Sự nghiệp 'vật vã’ của nữ văn sĩ nổi tiếng xứ Hàn

19/09/2016 - 20:45
sun là một tiểu thuyết gia và nhà thơ nữ Hàn Quốc nổi tiếng những năm đầu thế kỷ XX.

Đầu thế kỷ XX, mặc dù tên tuổi những nữ nhà văn như Kim Myeong-sun, Na Hye-seok hay Kim Il-yeop đã xuất hiện với các tác phẩm đầu tay nhưng trên văn đàn, nói đến tiểu thuyết cận đại đầu tiên của Hàn Quốc người ta vẫn chỉ biết đến nam tiểu thuyết gia Yi Gwang-su. Các nữ tác giả kể trên đa phần đều bị gạt bỏ hay lãng quên trong lịch sử văn học. Chính vì vậy, việc tìm hiểu về cuộc đời  nữ sĩ Kim Myeong-sun - người đặt nền móng cho lịch sử văn học của phụ nữ Hàn Quốc thời kỳ này là hết sức cần thiết.

Kim Myeong-sun sinh năm ngày 20/1/1896 tại Pyeongyang (Bình Nhưỡng). Bà sinh cùng năm sinh với Na Hye-seok và Kim Il-yeop nên thường được coi là bộ ba tiêu biểu cho thế hệ phụ nữ hiện đại đầu tiên của Hàn Quốc.

Cha của Kim Myeong-sun tên là Kim Hee-gyeong, bấy giờ nổi tiếng giàu có nhất vùng. Tuy nhiên, do mẹ bà vốn xuất thân là kĩ nữ và chỉ làm thiếp nên mặc dù thông minh từ nhỏ và viết văn rất hay nhưng trong lòng bà vẫn luôn mặc cảm về thân phận của mình.

Năm 1903, Kim Myeong-sun vào học trường Namsanhyeon ở Pyeongyang. Năm 1905, bà qua học ở một trường Cơ Đốc giáo rồi sau đó mới vào học trường nữ sinh Jinmyeong ở Gyeongseong (Seoul ngày nay). Vốn là người giỏi chữ nghĩa, thuở đi học, bà đã phát huy được nhiều tài năng, từng làm nhiều bài thơ yêu nước. 

anh-dai-dien.jpg
 Chân dung nữ văn sĩ Kim Myeong-sun

Năm 1913, bà tốt nghiệp đứng thứ nhì khóa học phổ thông tại trường nữ sinh Jinmyeong. Sau đó bà sang Nhật Bản du học, tiếp cận với văn học và nhiều kiến thức mới mẻ. Năm 1915, bà trở về nước, tiếp tục học tại trường nữ sinh Sookmyung. Sau khi tốt nghiệp vào tháng 3/1917, bà đã bắt đầu những bước đi đầu tiên trên con đường trở thành văn nhân.

Lúc bấy giờ, Kim Myeong-sun là một trong số hiếm các lưu học sinh người Hàn là nữ giới. Bà đã ý thức sâu sắc được về vấn đề giải phóng phụ nữ và phủ định quan điểm hôn nhân truyền thống. Năm 1917, khi tạp chí Thanh xuân của nhà sử học, nhà văn Choi Nam-seon tổ chức thi và trao giải bình chọn cho các tác phẩm tiểu thuyết bà đã đăng ký tham gia với tác phẩm Cô gái của sự nghi ngờ. Đây là một tác phẩm có nội dung về mối quan hệ nam nữ mang tính truyền thống và kết cục bi thảm nảy sinh từ việc kết hôn của người phụ nữ. Sau khi đọc tác phẩm, giám khảo cuộc thi là hai nhà văn nổi tiếng Yi Gwang-su và Choi Nam-seon đều đã phải hết lời khen ngợi trao cho bà giải nhì.

Kim Myeong-sun đã ra mắt diễn đàn văn học bằng một thành công rực rỡ. Sau đó bà lại tiếp tục sang Nhật, năm 1919 nhập học vào trường cao đẳng nữ sinh Tokyo để tăng cường vốn kiến thức cho mình. Đồng thời, bà cũng tham gia vào hội lưu học sinh người Joseon và tại đây bà đã gặp được nhà văn Jeon Young-taek.

Nhờ sự giới thiệu của nhà văn này, bà đã tham gia vào hội tác giả của tạp chí mang tên Sáng tạo, chính thức bước vào hoạt động sáng tác. Với hàng loạt bút danh như Vọng Dương Thảo, Mang Dương Thảo, Đạn Thực, Vọng Dương Sinh... bà đã công bố nhiều tác phẩm văn học đa dạng về thể loại như thơ, tiểu thuyết, tùy bút, bình luận văn học, kịch...

Bên cạnh việc tạo dựng con đường văn học riêng cho mình, nữ sĩ cũng rất tích cực tham gia vào nhiều hoạt động khác như làm việc tại tòa báo Maeil Shinbo, tham gia làm phim…

Tháng 2/1920, Kim Myeong-sun tham gia vào nhóm chấp bút cho tạp chí Phụ nữ mới do nữ văn sĩ Kim Il-yeop phát hành, đồng thời bà cũng hoạt động như một thành viên của tạp chí Phế Khư, một tạp chí dành cho những người yêu thích văn nghệ Hàn Quốc.

Có thể đánh giá Kim Myeong-sun chính là người đã tạo nên bước khởi đầu cho sáng tác văn học hiện đại của nữ giới Hàn Quốc. Bà đã viết trên 170 tác phẩm, trở thành nữ tác giả đầu tiên xuất bản tuyển tập riêng cho mình, đồng thời cũng là người đầu tiên trong giới văn học Hàn Quốc giới thiệu và dịch tác phẩm của nhà văn Mỹ Edgar Allan Poe.

Mặc dù vậy, cho tới thời điểm bấy giờ vẫn chưa có những đánh giá đúng đắn dành cho tác phẩm văn học của bà. Dường như thất vọng bởi những nỗ lực của bản thân không được ghi nhận, Kim Myeong-sun không còn viết lách gì nữa. Bà quay trở lại Nhật Bản và rời khỏi văn đàn kể từ sau khi công bố tác phẩm thơ Đêm cuối tháng trên tạp chí Tam Thiên Lí" số 1 năm 1939.

Giai đoạn về sau, Kim Myeong-sun đã trải qua cuộc sống rất khổ cực bởi đói nghèo và căn bệnh tâm thần. Ngày 22/6/1951, bà qua đời tại Nhật Bản mà trong nước không ai biết đến. Mãi tới tận những năm 1980 mới xuất hiện một số hoạt động nhằm tìm hiểu, đánh giá lại về vị nữ sĩ tài ba này. Tuy nhiên, có lẽ việc tiếp cận bà thông qua nhiều tác phẩm đa dạng về thể loại với tình yêu và tình cảm dân tộc trong thơ, cuộc sống khổ đau phiền muộn của người phụ nữ trong tiểu thuyết hay những lời giãi bày thẳng thắn về chính cuộc đời tác giả trong tùy bút... sẽ vẫn tiếp tục còn là phần việc của các thế hệ về sau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm