Theo bác sĩ nhi khoa McNamara, sở dĩ trẻ nhỏ thích ngồi kiểu này bởi vì nó khiến các bé có cảm giác thăng bằng, đặc biệt tiện khi chơi đồ chơi vì nếu phải với món đồ cũng không bị ngã người, giúp trẻ chuyên tâm hơn vào việc muốn làm. Tuy nhiên, tư thế này lại ẩn chứa nhiều hiểm hoạ không ngờ.
Tư thế ngồi W tưởng vô hại nhưng gây ảnh hưởng cho sức khỏe của bé. Ảnh minh họa internet |
- Vấn đề chỉnh hình.
Ngồi xoè hai chân kiểu chữ W có thể khiến một đứa trẻ bị trật khớp hông, vì dồn quá nhiều áp lực cho cơ chân, hông và khớp gối. Đặc biệt với những trẻ đã bị tật từ trước thì càng nên tránh tư thế này.
- Dễ bị co rút.
Vị trí này ép cơ hông, cơ chân và các dây chằng vào cùng một phạm vi hẹp, do đó khiến trẻ dễ bị co rút.
- Có ảnh hướng đến thần kinh/chậm phát triển.
Những bé quen ngồi kiểu chữ W sau này sẽ dễ gặp phải các vấn đề về cân bằng, phối hợp, hạn chế kĩ năng vận động đòi hỏi phải sử dụng những loại cơ lớn. Khi ngồi trên lớp học, trẻ sẽ bị giảm chú ý khi cố gắng phải ngồi thẳng, ngồi ngay ngắn trên bàn học.
Để kịp thời điều chỉnh tư thế ngồi cho bé, mẹ cần lưu ý những điều quan trọng sau:
- Dạy con hiểu sự khác biệt giữa ngồi xoè hai chân ra ngoài và ngồi khoanh chân. Đây là kiểu ngồi với vị trí trái ngược với kiểu chữ W và cũng là vị trí phù hợp để các cơ thân, hông và đầu gối phát triển. Nói với con, nhấn mạnh tầm quan trọng của cách ngồi khoanh chân vừa thăng bằng lại tốt cho sức khoẻ và khả năng nhận thức, học tập của trẻ.
- Bố mẹ nên ngồi làm mẫu cho con học theo. Mẹ thậm chí có thể biến nó thành một trò chơi, bất cứ ai khoanh chân nhanh hơn sẽ thắng cuộc. Khuyến khích con ngồi khoanh chân và vươn người lên trước để kéo giãn lưng, hông và cơ bắp.
- Một số ít trẻ gặp các vấn đề về chỉnh hình hoặc thần kinh khiến trẻ chỉ có thể ngồi được kiểu chữ W, và rất khó khăn khi đổi kiểu ngồi. Nếu con gặp một trong hai vấn đề đó, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ nhi khoa trước khi dạy con ngồi theo tư thế khác.
Ngồi tư thế W trong thời gian ngắn sẽ không ảnh hưởng đến bé nhiều. Tuy nhiên các mẹ cần quan tâm để nhắc bé không ngồi kiểu này quá lâu, nên khuyến khích con thường xuyên thay đổi tư thế ngồi để tốt cho sức khỏe.