Stent siêu nhỏ 'kết liễu' bệnh tăng nhãn áp

25/03/2019 - 16:25
Một loại stent (giá đỡ) siêu nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường có khả năng mở ra một trang mới cho những người mắc bệnh tăng nhãn áp và giúp họ thoát khỏi nguy cơ bị mù vĩnh viễn.

Tăng nhãn áp đe dọa thị lực

Ở Anh, bệnh tăng nhãn áp ảnh hưởng đến ít nhất 600.000 người và là nguyên nhân của 10% các trường hợp bị mù. Các dấu hiệu của tình trạng này sẽ bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 40-50, mặc dù đại đa số trường hợp không phát hiện bệnh ở giai đoạn này.

Ở độ tuổi 75 trở lên, tỷ lệ người mắc tăng nhãn áp sẽ tăng lên 1/10. Với dân số đang có xu hướng già đi, số người bị ảnh hưởng bởi bệnh tăng nhãn áp dự kiến sẽ tăng cao trong vài năm tới.

Với một đôi mắt khỏe mạnh, chất lỏng chứa các chất dinh dưỡng quan trọng chảy qua mắt để nuôi dưỡng các cấu trúc khác nhau bên trong mắt và sau đó chảy ra ngoài một cách tự nhiên. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh tăng nhãn áp, các "kênh thoát nước" ở mắt bị tắc nghẽn và chất lỏng dần tích tụ, đè vào dây thần kinh thị giác. Ban đầu, nó sẽ làm giảm tầm nhìn, sau đó gây mù vĩnh viễn.

Bệnh tăng nhãn áp có thể do di truyền nhưng cũng có thể gây ra bởi chấn thương mắt hoặc viêm. Lão hóa cũng là một yếu tố chính dẫn đến tăng nhãn áp. Việc kiểm tra mắt thường xuyên rất quan trọng để phát hiện bệnh.

Bệnh nhân tăng nhãn áp thường được sử dụng thuốc nhỏ mắt, giúp thải chất lỏng dư thừa ra khỏi mắt hoặc phẫu thuật laser để tăng tiết dịch trong các trường hợp nghiêm trọng hơn.

Stent siêu nhỏ giảm nhãn áp tức thì

Trong khi phẫu thuật laser là một thủ tục khá phức tạp và không phải bệnh nhân nào cũng áp dụng được thì i-Stent có thể là một giải pháp thay thế đơn giản và có tác dụng lâu dài hơn.

stent-sieu-nho-ket-lieu-benh-tang-nhan-ap-2.jpg
stent-sieu-nho-ket-lieu-benh-tang-nhan-ap-1.jpg
I-stent siêu nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy

 

Là một ống kim loại rỗng làm từ titan, chỉ lớn hơn hạt cát một chút và nhỏ hơn hạt gạo 10 lần, i-Stent có giá 900 bảng (khoảng 27,5 triệu đồng) là thiết bị cấy y tế nhỏ nhất thế giới. Các bác sĩ chỉ mất chưa đầy 30 phút để cấy stent siêu nhỏ này vào mắt bằng kính hiển vi công suất cao.

Nó thường được thực hiện cùng lúc với bệnh nhân phẫu thuật đục thủy tinh thể. Khi các bác sĩ đã gây tê khu vực mắt, họ sẽ rạch một đường nhỏ ở một góc mắt, sử dụng một cây kim siêu mỏng để tiêm một i-Stent vào kênh Schlemm - một kênh thoát nước nhỏ ở phía trước nhãn cầu. Quá trình này được lặp lại ở mắt bên kia.

Khi được đưa vào vị trí, stent siêu nhỏ sẽ hút hết chất lỏng có hại tích tụ trong nhãn cầu gây áp lực lên dây thần kinh thị giác và có khả năng gây mất thị lực không thể hồi phục.

Hiện thiết bị đang chờ được cơ quan giám sát chi tiêu NHS, Viện Sức khỏe và Chăm sóc Sức khỏe (NICE) phê duyệt.

Các bác sĩ phẫu thuật mắt hy vọng quá trình cấy i-Stent này có thể tạo ra một cuộc cách mạng hóa việc điều trị bệnh tăng nhãn áp. “Hiện đây vẫn chỉ là những ngày đầu nhưng đến nay chúng tôi đã thu được kết quả rất tốt. Tôi đã thực hiện khoảng 100 trường hợp và 60-70% đều thấy nhãn áp giảm đáng kể”, chuyên gia tư vấn nhãn khoa và chuyên gia về bệnh tăng nhãn áp Madhu Nagar, người tiên phong sử dụng i-Stent tại Bệnh viện Mid Yorks NHS Trust (Anh) cho biết.

stent-sieu-nho-ket-lieu-benh-tang-nhan-ap.jpg
Stent siêu nhỏ được cấy ghép chỉ trong vòng 30 phút

Bác sĩ Nagar cho biết, i-Stent không bị cơ thể đào thải và có thể tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể, nhỏ đến mức bệnh nhân không thể cảm nhận chúng trong mắt. Sau cấy ghép stent, một số bệnh nhân cho biết họ không bao giờ cần phải nhỏ thuốc mắt nữa và nhiều người khác thì giảm tần suất nhỏ thuốc mắt đáng kể.

Kỹ sư đã nghỉ hưu Ronald Bretherton (88 tuổi, đến từ Wakefield, West Yorkshire, Anh) là một trong những bệnh nhân mắc bệnh tăng nhãn áp đầu tiên ở Anh được cấy stent siêu nhỏ.

Các bác sĩ đã cảnh báo ông Ronald rằng thuốc đã không còn tác dụng với bệnh tăng nhãn áp của ông. “Tôi được chẩn đoán mắc bệnh tăng nhãn áp gần 20 năm trước và phải dùng thuốc 2 lần/ngày. Nhưng khi các bác sĩ nói chỉ số nhãn áp của tôi vẫn tăng lên và thuốc nhỏ mắt không còn hoạt động, tôi biết tôi có nguy cơ bị mù. Điều này thật sự đáng lo ngại vì tôi thường xuyên phải lái xe”.

Vào tháng 2/2018, ông Ronald đã cấy stent cho một bên mắt tại Bệnh viện Pontefract cùng lúc với phẫu thuật đục thủy tinh thể và cấy mắt còn lại vài tháng sau đó.

Sau cấy i-Stent, nhãn áp của ông Ronald thực sự đã ổn định. Bệnh tăng nhãn áp của ông không còn phát triển nữa và ông vẫn có thể lái xe bình thường. “Tôi vẫn phải nhỏ thuốc mắt trong vài tuần cho đến khi stent hoạt động hoàn toàn nhưng tôi đã ngừng uống thuốc kể từ sau khi cấy stent”, ông Ronald chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm