pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thanh Tâm tư vấn
Sống hạnh phúc lâu dài với người chồng 'kẹo kéo'
Yêu nhau lâu, Nguyên phát hiện tính Thanh khá tỉ mỉ, căn cơ. Nếu như những chàng trai trẻ thường hay sĩ diện, huênh hoang thì Thanh lại cực kỳ trầm tính. Mặc dù còn ít tuổi, lại độc thân nhưng Thanh luôn chủ động trong cuộc sống của mình: Ăn gì, tiêu gì đều có kế hoạch rõ ràng. Thanh không bao giờ để lãng phí hay chi tiền vào việc gì vô ích. Những lần đưa bạn gái đi ăn quán, Thanh đều oder đồ ăn rất “gọn gàng”. Nếu đi ăn với nhóm bạn bè, còn thừa nhiều Thanh sẽ không ngại gọi phục vụ gói đồ đem về để tránh lãng phí. Đối với những biểu hiện này của chồng sắp cưới, Nguyên cực kỳ vừa lòng, vừa khéo với tính cách bốc đồng, nông nổi của cô.
Sau đám cưới, Thanh giao hẹn với vợ “từ nay em lo chi phí sinh hoạt, các khoản chi tiêu lặt vặt còn anh sẽ tiết kiệm tiền lương để mua nhà”. Nguyên hoàn toàn nhất trí với chồng. Thanh làm việc ở ngân hàng, lương mấy nghìn đô một tháng cho nên anh đứng ra lo nhà cửa, việc lớn là đúng. Đổi lại Nguyên có thu nhập trên dưới chục triệu, lo sinh hoạt phí cho một gia đình nhỏ cũng nhẹ nhàng
Thế nhưng, điều Nguyên không lường trước được là cô lại sinh liền tù tì 3 đứa con gái. Lũ trẻ sinh ra làm đảo lộn mọi thứ. Những khoản chi tiêu sinh hoạt trước đây tưởng chừng nhẹ nhõm, giờ bỗng trở nên nặng nề. Tháng nào Nguyên cũng phải chạy vạy ngược xuôi để lo tiền điện nước, chợ búa, bỉm sữa, quần áo, tiền học hành của con cái… Thời buổi kinh tế khó khăn, công việc của Nguyên ngày cáng áp lực. Gần đây lương của cô lại giảm xuống. Nhưng cứ mỗi lần hỏi đến tiền bạc là Thanh lại lảng đi.
Bởi vì công việc của Thanh bận phải đi sớm về khuya, hay công tác xa nên mọi việc trong nhà từ đón con, cơm nước, cho con ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp đều đổ lên vai Nguyên hết. Đã nhiều bận Nguyên ngỏ ý muốn thuê một người giúp việc nhưng Thanh vội gạt đi: “Thuê người đâu phải dễ dàng. Mỗi tháng tự nhiên lại phải trả người ta 4-5 triệu đồng, còn nuôi ăn nuôi ở nữa. Mà có thêm người lạ sống trong nhà cũng phiền. Chẳng bằng em cứ đợi thêm mấy năm, con gái lớn rồi chúng sẽ phụ mẹ”. Thanh nghe chồng nói mà uất ức. Đợi 3 con gái lớn thì cô cũng kiệt sức rồi.
Lấy nhau 8 năm nhưng chưa lần nào Nguyên được Thanh tặng bất cứ một món gì. Bao nhiêu năm nay cô vẫn đi làm bằng chiếc xe máy cà tàng, suốt ngày hỏng hóc. Thế nhưng chỉ cần mở miệng là Thanh gắt: “Gớm, xe còn tốt chán. Hỏng thì sửa lại mà đi”. Đến cái bình lọc nước đã hỏng 6 tháng nay, cái bếp gas đã cũ, cô muốn đổi sang nấu bếp từ cho an toàn nhưng nói mỏi mồm chồng cũng không "duyệt" vì sợ tốn.
Đỉnh điểm là hôm vừa rồi, con gái nhỏ của Nguyên bị ốm. Cô muốn đưa con đi bệnh viện nhưng Thanh lại bảo “Đi làm gì cho tốn tiền. Có đem đến đấy thì bác sĩ cũng chỉ giã kháng sinh thôi. Để con ở nhà, giữ gìn cho nó là nó khắc khỏi”. Cuối cùng con bé chuyển từ viêm họng thành viêm phổi. Suýt chút nữa thì Nguyên phải ân hận cả đời. Cô nói với Thanh Tâm “Giờ em hết chịu nổi rồi. Trước còn bảo là anh ấy tiết kiệm tiền để trả nợ mua nhà. Nhưng giờ nhà bọn em đã mua xong. Chồng em vẫn khư khư giữ tiền riêng, vẫn cứ keo kiệt thì em phải làm thế nào để anh ấy thay đổi?”.
Thanh Tâm nghĩ, tiết kiệm là chuyện tốt, nên làm. Nhưng tiết kiệm tới mức nào để hợp lý và không trở thành keo kiệt? Như Thanh từ chối chi tiền để đưa con đi bệnh viện thì đó không còn là tiết kiệm mà là sự thiếu hiểu biết, ích kỷ, vô trách nhiệm với con.
Đối với những người chặt chẽ, căn cơ như Thanh thì người vợ cần phải đưa ra những thỏa thuận nghiêm túc về việc chia sẻ tài chính để lôi kéo anh ta cùng có trách nhiệm với con cái và chia sẻ, gánh vác những gia đình với mình. Mặc dù hiện tại lật lại vấn đề có hơi muộn màng nhưng Nguyên vẫn có quyền đưa ra những lý lẽ ví dụ như: Con cái đông, bọn trẻ đang tuổi ăn tuổi học, những khoản chi tiêu lớn… để yêu cầu Thanh đóng góp. Ngoài ra, Nguyên cũng có thể nhờ những người thân có uy tín trong gia đình tác động, góp ý dần dần với Thanh.
Tuy nhiên, có một thực tại đáng buồn là những người chồng keo kiệt cực kỳ khó thay đổi. Cho nên muốn sống lâu dài với Thanh thì bản thân Nguyên cũng phải xác định: Nếu không muốn cảm thấy khó chịu, ngột ngạt thì bản thân cô phải tự chủ cả trên kinh tế lẫn tinh thần.