Sốt xuất huyết có lây không? Sốt xuất huyết lây qua đường nào?

Phạm Trang
04/05/2019 - 09:31
Là bệnh nhiễm trùng cấp tính, sốt xuất huyết thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa ẩm và dễ dàng lan rộng trong cộng đồng. Vì vậy, có không ít tranh cãi về vấn đề sốt xuất huyết có lây không, sốt xuất huyết lây qua đường nào. Câu trả lời sẽ có trong bài viết sau đây!

1. Sốt xuất huyết là gì?

Bệnh sốt xuất huyết là loại bệnh gây ra bởi virus Dengue do muỗi Aedes hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm cho. Sốt xuất huyết thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, đặc biệt là từ tháng 7 đến tháng 10. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. Theo tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần được quan tâm.

sốt xuất huyết có lây không

Sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, đặc biệt là các tháng 7,8,9,10. (nguồn: Internet).

Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết:

- Sốt cao đột ngột từ 39 - 40 độ C, sốt kéo dài và khó hạ sốt

- Đau mình, đau đầu dữ dội kèm viêm kết mạc (đau mắt đỏ)

- Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh

- Sau đó xuất huyết từ nhẹ đến nặng. Nếu không được điều trị đúng và kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong.

- Sốt xuất huyết có thể gây ra bởi 1 trong 4 loại virus Dengue gồm: Dengue type 1, Dengue type 2, Dengue type 3 và Dengue type 4.

2. Sốt xuất huyết có lây không?

Muỗi vằn là nguyên nhân chính gây ra bệnh sốt xuất huyết. Thực tế, chỉ khi nào bạn bị muỗi vằn chứa virus Dengue cắn thì bạn mới bị nhiễm bệnh. Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Do đó, chúng ta không cần phải cách ly người bị bệnh sốt xuất huyết.

3. Sốt xuất huyết lây qua đường nào?

Theo thông tin từ bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua 3 đường chính gồm:

3.1. Lây bệnh do bị muỗi vằn có chứa virus Dengue đốt

Đây là con đường chính lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Muỗi vằn (hay còn gọi là muỗi aedes) là trung gian truyền bệnh. Muỗi vằn sau khi hút máu của người mang bệnh mang virus Dengue nhưng không biểu hiện triệu chứng hoặc hút máu của người bệnh sốt xuất huyết, rồi sau đó đốt người khỏe mạnh thì virus sẽ được đưa vào người khỏe mạnh qua vết đốt đó.

sốt xuất huyết lây qua đường nào

Muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. (Nguồn: Internet)

Tham khảo thêm:

- Cách nhận diện muỗi thường và muỗi gây sốt xuất huyết

- Hướng dẫn chăm sóc người bị sốt xuất huyết theo y học hiện đại

Đặc điểm của muỗi vằn (muỗi aedes):

- Muỗi vằn gồm 2 loại, tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes Albopictus. Trong đó loại Albopictus là loại chính gây bệnh sốt xuất huyết.

- Muỗi vằn thường cư trú ở góc tối trong nhà, trong tủ quần áo và các vật dụng trong gia đình

- Muỗi vằn có màu đen, trên thân có những đốm trắng tạo thành các sọc vằn

- Muỗi vằn sinh sản ở những vũng nước đọng như bể nước, ao tù, hồ chứa nước,..

- Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình tháng trên 20 độ. Đó cũng là lý do dịch sốt xuất huyết thường bùng phát vào mùa mưa.

- Cơ chế lây bệnh sốt virus của muỗi vằn như sau: Muỗi vằn cái hút máu của người bệnh hoặc người nhiễm virus ---> virus sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi từ 8 đến 10 ngày ---> sau đó virus di chuyển đến tuyến nước bọt của muỗi ---> lúc này virus sẽ ở lại tuyến nước bọt đến hết thời gian sống còn lại của muỗi và bắt đầu lây lan bệnh cho nhiều người khác.

3.2. Lây truyền qua đường máu

Sốt xuất huyết có thể lây truyền qua đường máu mặc dù đường lây này ít phổ biến hơn đường muỗi đốt.

Virus sẽ lây truyền khi lấy máu của người mang mầm bệnh truyền cho người lành hoặc khi người bệnh và người lành dùng chung bơm kim tiêm.

3.3. Các đường lây truyền ít gặp

- Sốt xuất huyết cũng có thể lây truyền tại bệnh viện: Virus có thể bị lây truyền qua tổn thương niêm mạc, phơi nhiễm với tổn thương do kim tiêm hoặc qua các chế phẩm máu. Người cho máu tuy không có triệu chứng bệnh cũng có thể có virus dengue trong máu.

- Lây truyền dọc: Một số trường hợp có thể lây truyền từ mẹ sang con. Nếu mẹ bầu mắc sốt xuất huyết hoặc mang virus dengue trong máu trong vòng 10 ngày trước khi sinh thì có thể truyền cho con khi sinh. Đã có nhiều trường hợp ghi nhận trẻ sơ sinh từ 4 - 11 ngày tuổi mắc sốt xuất huyết do lây truyền dọc từ mẹ.

4. Phòng tránh sốt xuất huyết

Để phòng tránh sốt xuất huyết cần:

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy: thau rửa dụng cụ chứa nước hàng tuần, đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ trứng vào, thả cá vào bể nước để cá ăn loăng quăng, bọ gậy. Bỏ muối hoặc dầu vào bình hoa, bát nước kê chân chạn

- Phòng chống muỗi đốt: Ngủ trong màn kể cả ban ngày. Dùng hương muỗi, kem đuổi muỗi, bình xịt muỗi để đuổi muỗi. Mặc quần áo dài tay. Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và sở y tế mỗi khi có đợt diệt muỗi.

sốt xuất huyết có lây không

Các gia đình cần tích cực phối hợp với chính quyền và sở y tế để diệt muỗi. (Nguồn ảnh: Internet).

5. Những hiểu lầm về bệnh sốt xuất huyết

5.1. Sốt xuất huyết chỉ bị duy nhất 1 lần?

Virus Dengue có 4 loại là dengue type 1, dengue type 2, dengue type 3 và dengue type 4. Khi một người bị sốt xuất huyết do virus dengue type 1 gây ra, người đó vẫn có nguy cơ bị sốt xuất huyết do các chủng virus type 2, 3, 4 gây ra. Do đó, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người.

5.2. Khi hết sốt nghĩa là bệnh đã khỏi?

Đây là nhận định hoàn toàn sai. Khi hết sốt, cần phải theo dõi sát hơn vì đây là giai đoạn bệnh dễ trở nặng nhất và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

5.3. Truyền dịch, dùng kháng sinh sẽ nhanh hết bệnh?

Sốt xuất huyết là bệnh do virus gây ra nên việc dùng kháng sinh sẽ không đem lại hiệu quả. Nếu truyền dịch quá sớm và không đúng thời điểm sẽ không làm bệnh đỡ hơn mà còn khiến bệnh trở nặng hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm