Một trong những hệ lụy mà sốt đất gây ra đó là tạo hiệu ứng ngược với giới đầu tư địa ốc, nghĩa là thay vì sẵn sàng bỏ vốn bởi sự hấp dẫn vốn có của thực sự, nhà đầu tư (đặc biệt là nước ngoài) sẽ dè dặt hơn, thậm chí không còn mặn mà đầu tư.
Vân Đồn chưa hạ nhiệt
Dù không còn nóng như thời điểm hơn một năm về trước, song cơn sốt đất ở Vân Đồn (Quảng Ninh) đến nay vẫn chưa thực sự hạ nhiệt.
Còn nhớ, cuối năm 2017, đầu 2018 là thời điểm cơn sốt đất của Vân Đồn được đẩy lên đến đỉnh điểm. Chỉ tính riêng trong năm 2017, UBND huyện Vân Đồn đã tiếp nhận và xử lý hơn 2 nghìn trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, trong đó, đất dự án đầu tư bất động sản là 190 trường hợp, còn lại giao dịch đất thổ cư là 1.814 trường hợp.
Liên tiếp sau đó, trong 4 tháng tính từ đầu năm 2018, huyện này tiếp tục xử lý 562 trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, trong đó có 370 giao dịch đất thổ cư, tập trung tại địa bàn các xã Hạ Long, Đông Xá, Đoàn Kết và Đài Xuyên.
Theo kết quả kiểm tra của huyện Vân Đồn, giá đất trên địa bàn bị “cò” đẩy lên cao hơn rất nhiều. Cụ thể như giá đất ở mặt tỉnh lộ 334 thuộc xã Hạ Long, từ 5 đến 6 triệu tăng lên 15 đến 17 triệu đồng/m2. Hay như khu dân cư trung tâm, đầu đường vào sân bay Vân Đồn, có những thời điểm được rao bán giá trên 30 triệu đồng/m2. Kể cả đến đất rừng tại vị trí thuận lợi lúc trước chỉ có 150 triệu đồng/ha, nhưng đến gần đây tăng lên thành 250 triệu đồng. Cùng với đó, giá đất nông nghiệp đang giao dịch trung bình từ 1,2-1,5 triệu đồng/m2, cũng tăng gấp 2, gấp 3 lần so với trước đây. Không chỉ khu vực trên đất liền, nhiều người còn tìm đến mua đất ở các xã đảo như Quan Lạn, Ngọc Vừng...
Các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các dự án kinh doanh hạ tầng đã được đầu tư nhiều năm nay cũng đang được mua đi, bán lại khá sôi động, có những thời điểm giá đất còn tăng lên theo từng ngày. Điển hình như đất trong khu đô thị Thủy sản Thống Nhất có lúc lên đến 25-27 triệu đồng/m2. Các dự án khu đô thị Ao Tiên, dự án khu đô thị Vương Long, hay dự án khu dân cư đô thị Cái Rồng, cũng được sự “quan tâm” của rất nhiều nhà đầu tư mặc dù giá cả được đẩy lên cao bất thường.
Thực tế, Quảng Ninh đã ấp ủ hơn 20 năm ý tưởng xây dựng Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế. Mọi tính toán, quy hoạch đều được rà soát kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội thông qua. Nhưng cơn sốt đất đặc khu đã làm méo mó đi phần nào tầm nhìn chiến lược, những quy hoạch bị băm nhỏ, giá đất đền bù đang nằm ngưỡng cao.
Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, Vân Đồn đã trở thành một từ khóa gắn liền với “sốt đất”. Hàng nghìn tỷ đồng được giới đầu cơ đổ vào đây không một chút do dự, họ thay nhau làm giá, bơm tiền để biến đất Vân Đồn cao gấp chục lần, thậm chí trăm lần so với giá trị thực. Hàng loạt đất vườn, đất nông nghiệp, đất rừng...đều được phù phép biến thành đất ở. Họ chia năm, xẻ bảy những thửa đất ở vị trí đắc địa để tiện cho việc giao dịch.
Cơn sốt đất lên đến đỉnh điểm khi chính quyền Quảng Ninh phải ra hàng loạt văn bản chỉ đạo để ngăn chặn tình trạng buôn bán đất ở Vân Đồn. Các nhà đầu cơ, nhóm lợi ích đã thổi giá đất Vân Đồn lên cao ngất ngưởng để kiếm lời, xong đâu vào đấy họ lại âm thầm rút đi chóng vánh. Nhưng những hậu quả của nó để lại không hề nhỏ, quy hoạch bị bóp méo, manh mún, giá cả đất đai luôn sốt ảo, nguy cơ vỡ bong bóng nhà đất là trong một sớm một chiều.
Khó hút nhà đầu tư tiềm năng
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng đầu cơ đất đai, thổi giá đất lên cao, tạo giá ảo, thoát ly giá thị trường thực tế, làm xáo trộn thị trường bất động sản trên địa bàn. Hậu quả để lại trước tiên là gây hoang mang cho các nhà đầu tư, không thể nhận biết đâu là giá trị thật.
Bên cạnh đó sẽ gây nhiều xáo trộn, ảnh hưởng, chi phối công tác giải phóng mặt bằng, do phải dựa vào giá đất thị trường để tính toán, áp giá đền bù. Trong khi giá thị trường ảo thì đương nhiên là sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra hệ lụy của việc đầu cơ, thổi giá không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển chung địa phương mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những người dân nhẹ dạ, cả tin bị rơi vào vòng xoáy này.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, trung tuần tháng 3/2019, tỉnh Quảng Ninh đã có những động thái được cho là tương đối mạnh tay với việc mua bán, chuyển nhượng, thổi giá đất khi ban hành văn bản liên quan đến việc thanh tra quản lý, sử dụng đất các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Vân Đồn. Nhưng để hạ nhiệt và ổn định lại môi trường kinh doanh địa ốc ở đây thì có lẽ vẫn còn cần nhiều thời gian.
Một trong những hệ lụy mà sốt đất gây ra đó chính là gây hiệu ứng ngược với nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư tiềm năng có sẵn vốn và muốn đầu tư thực sự. Thay vì mở hầu bao, nhà đầu tư sẽ dè dặt hơn, thậm chí rũ áo ra đi. Nếu như trước đây, Vân Đồn từng được xem là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản ngoại quốc, thì giờ đây nhiều nhà đầu tư đã không còn mấy mặn mà.
“Sốt đất ở một số nơi như Vân Đồn, Đà Nẵng sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại hơn khi có ý tưởng đầu tư vào những địa điểm này. Có thể các nhà đầu tư sẽ cân nhắc hơn, hoặc sẽ đi tìm địa điểm khác để đầu tư, vì không ai muốn đầu tư vào thị trường có tính rủi ro cao”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nói trong một hội thảo giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Anh quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam mới đây.
Tất nhiên, đó không chỉ là ý kiến của riêng một mình nhà đầu tư địa ốc đến từ Anh quốc.