pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sự thật về trào lưu ăn trứng ung để tăng cường chuyện phòng the
Trứng bị ung (thối) do đâu?
Trứng ung là loại trứng cho vào ấp như bình thường nhưng không nở thành con do không được thụ tinh hoặc trứng bị hỏng trong thời gian ấp trứng bởi ảnh hưởng của nhiệt độ, môi trường thông qua lớp lỗ nhỏ li ti trên vỏ trứng (vốn có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào bên trong) bị "mòn dần" theo thời gian - tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
Bình thường trứng có ranh giới rõ ràng giữa lòng đỏ và lòng trắng, lòng đỏ ở giữa lòng trắng. Khi trứng bị ung thì ranh giới bị phá vỡ, màu sắc và mùi vị thay đổi từ tính axit thành tính kiềm. Khí CO2, chất tồn tại dưới dạng H2CO3 trong trứng dần thoát ra bên ngoài theo những lỗ nhỏ li ti trên vỏ trứng. Và cuối cùng, chúng biến chuyển thành CO2. Một khi trứng có tính kiềm hơn, lưu huỳnh sẽ bắt đầu tương tác với hydro để tạo nên khí H2S hay còn gọi là mùi trứng thối rất hôi tanh, khó ngửi. Đây cũng là lý do giải thích tại sao trứng hỏng có mùi thối.
1. Trứng thối có ăn được không?
Vậy trứng bị ung hay trứng thối có ăn được không? Ăn trứng ung có ảnh hưởng tới sức khỏe không? Theo Medical News Today, có một số rủi ro sức khỏe (thậm chí là nghiêm trọng) nếu bạn ăn trứng bị thối, hỏng hay quá hạn sử dụng:
- Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella và E.Coli
Salmonella là loại vi khuẩn thường tìm thấy trên vỏ trứng và bên trong trứng. Tuy nhiên, salmonella được loại bỏ bằng cách nấu chín trứng. Đây cũng là lý do tại sao chúng ta luôn được khuyên rằng không nên ăn trứng sống. Nhưng khi trứng hỏng, chúng sẽ phát triển các loại vi khuẩn khác như E. Coli dẫn đến ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng nếu không được xử trí đúng cách. Đặc biệt ở một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có hệ miễn dịch kém hoặc chưa hoàn thiện như người lớn tuổi và trẻ nhỏ đều cần hết sức thận trọng khi bị ngộ độc thực phẩm.
Các triệu chứng ngộ độc do Salmonella bao gồm: Tiêu chảy, đau bụng quặn thắt, sốt, nôn mửa nghiêm trọng thường xuất hiện sau 6 giờ tới 48 giờ sau khi ăn trứng bị nhiễm khuẩn và kéo dài từ 4 - 7 ngày rồi phục hồi.
Với vi khuẩn E.coli, theo CDC, các triệu chứng phổ biến của nhiễm E. Coli thường gặp như tiêu chảy nhẹ hoặc nặng xuất hiện đột ngột phân lỏng đôi khi có máu trong phân; đau bụng quặn thắt hoặc âm ỉ; buồn nôn, nôn mửa, chán ăn; mệt mỏi; sốt. Ở những trường hợp nặng có thể xuất hiện các triệu chứng như: mất nước, nước tiểu có máu, da nhợt nhạt, có thể xuất hiện các vết bầm mặc dù trước đó không có va chạm... Thời kỳ ủ bệnh thường là 3 hoặc 4 ngày hoặc có thể lên tới 8 ngày sau khi ăn phải trứng bị hỏng và nhiễm khuẩn. Hầu hết bệnh nhân hồi phục trong vòng 10 ngày.
- Chóng mặt, nhức đầu do hít phải mùi trứng thối
Mùi trứng thối có độc không? Mùi trứng thối được hình thành từ khí H2S, CH3SH và CH3SCH3, sinh ra là do sự phân hủy của các hợp chất lưu huỳnh có trong lòng đỏ và lòng trắng trứng. Việc tiếp xúc và ngửi phải quá nhiều mùi trứng thối, lặp đi lặp lại có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi tương tự như hít phải các loại khí độc như khí CO.
Ngoài ra, trong hóa học khí H2S là một loại khí có ảnh hưởng trực tiếp tới hệ hô hấp dẫn tới các triệu chứng về tim mạch và thần kinh kèm theo như nhịp tim nhanh, khó thở. Với người có sẵn các bệnh lý hô hấp thì việc ngửi phải nồng độ cao mùi trứng thối có thể dẫn tới co thắt đường thở hay các triệu chứng hô hấp tiêu cực khác.
Như vậy có thể thấy, với câu hỏi trứng thối có ăn được không thì câu trả lời là không. Mặc dù, chúng ta có thể thấy một số người có thể ăn trứng ung mà không có biểu hiện sức khỏe gì, điều này có thể là do thời gian trứng bị hỏng chưa lâu và không ăn nhiều nên độc tố trong trứng ung chưa đủ mạnh để gây bệnh cho người ăn. Nhưng xét về lâu dài thì việc ăn trứng ung vẫn có hại cho sức khỏe.
Ăn trứng thối có giúp cải thiện sinh lý, tăng cường ham muốn chuyện chăn gối không?
Cho tới hiện tại, chưa có một bằng chứng khoa học nào cho thấy việc ăn trứng thối có tốt cho chuyện sinh lý mà ngược lại, ăn trứng thối có thể làm tăng nhiều rủi ro sức khỏe do ngộ độc vi khuẩn hay do mùi hôi thối, khó ngửi. Trường hợp nặng có thể gây suy hô hấp, co cứng cơ, liệt chứng năng cơ thể, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
2. Cách nhận biết trứng bị hỏng
Để nhận biết trứng ung hay phân biệt trứng bị hỏng và trứng còn tốt bạn có thể dựa vào một số cách như sau:
- Kiểm tra độ nổi của quả trứng: Đây là cách nhanh chóng giúp nhận biết trứng bị hỏng hay chưa. Hãy chuẩn bị một bát tô nước rồi thả trứng vào, trong trường hợp trứng còn tốt, trứng sẽ chìm xuống dưới đáy bát. Ngược lại, trứng nổi hẳn lên bề mặt bát nước thì nghĩa là trứng đã bị hỏng.
- Kiểm tra mùi: Một cách trực quan nhất khi nấu trứng chính là đập trứng ra và ngửi mùi. Trứng tươi sẽ có mùi tanh nhẹ, thơm của lòng đỏ, lòng đỏ màu vàng hoặc cam tươi, tròn nhưng nếu trứng bị hỏng, ngay khi đập trứng ra bạn sẽ thấy mùi hôi thối xộc thẳng lên, thậm chí là ngay khi vừa đập vỡ nhẹ phần vỏ; bên trong trứng cũng có màu xám đen.
- Kiểm tra màu sắc: Đôi khi quan sát bên ngoài cũng có thể giúp nhận biết trứng bị hỏng. Trứng có nguy cơ bị hỏng cao thường có các vết nứt không rõ ràng trên vỏ trứng hoặc vỏ trứng có vểt nhớt do lòng trắng trào ra ngoài.
Cuối cùng, việc bảo quản trứng sẽ ảnh hưởng lớn tới việc trứng có bị hỏng nhanh hay không. Theo USDA thì trứng nên được bảo quản trong tủ lạnh càng sớm càng tốt. Nhiệt độ tủ lạnh nên ở mức 4 độ C và có thể ăn trong 3 - 5 tuần. Ngoài ra, khi bỏ trứng từ tủ lạnh ra, không nên để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ, điều này có thể khiến trứng xảy ra hiện tượng "toát mồ hôi" và tăng nguy cơ phát triển của vi khuẩn trên vỏ trứng.
Nhìn chung, có thể thấy trứng thối không ăn được và có thể tăng nguy cơ gặp phải ngộ độc thực phẩm khi ăn trứng bị ung. Nam giới muốn tăng cường sinh lực nên xây dựng chế độ ăn sạch sẽ, lành mạnh gồm các thực phẩm giàu chất béo tốt, kẽm, omega-3, vitamin C như hàu, cua, tôml trái cây họ cam quýt; trứng; các loại rau xanh và tập thể dục thường xuyên. Đồng thời cần tránh các thói quen gây suy giảm chức năng sinh lý như ăn nhiều thực phẩm chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn hay uống rượu bia, hút thuốc, thức khuya...