pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sự thật đằng sau bức ảnh anh trai cõng em đã mất - nguyên mẫu phim "Mộ đom đóm"
“Mộ đom đóm” (Graves Of Fireflies) là tác phẩm hoạt hình lừng danh của Nhật Bản. Ra mắt từ năm 1988, đây là một bộ phim bi thảm kể về một cậu bé và em gái của mình đấu tranh để sinh tồn ở Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Hàng triệu khán giả khắp châu Á đã phải rơi nước mắt khi xem “Mộ đom đóm” vì nỗi đau chiến tranh gây ra trên những kiếp người nhỏ bé.
Cốt truyện chính của phim xoay quanh hai anh em mồ côi mẹ trong Thế chiến thứ 2 tại Nhật. Người cha nhập ngũ, chưa biết sống chết ở tiền phương, còn hai anh em phải chật vật kiếm sống trong cảnh nghèo túng và sự nhẫn tâm của người dì. Sau đó, hai anh em cõng nhau đến sống ở hầm trú bom, rồi đứa em gái chết vì đói và bệnh, còn người anh nhận được tin cha mình đã chết ở chiến trường. Sau cùng, cậu bé cũng chết gục ở một nhà ga khi Nhật đầu hàng quân Mỹ.
Ít ai biết rằng câu chuyện anh trai cõng em gái đi khắp nơi trong nguyên tác phim được truyền cảm hứng từ một tác phẩm nhiếp ảnh ngoài đời thực của một nhiếp ảnh gia người Mỹ - người đứng bên kia chiến tuyến.
Joe O'Donnell, người chụp bức ảnh này ở Nagasaki, được quân đội Hoa Kỳ cử đến để ghi lại những thiệt hại gây ra cho đất nước Nhật Bản do các cuộc không kích bằng bom lửa và bom nguyên tử thảm khốc.
Trong 7 tháng tiếp theo, bắt đầu từ tháng 9 năm 1945, ông đi khắp miền Tây Nhật Bản để ghi lại sự tàn phá, tiết lộ hoàn cảnh khó khăn của các nạn nhân bao gồm người chết, người bị thương, người vô gia cư và trẻ mồ côi. Hình ảnh đau khổ của con người đã khắc sâu vào trái tim ông.
Trong ảnh, cậu bé đứng thẳng, hoàn thành nghĩa vụ đưa người em trai đã khuất của mình về nơi hỏa táng. Nhìn cậu bé cõng em trên lưng, mím chặt môi, cố gắng tỏ ra dũng cảm thật đau lòng. Ông đã thể hiện tinh thần của một dân tộc bại trận.
Nhiều năm sau Joe O'Donnell đã nói chuyện với một tờ báo Nhật Bản về bức ảnh đi vào lịch sử này: “Tôi thấy một cậu bé khoảng mười tuổi đi ngang qua. Cậu ấy đang cõng một đứa bé trên lưng. Ngày đó ở Nhật Bản, chúng ta thường thấy trẻ em cõng em chơi đùa trên lưng, nhưng cậu bé này rõ ràng lại khác. Tôi có thể thấy rằng cậu ấy đến nơi này vì một lý do nghiêm túc. Cậu ấy không đi giày. Mặt cậu cứng đờ. Cái đầu nhỏ ngửa ra sau như thể đứa bé đang ngủ say. Cậu bé đứng đó chừng năm, mười phút. Những người đàn ông đeo khẩu trang trắng bước tới chỗ cậu ấy và lặng lẽ bắt đầu tháo sợi dây đang giữ đứa bé. Đó là lúc tôi thấy đứa bé đã chết. Những người đàn ông giữ thi thể bằng tay và chân rồi đặt trên lửa. Cậu bé đứng thẳng đó không cử động, nhìn ngọn lửa. Cậu ta cắn môi dưới mạnh đến nỗi nó rỉ máu. Ngọn lửa cháy lụi tàn như mặt trời sắp lặn. Cậu bé quay người và lặng lẽ bước đi”.