăn.
Cũng như người dân trong xã, hiện nay, việc đi lại của giáo viên duy nhất chỉ có đường thủy. Ngoài ra, chi phí cho mỗi chuyến đi thuyền như thế phải mất ít nhất 300.000 đồng.
Thầy Nguyễn Văn Thanh, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Bắc Phong, cho biết tất cả giáo viên trong trường phải thuê thuyền từ bến phà Vạn Yên để đến lớp. Còn đối với học sinh, nếu gia đình có điều kiện thì phụ huynh đưa đi. Nếu không, các em phải tự khắc phục bằng cách đi bộ hàng chục km từ điểm lẻ đến khu trung tâm để tham gia hoạt động tập trung của nhà trường.
Những khó khăn trong việc đến trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc hàng ngày của giáo viên vùng cao. Tuy nhiên những khó khăn không thể ngăn được bước chân của các giáo viên đến trường. Các giáo viên, học sinh ở đây vẫn đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để bắt đầu năm học mới.
Cô Đinh Thị Diện, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Bắc Phong, cho biết, nhà trường bám sát kế hoạch chung của Phòng GD-ĐT huyện Phù Yên tổ chức cho học sinh và giáo viên đến trường để khắc phục hậu quả sạt lở, dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị năm học mới. Đến nay, công tác chuẩn bị đã tạm ổn để bước vào năm học 2018-2019.