pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Sữa trái cây" gây nhầm lẫn: Bài 2 - Người tiêu dùng khó phân biệt
Sử dụng phim hoạt hình để quảng cáo thức uống dinh dưỡng rất thu hút được trẻ em
Từ những sản phẩm do các doanh nghiệp sở hữu công bố dưới dạng thức uống phẩm dinh dưỡng, thế nhưng đa phần các sản phẩm này đều được gắn với chữ “Sữa” với các tên gọi như sữa trái cây; sữa tươi nguyên bản và trái cây; sữa tươi lúa mạch… Trong khi đó, tên gọi chính của sản phẩm này là thức uống dinh dưỡng thì lại được ghi rất nhỏ, khiến người tiêu dùng khó nhận biết được.
Ông Đỗ Văn Tình, một người có nhiều năm quản lý kinh doanh thực phẩm, chia sẻ: “Việc bày hàng ở các kệ hàng trong siêu thị cũng là cả một kỹ năng của nhân viên thị trường các hãng thức uống dinh dưỡng. Tôi thấy họ luôn sắp xếp các sản phẩm thức uống dinh dưỡng có gắn từ sữa vào chung với khu vực các sản phẩm sữa tươi, sữa tiệt trùng là sữa chuẩn dưỡng. Điều này khiến người mua hàng vô tình coi tất cả đây là sản phẩm sữa nên họ thường không để ý quan sát, tìm đọc các thông tin sản phẩm trên vỏ bao bì".
Rồi đến các chiêu trò tặng quà khuyến mãi khi mua sản phẩm sữa tươi trái cây (thực chất là thức uống dinh dưỡng, không phải sữa), khiến nhiều người để ý tới các sản phẩm này hơn.
Ngoài ra, các hãng còn có nhân viên tư vấn cho khách hàng nên mua sản phẩm này bởi nó tốt, được nhiều người lựa chọn, sản phẩm sữa có kết hợp những dưỡng chất khác như trái cây, bổ sung vitamin...
Một số đơn vị còn sẵn sàng đầu tư sản xuất cả những phim hoạt hình để thu hút sự chú ý của trẻ em.
Cùng với đó là việc tặng quà gồm thẻ cào nhận quà, thẻ hình ảnh các nhân vật trong phim hoạt hình. Điều này đã khiến nhiều cháu bé có thể không thực sự thích uống các loại sản phẩm này, nhưng vẫn đòi bố mẹ mua để có thể sở hữu những thẻ mang hình nhân vật hoạt hình.
Theo số liệu thống kê năm 2022-2023, ngành hàng sữa nước giảm 8% so với năm trước. Trong khi đó, ngành hàng thức uống dinh dưỡng thì lại tăng trưởng hơn 20%.
Bác sĩ Nguyễn Đức Hưng (Bắc Ninh), chia sẻ: “Thực phẩm dinh dưỡng không phải là sữa, nhưng lại quảng cáo như sữa, khiến người dân xem đó như một loại sữa để mua về cho trẻ sử dụng dễ dẫn đến hệ lụy. Về lâu về dài sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng bởi hàm lượng dinh dưỡng không đúng như cách hiểu của người tiêu dùng. Đặc biệt đối với trẻ em, nếu các cháu chỉ dùng các sản phẩm này mà không dùng sữa, không bổ sung dinh dưỡng cho đủ thì sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển”.
Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau.