pnvnonline@phunuvietnam.vn
STEM giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ, hình ảnh, tư duy, sáng tạo
Chị Đinh Thu Hồng đang giảng dạy tại 1 trường thuộc học khu Gwinnett County, Atlanta, Georgia (Mỹ). Ảnh: NVCC
"Ai cũng có cơ hội được tiếp cận"
Cuốn sách "Học STEM kiểu Mỹ tại nhà" được chị Đinh Thu Hồng ra mắt năm 2019 và đến nay, đây vẫn là cuốn sách được nhiều cha mẹ có con học tiểu học tìm kiếm. Không chỉ cung cấp cho người đọc kiến thức tổng thể về STEM, sức hấp dẫn của cuốn sách còn đến từ những thí nghiệm được chị hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu, dễ làm tại nhà, phân bổ theo các chủ đề: STEM tại phòng ăn, phòng ngủ, sân vườn, đi dã ngoại... Các nguyên liệu thí nghiệm đơn giản là quả chanh, màu thực phẩm, chiếc kẹo... nhưng đầy sức cuốn hút các bạn nhỏ khi bắt tay vào thực hành.
"Tôi biết ở Việt Nam, nhiều phụ huynh đang rất quan tâm đến STEM. Nhưng dường như ai cũng nghĩ rằng STEM là thứ gì đó xa xỉ, là lắp ráp, robot... Với tôi, STEM đơn giản và không hề xa vời hay đắt đỏ. Ai cũng có cơ hội được tiếp cận STEM. Tôi muốn phụ huynh hiểu điều đó nên điều này thôi thúc tôi cho ra đời cuốn sách", chị Hồng chia sẻ.
Khi sách đến tay phụ huynh, học sinh, chị Thu Hồng rất vui khi hàng ngày, hàng giờ đều nhận được hình ảnh, clip của phụ huynh gửi về khi học và chơi cùng con. Chị kể, có một phụ huynh chia sẻ, trước đây, người mẹ này chỉ biết học cùng con chứ chưa biết chơi cùng con như thế nào. "Khi tôi động viên bạn ấy làm thí nghiệm với con, giới thiệu các hoạt động trong sách, gửi đường link youtube, hai mẹ con học theo và làm thì mọi thứ thay đổi tuyệt vời. Tôi vui khi cuốn sách đã ảnh hưởng tích cực đến nhiều phụ huynh, không chỉ giúp con cái, cha mẹ học hỏi lẫn nhau mà còn tăng tính gắn kết giữa các thành viên trong gia đình", chị Thu Hồng chia sẻ.
Khuyến khích tư duy sáng tạo và phản biện
Qua nhiều năm giảng dạy STEM tại Mỹ, với chị Đinh Thu Hồng, STEM không hề khô khan, hay khó hấp dẫn nữ hơn nam, thậm chí ngược lại. Chị Hồng cho biết, ở trường chị dạy, có nhiều học sinh nữ tìm hiểu về robot, mơ ước được làm lập trình viên, theo học các ngành nghề liên quan STEM. Tại các trại hè STEM, tỷ lệ nam và nữ tham gia là ngang nhau. "Nam nữ đều có cơ hội bình đẳng khi được tiếp cận với môn học này. Vấn đề về giới tính chỉ là khác biệt trong cách tiếp cận bộ môn. Đơn cử, bé gái học STEM khả năng ngôn ngữ, tư duy sáng tạo, hình ảnh, khả năng phân tích sẽ rất khác và tích cực", chị Hồng cho biết.
"STEM là phương pháp giáo dục dành cho tất cả mọi người, mọi đối tượng học trò. Dù đó là học sinh khuyết tật hay không biết tiếng Anh, hay chưa biết đọc mà chỉ biết vẽ. Mọi em nhỏ đều cần được tiếp xúc với chiến lược giảng dạy STEM, cần được trang bị kỹ năng và nguồn lực. STEM sẽ có từng bước để thực hiện theo".
Chị Đinh Thu Hồng, giáo viên dạy STEM
Đặc biệt, làm trải nghiệm STEM không giống như làm Toán bởi không có đáp án chính xác. Với STEM, mỗi người có một sản phẩm khác nhau. STEM khuyến khích tư duy sáng tạo và phản biện. Cả quá trình thực hành để ra sản phẩm cuối cùng giúp học sinh học hỏi nhiều từ nhau: Giao tiếp, trình bày ý kiến, sáng tạo, tư duy...
Chị Thu Hồng mong muốn, cha mẹ hãy cố gắng sắp xếp thời gian để học và chơi cùng con tại nhà dù chỉ với vài hoạt động STEM nhỏ và đơn giản. Bởi đây sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ của con, giúp con hiểu hơn về thế giới xung quanh và gắn kết hơn với cha mẹ. Chơi cùng con cũng là cách để cha mẹ quan sát, từ đó hiểu và đồng hành cùng con trong mỗi giai đoạn trưởng thành của con.
Chị Thu Hồng cho biết chị sẽ tiếp tục dồn tâm huyết cho việc giảng dạy. Với việc viết sách, chị đang hoàn thiện cuốn sách về giáo dục cảm xúc xã hội cho trẻ. Đây cũng là bộ môn mà giáo dục Mỹ đang rất quan tâm, đưa vào giảng dạy ở nhà trường. Chị Hồng mong muốn cuốn sách mới sẽ tiếp tục được phụ huynh Việt Nam đón nhận.