pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Sống cho hiện tại, mặc kệ ngày mai" - Đằng sau một thế hệ thu nhập cao nhưng không giàu nổi
Thế hệ thu nhập cao nhưng không giàu nổi
HENRY viết tắt từ cụm High Earners Not Rich Yet, nhằm chỉ những người thu nhập cao nhưng chưa giàu. Thuật ngữ HENRY được đặt ra đầu tiên trong bài báo được đăng trên tạp chí Fortune năm 2003. Kể từ đó, HENRY đã phát triển thành từ mô tả hầu hết là thế hệ Millennials, đã đi làm và tự chủ tài chính. Thu nhập mỗi năm của họ dao động từ 100.000 USD - 250.000 USD (2,4-6 tỷ đồng).
Tại sao thế hệ HENRY vẫn chưa giàu? Đó là bởi phần lớn thu nhập của họ được dùng vào chi tiêu, hơn là đầu tư vào việc xây dựng tài sản cá nhân hay là các khoản tiết kiệm tiền. Tại nước Mỹ, HENRY được mô tả là người bình thường được trả lương cao, hơn là nhóm 1% giàu có của quốc gia này. Theo New York Post, sở thích tiêu xài xa hoa của một số HENRY và áp lực phải theo kịp những người giàu có trên mạng xã hội khiến họ cảm thấy bị trói buộc.
Theo Retaildive, những người thu nhập cao nhưng chưa giàu này thường có xu hướng "sống cho hiện tại, mặc kệ ngày mai". Điển hình cho lối sống này là tình trạng đầu tháng rủng rỉnh, cuối tháng kiêng khem. Họ không có nhu cầu tiết kiệm tiền mua nhà, xe. Thay vào đó thích trải nghiệm tức thời và cảm nhận, hơn là giá trị vật chất.
Điều này dẫn đến việc HENRY đang dần trở thành nhóm đối tượng khách hàng được các nhãn hàng xa xỉ tập trung. Bởi lẽ, các chuyên gia dự đoán trong tương lai, giới thượng lưu, siêu giàu không còn là khách hàng tiềm năng vì họ đã trải nghiệm đủ, không còn nhu cầu sở hữu hàng hiệu mạnh mẽ như trước. Điều này khiến các nhãn hàng danh tiếng như Louis Vuitton, Gucci... chuyển hướng sang sản phẩm ở phân khúc thấp với giá mềm hơn.
Tuy vậy, HENRY dễ có thiện cảm với sản phẩm mang tính bền vững và các thương hiệu có tác động tích cực cho xã hội. Để tiếp cận HENRY, các thương hiệu cần nỗ lực hơn so với lúc tiến sát khách hàng thuộc giới thượng lưu truyền thống. Bởi HENRY không đề cao hình thức mà quan tâm câu chuyện sau mỗi thương hiệu, chú trọng các vấn đề xã hội, môi trường và cách các nhãn hiệu phản ứng với sự việc.
Dù chưa thực sự giàu có, họ vẫn có thể chi rất bộn tiền cho một lần mua hàng, nhưng khá kén chọn và chỉ thích thương hiệu phù hợp với giá trị, niềm tin cá nhân. Đơn cử như Burberry từng bị nhóm người dùng này lên án gay gắt khi đốt hàng tồn kho, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hay Fendi bị chỉ trích vì dùng lông động vật.
Ngoài ra, điều HENRY đang tìm kiếm là "trải nghiệm xa xỉ", chứ không đơn giản là các món đồ hiệu đắt tiền. Nói cách khác, họ sẵn sàng chi tiền cho các dịch vụ đắt đỏ như dùng bữa ở nhà hàng sang trọng, tập gym ở các phòng tập đắt tiền hay nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp.
Làm thế nào để tránh trở thành một HENRY?
Theo Busines Insider, lối sống HENRY có thể khiến ngay cả những người có thu nhập cực cao cũng phải vật lộn với nợ nần, số tiền tiết kiệm ít ỏi để nghỉ hưu hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của cuộc sống.
Gideon Drucker - một nhà lập kế hoạch tài chính và là tác giả của cuốn sách How To Avoid HENRY Syndrome (Làm Sao Để Tránh Hội Chứng HENRY) cho hay: "Những hậu quả tiêu cực của việc thay đổi lối sống có thể chưa tác động đến bạn cho đến khi bạn ở độ tuổi cuối 40, 50 và bắt đầu nghĩ đến nghỉ hưu".
Dưới đây là những cách để bạn tránh ảnh hưởng tiêu cực của lối sống HENRY:
- Lập kế hoạch khi có thu nhập mới gia tăng
Nếu bạn đang mong đợi được tăng lương, chuyên gia tài chính cho rằng điều quan trọng là phải xem xét ngân sách và mục tiêu của bạn với thu nhập gia tăng đó. Nhà lập kế hoạch tài chính Brittney Castro nói: "Hãy suy nghĩ trước khi khoản tăng lương đó thực sự đến với tài khoản ngân hàng của bạn, bạn có thể dùng nó vào mục đích gì?". Theo cô, bạn có thể dùng phần thu nhập gia tăng đóng góp vào tài khoản tiết kiệm, quỹ dùng để nghỉ hưu hoặc mang đầu tư.
- Tạo thói quen tốt từ khi còn trẻ
Còn với Gideon Drucker, một trong những biện pháp bảo vệ tốt nhất khỏi lối sống HENRY là xây dựng thói quen tiết kiệm và đầu tư từ khi còn trẻ. Ông nói thêm: "Khi bạn đã xây dựng những thói quen này khi thu nhập thấp thì khi tiền lương gia tăng, bạn sẽ thấy việc bản thân phải tiết kiệm và đầu tư là điều bình thường".
- Hãy trích tiền tiết kiệm ngay khi nhận lương
Các chuyên gia tài chính của Busines Insider khuyên bạn nên chuyển thẳng tiền lương vào tài khoản tiết kiệm vào đầu tháng. Bằng cách này, bạn chỉ còn một mức thu nhập nhất định dành cho chi phí sinh hoạt, từ đó giảm bớt cám dỗ tiêu tiền.