Suy đa cơ quan do tự tiêm truyền dẫn tới ngộ độc thuốc điều trị đái tháo đường Metformin

Anh Dũng
09/09/2020 - 13:48
Suy đa cơ quan do tự tiêm truyền dẫn tới ngộ độc thuốc điều trị đái tháo đường Metformin
Thêm một ca ngộ độc thuốc điều trị đái tháo đường metformin dẫn tới toan chuyển hoá nặng, suy đa cơ quan và vô niệu hoàn toàn. Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường Metformin?

Trong y học, thuốc điều trị đái tháo đường Metformin được sử dụng trong những trường hợp bệnh nhân bị đái tháo đường không nhiễm toàn thể cétone, bệnh nhân không lệ thuộc insulin đối với người trưởng thành bị tiểu đường type II. Nhất là đối với người tạng béo phì mặc dù đã áp dụng theo chế độ ăn kiêng mà đường huyết vẫn không cân bằng được.

Ngoài ra, Metformin cũng là thuốc được chỉ định trong liệu pháp insuline cho người bị tiểu đường type I.

1. Bệnh nhân đái tháo đường bị suy đa cơ quan do tự ý mua thuốc Metformin về tiêm truyền tại nhà!

Theo thông tin từ Khoa Hồi sức Tích cực thuộc Bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân N.T.N (quê quán Mỹ Đức, Hà Nội) được người nhà đưa vào nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, bị phù nhiều toàn thân, không tiểu tiện được, khó thở nhiều, người tím tái và trụy mạch.

Gia đình bệnh nhân cho biết , 4 ngày trước khi nhập viện do ngộ độc thuốc điều trị đái tháo đường Metformin, bệnh nhân kêu mệt, lượng nước tiểu ít, ăn kém, phù nhiều. Do vậy mà bệnh nhân tự mua thuốc về tiêm truyền tại nhà nhưng không đỡ.

Qua khai thác tiền sử, các bác sĩ được biết bệnh nhân bị suy thận, gout, bị tăng huyết áp, viêm đa khớp mạn tính và bị tiểu đường type II. Bệnh nhân đã tự mua thuốc điều trị đái tháo đường Metformin với liều lượng 850mg/ngày về sử dụng. Và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng phải nhập viện khi toan chuyển hóa nặng gây suy đa cơ quan, vô niệu hoàn toàn, Kali máu tăng 6,7mmol/l đe dọa tính mạng..

Bước đầu xác định là do không dùng đúng chỉ định thuốc và liều lượng, cũng như không thực hiện thăm khám tại cơ sở y tế để có hướng dẫn sử dụng thuốc.

Ngay sau đó, bệnh nhân đã được xử trí đặt ống nội khí quản, thở máy, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, bù dịch Natribicarbonat và dùng thuốc vận mạch. Tuy nhiên tình trạng huyết áp của bệnh nhân không được cải thiện (60/40mmHg) do toan chuyển hóa quá nặng. Ngay lập tức các bác sĩ Khoa Hồi sức Tích cực đã hội chẩn và quyết định tiến hành lọc máu liên tục, lọc máu liên tục có thẩm tách cho bệnh nhân N.

Suy đa cơn quan do tự tiêm truyền dẫn tới ngộ độc thuốc điều trị đái tháo đường Metformin - Ảnh 1.

Bệnh nhân phải lọc máu liên tục (Ảnh: Afamily)

Sau lọc máu liên tục 12h, huyết áp bệnh nhân dần được cải thiện (130/80mmHg), bắt đầu có nước tiểu, sau 48h hồi sức tích cực và lọc máu liên tục bệnh nhân đã cắt được hoàn toàn thuốc vận mạch.

Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản, tự thở khí phòng, ăn uống sinh hoạt bình thường, các xét nghiệm dần về chỉ số ổn định.

Bác sĩ CKI.Nguyễn Sơn Nam, khoa Hồi sức tích cực cho biết: "Đây là trường hợp bệnh rất nặng vì biến chứng toan chuyển hóa dẫn đến suy đa cơ quan trên nhiều bệnh nền phức tạp. Lọc máu liên tục có thẩm tách là kỹ thuật chuyên sâu trong hồi sức cấp cứu. So với các phương thức thay thế thận khác, lọc máu liên tục có nhiều ưu điểm vượt trội như: thích hợp cho những bệnh nhân rối loạn huyết động, kiểm soát thể tích một cách chính xác, rất hiệu quả trong kiểm soát ure huyết cao, giảm phốt phát máu và tăng kali máu, kiểm soát nhanh toan chuyển hóa, an toàn cho bệnh nhân tổn thương não và bệnh lý tim mạch, rất hiệu quả trong điều trị nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn do lọc được các trung gian hóa học gây viêm".

2. Sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường Metformin cần lưu ý gì?

Những trường hợp không được sử dụng thuốc

- Khi bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị bằng insulin bị nhiễm khuẩn hay gặp phải các chấn thương

- Bị suy giảm chức năng hay rối loạn chức năng thận

- Phụ nữ đang mang thai

Suy đa cơn quan do tự tiêm truyền dẫn tới ngộ độc thuốc điều trị đái tháo đường Metformin - Ảnh 3.

Phụ nữ đang mang thai cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc điều trị đái tháo đường Metfomin (Ảnh: Internet)

- Người cao tuổi (nếu như muốn chỉ định dùng thì cần phải làm kiểm tra creatinin trước khi điều trị)

- Người nghiện rượu

- Người bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt chất dinh dưỡng

- Người bị chỉ định chụp X-quang có sử dụng chất cản quang chứa i-ốt.

Metformin chỉ là thuốc hỗ trợ không có tác dụng thay thế hoàn toàn

Thuốc điều trị đái tháo đường Metformin không thể thay thế việc điều chỉnh chế độ ăn với chỉ số Gi (đường huyết của thực phẩm) ở bệnh nhân đái tháo đường. Do vậy mà với người bị tiểu đường, điều chỉnh chế độ ăn phù hợp vẫn đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát được bệnh một cách tốt nhất.

Tác dụng phụ khi điều trị bằng Metformin

- Rối loạn tiêu hoá, ợ nóng, táo bón,...

Người sử dụng Metformin thường gặp các tác dụng phụ liên quan tới hệ tiêu hoá với những biểu hiện như buồn nôn, tiêu chảy, bị đầy thượng vị hay có cảm giác ợ nóng hoặc táo bón. Nếu như gặp phải các tác dụng phụ này, bạn có thể giảm bớt bằng cách sử dụng tạm thời bột trơ có tác dụng giúp băng niêm mạc dạ dày hay những dẫn xuất atropine hoặc sử dụng những thuốc chống co thắt khác theo chỉ định của bác sĩ.

Suy đa cơn quan do tự tiêm truyền dẫn tới ngộ độc thuốc điều trị đái tháo đường Metformin - Ảnh 4.

Tác dụng phụ của Metformin có thể gây ra các vấn đề liên quan tới tiêu hóa (Ảnh: Internet)

Nếu như gặp tình trạng rối loạn tiêu hoá, bạn có thể sử dụng thuốc Metformin trong bữa ăn hay sử dụng vào cuối bữa ăn. Hãy chia thành 2 - 3 lần uống/ngày. Lưu ý hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể về liều uống.

- Nổi mày đay

- Nhạy cảm với ánh sáng.

- Tăng nguy cơ nhiễm toan acid lactique

Đây là một dạng biến chứng chuyển hóa có thể gây tử vong cao nếu như không được can thiệp điều trị y tế sớm. Người bệnh cần để ý khi xuất hiện các triệu chứng như chuột rút, suy nhược cơ thể toàn diện, bị rối loạn tiêu hóa hay đau bụng.

Lúc này cần ngưng điều trị bằng Metformin ngay khi có nồng độ acid lactique ở trong máu cao hơn mức bình thường. Đi kèm với đó là tình trạng nồng độ créatinine trong máu bị tăng.

Biểu hiện khi nhiễm toan acid lactique bao gồm khó thở dạng nhiễm toan, bị đau bụng, thân nhiệt giảm, nặng hơn có thể dẫn tới trạng thái hôn mê.

Không uống rượu bia, chất kích thích khi đang dùng thuốc

Một nguyên tắc cần nhớ khi sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường Metformin chính là không được uống rượu bia, các thức uống có chứa cồn trong khi đang dùng thuốc. Điều này có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm toan acid lactique ở người bệnh.

Cẩn thận khi kết hợp với insulin hay sulfamid hạ đường huyết

Thực tế thì sử dụng Metformin riêng lẻ hiếm khi gây ra hạ đường huyết. Tuy vậy, bệnh nhân cũng cần lưu ý nếu như tăng tiềm lực thuốc khi kết hợp sử dụng cùng insulin hay sulfamid có tác dụng hạ đường huyết khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm