Sự cố nhớ đời của MC Thành Trung: Đi dẫn quên quần

Anne
05/11/2020 - 13:00
Sự cố nhớ đời của MC Thành Trung: Đi dẫn quên quần
Không chỉ kể kỷ niệm đáng nhớ, nam MC còn tâm sự cát-xê đầu tiên trong nghề của anh, chỉ... 30 nghìn.

Mới đây, MC Thành Trung chính thức đảm nhận vị trí dẫn chương trình show truyền hình Cơ hội cho ai mùa 2 trên VTV3 thay nhà báo kỳ cựu Lại Văn Sâm. Nam MC sinh năm 1983 còn tự nhận mình có số là "Ông hoàng mùa 2" bởi lẽ ở nhiều chương trình nổi tiếng, anh dường như không có duyên được tin tưởng là người dẫn chương trình ngay từ mùa đầu tiên nhưng lại trở thành người thay thế ở mùa 2 như Đừng để tiền rơi, Sasuke, Quý ông đại chiến, The Remix, X-Factor...

Cũng tại buổi công bố phát sóng chương trình lần này, Thành Trung đã thổ lộ nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong nghề, cả những sự cố, số tiền cát-xê đầu tiên, sự chuyển mình từ một vận động viên, diễn viên tới MC, cũng như những kinh nghiệm quý báu trong suốt quá trình làm nghề.

MC Thành Trung ở chương trình mới.

Từ võ thuật đến anh chàng tiếp thị chè và cát-xê đầu tiên ở Gặp nhau cuối tuần

 - Thành Trung từng là một vận động viên Karate Quốc gia, sau đó bén duyên với nghề diễn viên rồi là MC? Trải qua nhiều công việc như thế, đâu là sở thích và đâu là đam mê của anh?

Bản thân tôi có rất nhiều sở thích và đam mê. Với tôi, sở thích và đam mê để giúp chúng ta cân bằng cuộc sống và khả năng thực sự của chúng ta là khác nhau. Đến lúc này, tôi cảm thấy may mắn vì lựa chọn những công việc ở thời điểm thích hợp với khả năng của mình. Những đam mê tôi vẫn giữ để cân bằng cuộc sống. Nhưng sẽ rất may cho ai đó nếu đam mê và khả năng là một, để rồi chúng ta được làm những việc thành công và yêu thích.

Song cuộc sống không phải ai cũng may mắn như vậy. Tôi muốn khuyên các bạn hãy có tầm nhìn của  mình trong cuộc sống và trong công việc. Và hãy đánh giá đúng khả năng của mình để lựa chọn sao cho phù hợp. Đừng viễn vông, đừng mơ ước quá xa vời. Hãy nỗ lực mỗi ngày và sự nỗ lực đó sẽ tạo ra cơ hội. 

- Công việc đầu tiên của MC Thành Trung là gì?

Công việc đầu tiên của tôi là võ thuật. Vì thi đấu cho công an nhân nhân sẽ có lương. Công việc tiếp theo là đạo diễn, viết kịch bản và diễn vai quần chúng khi tôi chưa đi học chuyên nghiệp. Từ những năm 1999 đến 2002, tôi thường được các đơn vị mời viết kịch bản, đạo diễn, các tiểu phẩm liên quan đến doanh nghiệp. Sau này, một công việc khác tôi từng làm được vài tháng, đó là tiếp thị chè.

Trước khi nổi tiếng và có được thu nhập tốt như hiện tại, Thành Trung từng theo nghề võ thuật và đi tiếp thị chè.

Phải nói là tôi kiếm tiền từ rất sớm. Tôi trân trọng đồng tiền, nhưng không yêu nó. Khi người ta yêu cái gì, người ta sẽ không muốn chia sẻ nó cho ai cả. Vì thế, tôi trân trọng đồng tiền để sử dụng đúng cách. 

- Mức thu nhập đầu tiên của anh ra sao?

Tôi dẫn chương trình đầu tiên cho một quán café ca nhạc vào buổi tối được 30 nghìn vào khoảng năm 2003. Tôi nhận được tiền viết kịch bản, đạo diễn và diễn viên luôn cho một tổ chức được khoảng  hơn 700 nghìn. Tiếp thị chè thì tôi nhận được khoảng hơn 300 nghìn.

Sau khi đi học chuyên nghiệp, được diễn một vai nhỏ trong Gặp nhau cuối tuần thì nhận được khoảng 150 nghìn. 

Kỷ niệm đáng nhớ khi đi dẫn quên quần

- Cột mốc nào đánh dấu sự nghiệp của Thành Trung từ một diễn viên hài sang làm MC?

Năm 2007 khi Gặp nhau cuối tuần khép lại và sân chơi cho các diễn viên hài ngoài Bắc gần như là không còn nữa. Bản thân là một diễn viên trẻ chỉ mới khẳng định mình thôi chứ chưa có chỗ đứng, thì tôi phải tự tìm hướng đi mới cho mình.

Lúc đó diễn viên hài vẫn sống được. Nhưng rõ ràng là nhìn thấy nó không có tương lai. Năm 2007, nhưng MC xuất sắc thì có rồi, nhưng số lượng thì chưa nhiều, cơ hội lúc đó rộng mở, nên tôi quyết định rẽ đi. Sau 10 năm, vào năm 2017, tôi đã nhận giải Người dẫn chương trình đầu tiên của VTV. Và đến năm 2019 nhận giải thứ 2. Đến lúc này, tôi là người duy nhất nhận 2 giải Người dẫn chương trình của năm

Dù tự nhận "không có duyên được tin tưởng ngay từ mùa đầu" nhưng Thành Trung không để xảy ra nhiều sự cố trong nghề nghiệp.

- Hiện tại trong lòng anh còn “lửa” với nghề diễn hay không?

Có chứ. Nhưng tôi là một người hiểu rõ chính mình. Tôi làm bất cứ việc gì, từ nghệ thuật hay thể thao, tôi chưa bao giờ coi đó là toàn bộ cuộc sống của mình, mà chỉ là một phần cuộc sống. Chúng ta sống phải có công việc, nhưng chúng ta đừng coi công việc là cuộc sống. Thế nên tôi tập trung cho một việc để cân bằng cuộc sống, rồi hãy đam mê.

Có nhiều nghệ sĩ họ làm rất nhiều việc bởi vì họ coi nghệ thuật là cuộc sống, nên đôi khi họ hy sinh một số thứ trong cuộc đời của mình. Còn đối với tôi, tôi yêu nghệ thuật, nhưng đó chỉ là một phần cuộc sống của tôi. 

- Anh có thể kể kỷ niệm niệm đáng nhớ trong sự nghiệp làm MC của mình khi đi dẫn?

Trên truyền hình thì tôi không có. Còn trong một lần khi tôi dẫn sự kiện cho một doanh nghiệp ở Thanh Hóa, thì vì buổi sáng đi sớm nên đến nơi mới phát hiện ra chỉ mang áo mà không mang theo quần. Rất may bởi sự chia sẻ của khách hàng.

Anh giám đốc bán hàng sẵn sàng nhường quần cho tôi. Cũng rất may là tôi cũng đã kịp mua ở trung tâm thương mại một cái quần. Tất nhiên nó không hợp với áo vest lắm, nó cứ dài lùng thùng nhưng nó cũng là cái quần để mình thích nghi ngay lúc đấy. Đó là một kỷ niệm rất đáng nhớ.

Thái độ của MC Lại Văn Sâm khi Thành Trung "xin phép thay anh"

- Lý do vì sao Thành Trung nhận lời tham gia dẫn Cơ hội cho ai mùa này?

Lý do thì đơn giản thôi, vì tôi thấy chương trình hay và có ý nghĩa xã hội. Trong thời kỳ dịch bệnh như thế này, công việc là một điều quá cần cho tất cả mọi người. Bản thân tôi cũng muốn có một màu sắc mới, trong số rất nhiều chương trình đã từng làm trong nhiều năm sau. Đây là màu sắc chương trình tôi chưa từng thử sức bao giờ. Nhận lời mời tôi đồng ý ngay, không suy nghĩ nhiều vì chương trình xứng đáng. 

- Anh nhận thấy điểm mới của mình so với nhà báo Lại Văn Sâm là gì?

Đối với nhà báo Lại Văn Sâm, tôi nhiều lần thay anh ở nhiều chương trình, khi anh Sâm có vấn đề về sức khỏe hoặc không sắp xếp được công việc. Thành Trung có duyên được thay anh trong 3 chương trình Sasuke, Quý ông đại chiến và giờ là Cơ hội cho ai. Phải nói là làm thay anh Sâm chưa bao giờ là một áp lực nhỏ cả, vì sự tài năng và yêu mến mà khán giả dành cho anh Sâm. Anh Sâm là người có chiều sâu về kiến thức và luôn được khán giả chờ đợi.

Nhà báo Lại Văn Sâm ở mùa 1.

Bản thân tôi cũng có một số lợi thế nhất định. Bản thân Thành Trung luôn hướng tới màu sắc của mình, là một người dẫn chương trình có thể đa dạng nhiều hình thức khác nhau. Đến lúc này tôi có thể tự hào là thiếu nhi cũng đã làm rồi, các chương trình giải trí, âm nhạc, thể thao, vận động... dường như không thiếu một màu sắc gì trong hành trình hơn 10 năm dẫn chương trình của mình. 

Với show lần này, tôi có sức trẻ, có những trải nghiệm gần thời hơn đối với ứng viên trong chương trình. Tôi đã làm nhiều công việc khác nhau, nên tôi có kiến thức ở nhiều ngành nghề khác nhau, tôi hiểu việc tìm kiếm cơ hội việc làm vất vả thế nào, nên tôi có sự đồng cảm nhất định với các bạn ấy. Đó là những điều tôi thấy có sự khác biệt với anh Sâm.

- Anh có “xin phép” nhà báo Lại Văn Sâm chưa?

Tôi có xin phép anh Sâm khi quay một chương trình khác. Tôi nói “Cho em xin phép thay anh”. Anh Sâm động viên “Cố gắng nhé, chương trình hay đấy, chỉ do anh không sắp xếp được thời gian và có vấn đề về sức khỏe nên không thể tham gia được”. Bản thân tôi hay được anh Sâm động viên. Đó là một niềm tự hào cho bất cứ ai theo đuổi công việc dẫn chương trình này.

Thành Trung và các "Sếp" của chương trình vui vẻ chụp với nhau ngoài đời.

- Thành Trung có lo ngại bị so sánh?

Việc so sánh là không thể tránh khỏi. Bởi vì người dẫn chương trình truyền hình nào cũng có một lượng khán giả của riêng mình. Vậy thì việc của mình là làm vừa lòng những người yêu thích mình và cố gắng thuyết phục thêm những người chưa yêu mến mình, chưa tin tưởng mình ở vai trò mới. Đó là thử thách. Mà nếu cuộc sống này mà không có thử thách thì chẳng còn ý nghĩa gì.

Có rất nhiều nghệ sĩ làm 2-3 chương trình cùng một màu sắc nhưng Thành Trung thì không bao giờ nhận lời làm những chương trình cùng một màu sắc giống nhau trong cùng một thời điểm. Ít ra đến thời điểm này, những người làm việc với Thành Trung trong quá trình ghi hình như anh em quay phim, đạo diễn, ê-kíp đến các "sếp" nhiều lần bất ngờ về mình. Tôi vui vì đó là những người có chuyên môn nhìn nhận mình, còn khán giả nhìn nhận mình thế nào thì còn phải chờ biên tập dựng lên và hiệu ứng của chương trình như thế nào, chưa thể nói trước.

Nam MC mất ngủ, về khoe "Sướng vợ ạ" khi được những người có chuyên môn khen.

Song đến lúc này, Thành Trung rất ấm lòng vì được khen thật chứ không phải "khen đểu". Đôi khi mất ngủ mấy đêm về kể với vợ, bảo: "Sướng vợ ạ!" Khán giả khen chê có khi do yêu - ghét. Nhưng những người có trình độ khen chê mình thì cảm thấy tự hào lắm! Hi vọng khi lên hình, khán giả nhìn nhận một Thành Trung rất là mới, khác với những gì trước đây mọi người nhìn nhận về mình.

Trong buổi công bố mùa 2, show truyền hình Cơ hội cho ai cũng vừa chính thức trở thành chương trình truyền hình thực tế đầu tiên được xác lập kỷ lục Việt Nam: "Chương trình đầu tiên và duy nhất trên truyền hình mang lại việc làm và công khai mức lương cho người lao động".

Mùa 2 của chương trình, ghế nóng gồm sự hiện diện của các "Sếp" quyền lực gồm: Sếp Dương Long Thành, Sếp Nguyễn Thanh Quyền, Sếp Lê Đức Thuấn, Sếp Nguyễn Tuấn Lương, Sếp Lưu Nga, Sếp Lê Trí Thông (anh trai ruột của bà Lê Diệp Kiều Trang  – cựu CEO Facebook Việt Nam), Sếp Hoàng Nam Tiến, Sếp Vũ Minh Trí, Sếp Ngô Hoàng Gia Khánh.

Mùa 2 phát sóng trên kênh VTV3 – Đài truyền hình Việt Nam, vào 12h trưa thứ Bảy hàng tuần từ ngày 7/11/2020.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm