Sông Cầu "nuốt chửng" căn nhà bạc tỷ, người dân sống trong bất an

Nguyễn Minh Châu
31/03/2024 - 11:29
Sông Cầu "nuốt chửng" căn nhà bạc tỷ, người dân sống trong bất an

Nhiều ngôi nhà ở khu Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, cũng đang trong tình trạng nguy hiểm

Sau khi ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Quy ở khu Vạn Phúc (phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) bị sập và trôi xuống sông Cầu, 7 hộ dân bên cạnh đã được di dời khẩn cấp. Một số hộ chưa phải di dời nhưng đang sống trong bất an khi chỉ cách khu vực sạt lở vài chục mét.
Tiền tỷ trôi sông, người dân khóc ròng

Ôm đứa cháu nội vào lòng, ngồi trước bậu cửa nhà văn hóa khu Vạn Phúc nhìn ra dòng sông Cầu, bà Nguyễn Thị Mừng không kìm được nước mắt. Đã 10 ngày trôi qua kể từ khi ngôi nhà của con trai bà - anh Nguyễn Văn Quy - bị sập và trôi xuống sông Cầu, bà Mừng chưa đêm nào ngủ trọn giấc. 

"Không biết sắp tới mẹ con, bà cháu tôi sống sao đây. Ngôi nhà là sự chắt chiu, dành dụm bao năm trời mới có được, giờ đã bị trôi hết xuống sông", bà Mừng nói.

Ngôi nhà trôi sông mới được anh Quy xây hơn một năm trước. Không có nghề nghiệp ổn định, đi làm lao động tự do nên để xây được ngôi nhà 2 tầng, ngoài số tiền tích cóp trong nhiều năm, anh Quy phải "cắm" sổ đỏ ở ngân hàng để vay tiền. 

Ước tính, ngôi nhà xây dựng hết hơn 1 tỷ đổng. Trước khi nhà đổ sụp hoàn toàn, anh Quy vẫn còn nợ ngân hàng cả trăm triệu đồng. Sau khi xảy ra sự cố, gia đình anh Quy được chính quyền phường Vạn An bố trí đến ở tạm tại Nhà văn hóa khu Vạn Phúc. 

"Có 7 gia đình phải di dời, 5 hộ đến nhà người thân ở nhờ. Riêng nhà tôi đến nhà văn hóa ở. Chúng tôi xác định sẽ phải ở nhờ một thời gian dài, nên không thể ở nhà người thân được. Ở đây vừa chật chội vừa tạm bợ nhưng trong hoàn cảnh hiện tại cũng là tốt lắm rồi", bà Mừng chia sẻ.

Sông Cầu “nuốt chửng” căn nhà bạc tỷ, 
người dân sống trong bất an- Ảnh 1.

Ngôi nhà 2 tầng bị sông Cầu “nuốt chửng”

Bà Mừng cho biết thêm, anh Quy đã ly hôn vợ, "gà trống" nuôi 2 đứa con nhỏ. Sau khi con trai ly dị vợ, bà về ở với anh Quy để hỗ trợ chăm sóc 2 cháu. Ngày thường anh Quy đã vất vả mưu sinh, nay ngôi nhà cũng bị xóa sổ, thương con, thương cháu, nhiều ngày nay, bà Mừng chỉ biết khóc. Bà mong chính quyền địa phương hỗ trợ để gia đình bà sớm có chỗ an cư, ổn định cuộc sống.

Cách căn phòng gia đình bà Mừng đang ở một lối đi là gia đình anh Phan Đình Hòe - chị Nguyễn Thị Bé. Hôm chúng tôi đến Nhà văn hóa khu Vạn Phúc thăm, cả nhà anh Hòe vừa dùng xong bữa trưa. Mâm cơm dọn ra gần như còn nguyên vì chưa ai vơi được nỗi buồn nên chẳng muốn đụng đũa. 

Anh Hòe nói rằng, nhà anh may mắn chưa bị đổ xuống sông nhưng chắc cũng không thể ở được nữa. "Gia đình tôi xây ngôi nhà 2 tầng từ năm 2015 hết hơn 1 tỷ đồng và cũng phải cầm cố sổ đỏ để vay. Hiện sổ vẫn đang ở ngân hàng cùng số tiền hơn 100 triệu chưa trả hết. 

Tôi làm tự do, nay có việc, mai không. Vợ tôi đi làm ở Bắc Giang, lương cũng ba cọc ba đồng. Hai vợ chồng nuôi 3 đứa con cùng mẹ 70 tuổi nên vô cùng khó khăn. Sau khi phải di dời khẩn cấp về nhà văn hóa, ngày nào tôi cũng ghé qua nhà. Nhìn những vết nứt và ngôi nhà đang có dấu hiệu nghiêng ra sông mà lòng tôi tê tái", anh Hòe nói.

Đã 10 ngày về sống tại nhà văn hóa nhưng mọi đồ đạc trong căn phòng mà gia đình anh Hòe đang ở vẫn ngổn ngang. Anh Hòe nói rằng, anh mệt mỏi và lo lắng nên sau khi dọn đồ đạc đến nơi ở tạm, anh cũng chẳng muốn thu xếp. "Cả gia đình vẫn mong sớm được bố trí chỗ ở ổn định. Sống tạm bợ thế này vợ chồng tôi cũng chẳng còn tâm trí đâu để làm việc", anh Hòe buồn bã nói.

Sống trong bất an

Dù không nằm trong 7 hộ phải di dời khẩn cấp nhưng ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Thiệp chỉ cách ngôi nhà đã đổ sập xuống sông đúng một bức tường. Theo dõi tình hình trong những ngày qua, anh Thiệp cho biết, cổng nhà anh đã xuất hiện vết nứt. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Hùng bên cạnh cũng nứt tường và nhà đang nghiêng về phía dòng sông. 

Sông Cầu “nuốt chửng” căn nhà bạc tỷ, 
người dân sống trong bất an- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Mừng bên cháu nội tại Nhà văn hóa khu Vạn Phúc

"Ban ngày, cả gia đình tôi vẫn sinh hoạt tại nhà nhưng đến tối, tất cả phải đi ngủ nhờ nhà người thân, chỉ mình tôi ở lại trông nhà. Vợ tôi vừa mới mất chưa được một tháng nên tôi phải hương khói, nếu không, tôi cũng không dám ở lại. Từ hôm xảy ra sạt lở, chưa đêm nào tôi dám ngủ vì sợ nửa đêm nhỡ xảy ra sự cố thì mình chạy không kịp", anh Thiệp cho biết.

Theo ông Chu Văn Khang, Trưởng khu Vạn Phúc, cả khu có hơn 300 hộ. Các hộ dân đã sinh sống hàng trăm năm trên mảnh đất này và đây là lần đầu xảy ra sự cố nghiêm trọng như vậy. Đầu tháng 3 năm nay bắt đầu xuất hiện vết nứt nhỏ và phát triển dần. 

Đến ngày 8/3, khu vực sạt có chiều dài 50m, ăn sâu vào bãi sông từ 5m đến 10 m đã làm sạt toàn bộ công trình phụ của 3 hộ dân. Ngày 14/3, sự cố tiếp tục phát triển và làm sạt lở toàn bộ ngôi nhà hai tầng xuống sông Cầu. 

Hiện khu vực nhà sát với nhà 2 tầng bị sạt lở tiếp tục xuất hiện các vết nứt, gây nguy cơ sạt lở cho các hộ dân khác. "Việc sạt lở khiến người dân ở đây vô cùng bất an", ông Khang nhấn mạnh.

Ông Tống Quang Thanh, Chủ tịch UBND phường Vạn An, cho biết, sau khi sơ tán các hộ dân trong diện khẩn cấp, chính quyền đã hỗ trợ các gia đình nơi ăn ngủ, mua sắm các vật dụng sinh hoạt cần thiết để ổn định cuộc sống; đồng thời bố trí người trực tại chỗ 24/24, tiếp tục theo dõi tại hiện trường để báo cáo kịp thời lên cấp trên. Bên cạnh đó, UBND thành phố Bắc Ninh cũng đang họp bàn để có hướng "an cư" cho các hộ dân.

Nguyên nhân của vụ sạt lở được chính quyền tỉnh Bắc Ninh nhận định là do phía bên bờ tả thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang là khu dân cư sinh sống lâu đời, hiện nhân dân địa phương xây dựng nhiều công trình kiên cố, đổ rác thải, phế thải xây dựng lấn chiếm dòng chảy, kết hợp đoạn từ K49+300 đến K49+800 là điểm bắt đầu của tuyến sông cong về địa phận tỉnh Bắc Ninh nên sự biến đổi dòng chảy tại khu vực này trong những năm gần đây đều rất mạnh, gây ra sạt trượt tại nhiều vị trí.

Ngày 20/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai làm sạt lở bờ sông đoạn từ K49 +750: K49+ 800 đê hữu Cầu, phường Vạn An. UBND tỉnh Bắc Ninh xác định các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố công trình gây ra. 

Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến sạt lở để tiếp tục di dời người và tài sản đến nơi an toàn khi sự cố phát triển; xây dựng phương án di dân trước mắt để đảm bảo các gia đình phải di dời có nơi ăn, ở sinh hoạt ổn định.

Bên cạnh đó, địa phương cắm biển cảnh báo, phao báo hiệu tại vị trí công trình nhà bị sập xuống lòng sông để cảnh báo các phương tiện thủy đi lại trên sông; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, trang thiết bị cần thiết để có thể huy động xử lý nếu sự cố phát triển thêm, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của khu dân cư và an toàn đê điều. Tỉnh tổ chức cắm cọc tiêu, mốc để quan trắc, lập sổ theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt trượt.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) phối hợp với UBND thành phố Bắc Ninh rà soát các khu vực lân cận có nguy cơ sạt lở cao để cảnh báo người dân và có phương án di dời người và tài sản. 

Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Bắc Ninh trong việc theo dõi diễn biến sự cố, tổ chức xử lý giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ". Bên cạnh đó, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động rà soát, chuẩn bị các loại máy móc, thiết bị, nhân lực, phương tiện hiện có để huy động xử lý sự cố, giúp nhân dân sơ tán con người, tài sản khi cần thiết. 

Các Sở khác, theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Bắc Ninh tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm