Sự dịch chuyển gia đình từ truyền thống sang hiện đại

Nhật Lam
18/06/2021 - 07:00
Sự dịch chuyển gia đình từ truyền thống sang hiện đại

Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập và giao lưu văn hóa, làm xuất hiện những quan điểm cởi mở hơn về hôn nhân và gia đình ở Việt Nam. PGS.TS Trần Thị Minh Thi đã đề xuất một số giải pháp để giúp gia đình phát triển đúng định hướng là hạt nhân của phát triển kinh tế-xã hội.
Bình đẳng là một xu hướng hiện đại

Quá trình nghiên cứu của bà cho thấy, người dân Việt Nam vẫn coi gia đình là giá trị quan trọng hàng đầu trong cuộc sống. Sau đó là sức khỏe, việc làm, thu nhập, bạn bè, học vấn, thời gian giải trí, địa vị, tín ngưỡng tôn giáo và chính trị... Cùng với đó, một số giá trị về gia đình mang tính truyền thống vẫn được gìn giữ và duy trì đến nay.

Theo PGS.TS Minh Thi, cho đến hiện tại, giá trị chung thủy là giá trị rất được coi trọng trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được người dân đánh giá cao nhất. Sau đó là các giá trị về tình yêu thương, bình đẳng, có con, chia sẻ việc nhà, hòa hợp, có thu nhập.

Đặc biệt, nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Minh Thi cho thấy, bình đẳng là một giá trị của xã hội hiện đại. Đa số người dân đánh giá khá cao tầm quan trọng của bình đẳng, cho thấy gia đình Việt Nam đang thích ứng với sự thay đổi của xã hội hiện đại, ủng hộ bình đẳng giới trong quan hệ vợ chồng. Cùng với đó là những thay đổi trong quan niệm về việc sống chung hoặc riêng trong gia đình. Sự xuất hiện các nhân tố mới như: Di cư lao động, tôn trọng tự do cá nhân, sự độc lập về kinh tế giữa bố mẹ và con cái trong đời sống gia đình hiện đại cũng góp phần làm chuyển dịch từ gia đình lớn, nhiều thế hệ (ông bà - cha mẹ - con cháu) sang gia đình nhỏ (1 hoặc 2 thế hệ).

Sự dịch chuyển từ truyền thống sang hiện đại và xu hướng gia đình mới - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Thị Minh Thi phát biểu tại Hội thảo

Một thay đổi của gia đình hiện đại mang tính tích cực, theo bà Minh Thi, là trách nhiệm, sự chia sẻ trong đời sống gia đình, chia sẻ những mối quan tâm, lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của các thành viên trong gia đình. Các gia đình có mức độ hiện đại hóa càng cao, mang nhiều đặc điểm hiện đại, như sống ở đô thị, có việc làm, có học vấn cao, mức sống cao, các khu vực kinh tế phát triển hơn thì các giá trị chia sẻ và trân trọng càng được các cặp vợ chồng thể hiện rõ.

Tuy nhiên, gia đình hiện đại còn tồn tại một số hạn chế. Theo PGS.TS Minh Thi, dù đề cao bình đẳng giới song thực tế, người phụ nữ vẫn chưa bình đẳng thực sự với nam giới. Điều này thể hiện trong tỷ lệ phụ nữ được người chồng chia sẻ, lắng nghe tâm tư và suy nghĩ. Bên cạnh đó, gia đình hiện đại đang có xu hướng suy giảm tính tập thể, tính cộng đồng - khác biệt lớn so với gia đình truyền thống. "Ở một chừng mực nhất định, những giá trị truyền thống về tình làng nghĩa xóm vẫn được duy trì. Điều này cho thấy tính liên tục của các giá trị văn hóa. Nhưng cũng đã có những biểu hiện mới ở thế hệ trẻ về thái độ đối với quan hệ tình cảm và quan hệ vật chất giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Nhiều thanh niên gắn khía cạnh kinh tế với khía cạnh tình cảm, hạnh phúc gia đình. Họ cho rằng không thể có hạnh phúc nếu khó khăn về kinh tế", bà Thi nhìn nhận.

(còn nữa)

                 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm