pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sức sáng tạo vẫn chảy tràn trong 3 nữ nhà văn cao tuổi
Nhà văn Lê Minh Khuê: Viết để giải phóng năng lượng
Năm 20 tuổi, từ những bài báo đầu tiên được ghi nhận, cô thanh niên xung phong Lê Minh Khuê bước vào sáng tác truyện ngắn, khởi đầu với những trang viết về cuộc sống và tham gia chiến đấu của bà cùng đồng đội trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ, bà luôn linh hoạt đề tài viết theo mỗi giai đoạn lịch sử. Trong đời văn của mình, nữ nhà văn đã ra mắt gần 20 tập truyện ngắn trong khi vẫn làm công việc phóng viên, biên tập sách văn học.
Tác phẩm gần đây của bà là tập truyện "Làn gió chảy qua" xuất bản năm 2016 khi nhà văn đã 67 tuổi và được trao Giải thưởng Nhà văn khu vực Đông Nam Á năm 2019. Cùng năm đó, bà được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải "Thành tựu văn học trọn đời".
Coi viết văn là công việc, nhà văn Lê Minh Khuê chú tâm tạo dấu ấn và vượt qua những ràng buộc thường ngày. Bà đã có những tác phẩm hay, được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Thành danh từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với những trang văn trải dài suốt nhiều thập kỷ nay, ngòi bút Lê Minh Khuê vẫn giữ được sự trẻ trung, tươi mới.
Nữ nhà văn từng tâm sự: "Chỉ cần 10 người tâm huyết với mình, tôi vẫn viết. Không còn ai đọc, tôi vẫn viết. Mình thích thì mình viết thôi". Ở tuổi thất thập, "bà trùm truyện ngắn" (từ của nhà văn Hồ Anh Thái) vẫn đang viết như một nhà văn sung sức, viết để giải phóng năng lượng sáng tạo bất chấp tuổi tác.
Nhà văn Trần Thùy Mai: Viết văn phải có kỹ năng và lương tâm
Đã cận kề tuổi 70 nhưng dường như với nhà văn Trần Thùy Mai, tuổi tác không có nghĩa lý gì trong công việc viết văn. Bà là một trong số những người xuất hiện trên Tạp chí Sông Hương số đầu tiên tròn 40 năm trước (1983) với truyện ngắn "Một chút màu xanh".
Từng là nữ sinh Đồng Khánh, rồi trở thành giảng viên văn học dân gian trường Đại học Sư phạm Huế, sau này làm công việc biên tập viên sách sử của Nhà xuất bản Thuận Hóa, với nhà văn Trần Thùy Mai, viết văn vẫn "một nghề, phải có kỹ năng và lương tâm". Bà tâm sự: "Cuộc đời đã có nhiều lúc buồn nản nhưng chưa bao giờ tôi thấy chán viết, chưa bao giờ muốn bỏ bút".
Tiểu thuyết "Từ Dụ thái hậu" của bà được trao giải nhất Tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam và giải Sách hay năm 2020. Bên cạnh đó là hoàng loạt giải thưởng ghi nhận tài năng của Trần Thùy Mai.
Nhiều truyện ngắn của bà đã được chuyển thể thành phim hoặc tác phẩm sân khấu như "Gió thiên đường", "Hãy khóc đi em", "Thập tự hoa", "Trăng nơi đáy giếng"… Bộ tiểu thuyết hai tập "Công chúa Đồng Xuân" của Trần Thùy Mai ra mắt đầu năm nay nhanh chóng nhận được sự yêu mến của bạn đọc. Bà thể hiện một năng lượng văn chương dồi dào khi không chỉ viết mà còn đi khắp nơi giao lưu, giới thiệu, quảng bá tác phẩm.
Sau gần 1 năm nghỉ dưỡng sức sau cuốn tiểu thuyết gần nhất, nhà văn Trần Thùy Mai tiết lộ bà đang ấp ủ kế hoạch về 1 cuốn sách tiếp theo.
Nhà văn Phan Thị Thanh Nhàn - một nhà thơ "Yêu đời"
Thật khó tin nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn năm nay vừa tròn 80 tuổi, bởi ở bà toát lên sự trẻ trung, yêu đời như nhan đề một bài thơ và lời tự nhận: "Trong thăm thẳm niềm đau. Tôi vẫn còn yêu đời quá".
Còn nhớ năm 1969, lúc bấy giờ mới 26 tuổi, nữ nhà báo gốc Hà Nội Phan Thị Thanh Nhàn đã đoạt giải Nhì cuộc thi thơ của báo Văn nghệ với bài thơ "Hương thầm". 15 năm sau, bài thơ được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc và trở nên nổi tiếng.
Ngoài làm thơ, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn còn viết văn. Những tập truyện thiếu nhi của bà có thể kể đến: "Xóm đê ngày ấy" (1977), "Tuổi trăng rằm" (1982), "Bỏ trốn" (1995). Truyện dài "Bỏ trốn" của Phan Thanh Nhàn là tác phẩm đoạt giải A trong cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 1993-1995 của NXB Kim Đồng...
80 tuổi, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vẫn viết, vẫn đạp xe, đi bơi, đi du lịch và an nhiên góp nhặt niềm vui mỗi ngày. Thật khó để khái niệm tuổi tác và sự già cỗi chen chân vào lao động sáng tạo và thái độ sống của nữ nhà thơ.