Sửa quy định điều kiện thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu

09/05/2018 - 11:45
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đang diễn ra, trong đó bàn thảo 2 nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống dân sinh của hàng triệu người lao động là cải cách chính sách tiền lương và Bảo hiểm xã hội (BHXH).

Tiếp theo bài viết về cải cách chính sách tiền lương, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công, tiếp tục có bài viết “Cải cách chính sách BHXH góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước”. Báo PNVN trân trọng lược trích bài viết này.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
 

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) bao gồm bảo hiểm hưu trí - tử tuất; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm ốm đau, thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm phát triển. Từ năm 1995 đến nay, chính sách BHXH đã được thể chế hóa theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn về chế độ, chính sách, về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính. Diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật và quy mô tham gia BHXH trên thực tế ngày càng được mở rộng.

Bên cạnh những thành tựu quan trọng, việc tổ chức thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả chính sách BHXH cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém như: Diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia BHXH trên thực tế còn thấp, chưa hướng đến bao phủ toàn dân. Hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ. BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia.

Trên thực tế, năm 2017 mới chỉ đạt gần 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn trên 70% chưa tham gia. Mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị không đạt được.

Các nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ và bảo đảm bền vững tài chính chưa được quán triệt đầy đủ, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn, chính sách BHTN nặng về giải quyết hậu quả khi người lao động thất nghiệp mà chưa chú ý thỏa đáng đến phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.

Chưa thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập với tiền lương của người đang làm việc theo Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI và Luật BHXH. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước còn hạn chế. Tình trạng vi phạm pháp luật, trốn đóng, nợ đóng BHXH, nhất là khu vực doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, chậm được khắc phục.Tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN còn nhiều hạn chế.

Ảnh minh họa
 

Hiện nay, kinh tế trong nước còn khó khăn, nguồn lực ngân sách Nhà nước hạn hẹp; thu nhập của nhiều người dân còn thấp và chưa ổn định; tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức ở mức cao; việc điều chỉnh một số chế độ BHXH qua nhiều giai đoạn để bảo đảm bền vững Quỹ cũng tạo ra những bất hợp lý nhất định; áp lực của già hóa dân số đối với hệ thống BHXH rất lớn; tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi nhanh về cơ cấu lao động và quan hệ lao động.

Trong bối cảnh, điều kiện mới hiện nay, đang đặt ra nhiều cơ hội, thách thức đan xen đòi hỏi phải có những quan điểm chỉ đạo về cải cách chính sách BHXH phù hợp hơn trong bối cảnh mới:

Một là, BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân và phát triển bền vững đất nước.

Hai là, phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.

Ba là, cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội.

Bốn là, phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHXH chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế, củng cố niềm tin, sự hấp dẫn và hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia BHXH.

Năm là, thực hiện tốt chính sách BHXH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.

Căn cứ vào các quan điểm chỉ đạo nêu trên, xác định mục tiêu tổng quát trong cải cách chính sách BHXH của nước ta trong thời gian tới là: Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch.

Qua tổng kết lý luận và thực tiễn phát triển; kết quả nghiên cứu khảo sát sâu rộng ở trong nước và ngoài nước với sự tham gia góp ý của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã làm rõ những nội dung cơ bản về cải cách chính sách BHXH của nước ta trong thời gian tới gồm:

Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng (Lương hưu xã hội; BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; Bảo hiểm hưu trí bổ sung) nhằm tăng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; đồng thời tạo cơ hội cho người về hưu có điều kiện đa dạng hóa các nguồn lương hưu.

Sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và có khả năng.

Tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.

Cải cách trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện nhằm củng cố niềm tin của người tham gia vào hệ thống BHXH.

Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động làm việc trong khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để gia tăng số lao động tham gia BHXH.

Sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế hiện nay đang thấp hơn so với quy định của pháp luật.

Sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu tăng trưởng diện bao phủ với mức hưởng khiêm tốn thay vì mức hưởng cao nhưng diện bao phủ hẹp.

Điều chỉnh tỷ lệ tích lũy để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp thông lệ quốc tế.

Xây dựng lộ trình điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người tại chức, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.

Căn cứ vào vào các nội dung cơ bản về cải cách chính sách BHXH của nước ta và để đạt được các mục tiêu nêu trên, trong những năm tới cần thực thiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm:

Ảnh minh họa
 

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH; Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH và pháp luật có liên quan để thể chế hóa các chủ trương cải cách chính sách BHXH. Sửa đổi Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH cho toàn dân; thiết kế hệ thống BHXH đa tầng, hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng…;  Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH; Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN;

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội về chính sách BHXH, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH.

Để thực hiện được mục tiêu tổng quát trong cải cách chính sách BHXH, cần cụ thể hóa thành các mục tiêu với lộ trình thực hiện cụ thể như sau: 

- Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2025 có khoảng 45% và đến 2030 có khoảng 60%.

- Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội); đến năm 2025 có khoảng 55% và đến 2030 có khoảng 60%.

- Giai đoạn đến năm 2021, tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Phấn đấu giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp bằng mức ASEAN 4.

- Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%; đến năm 2025 đạt mức 85% và đến 2030 đạt mức 90%.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm