pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tác dụng phụ của việc tiêm vaccine phòng sởi là gì? Có ảnh hưởng như thế nào với sức khoẻ?
Vaccine sởi là một loại vaccine đã được các chuyên gia y tế đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, có thể biểu hiện giống như với các vaccine khác như sốt nhẹ, phát ban, sưng đau tại chỗ tiêm...
Các tác dụng phụ kể trên thường có thể tự hết trong vòng từ 1 đến 2 ngày mà không cần đến điều trị y khoa. Tuy nhiên việc nắm rõ các tác dụng phụ của vaccine phòng sởi bao gồm phản ứng thường gặp, ít gặp và hiếm gặp sẽ giúp bạn có các biện pháp dự phòng tốt hơn đối với việc chăm sóc sức khỏe.
1. Các tác dụng phụ của vaccine phòng sởi với sức khoẻ
Các phản ứng nặng và nghiêm trọng rất hiếm khi xảy ra sau khi tiêm phòng vaccine sởi. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và chứng minh được rằng các phản ứng không mong muốn xảy ra không phụ thuộc vào tuổi của người mắc phải.
1.1. Các phản ứng thường gặp (ADR > 1/100)
Các phản ứng phụ thường gặp nhất bao gồm:
- Sốt nhẹ hoặc vừa (từ 38,3 đến 39,4 độ C), đôi khi có thể sốt cao trên 39,4 độ C xảy ra trong tháng tiếp theo sau khi tiêm chủng.
- Phát ban. Triệu chứng này thường xuất hiện từ 5 đến 12 ngày sau khi tiêm vaccine phòng sởi.
1.2. Các phản ứng ít gặp (1/100 < ADR < 1/100)
Một số phản ứng không mong muốn ít gặp có thể xảy ra bao gồm:
- Tác dụng toàn thân như co giật xảy ra từ 5 đến 11 ngày sau khi tiêm phòng. Đa số hiện tượng co giật sau khi tiêm phòng giống như sốt cao co giật.
- Phản ứng dị ứng như nổi mày đay tại chỗ tiêm.
- Phản ứng tại chỗ như cứng, sưng to, ban đỏ, nốt phồng và phù ở chỗ tiêm.
1.3. Các phản ứng hiếm hoặc rất hiếm gặp
Tuy các phản ứng sau đây rất hiếm gặp nhưng chúng khá nguy hiểm và vẫn có khả năng xảy ra:
- Phản ứng thần kinh bao gồm: viêm não, bệnh não trong vòng 30 ngày sau khi tiêm phòng. Viêm toàn não xơ cứng bán cấp, liệt mắt, nhìn đôi xảy ra từ 3 đến 24 ngày sau khi tiêm.
- Hội chứng viêm đa rễ thần kinh (Guilain Barre)
- Phản ứng huyết học như giảm tiểu cầu, bệnh hạch bạch huyết nhẹ.
- Các phản ứng toàn thân như ho, nhức đầu, đau họng, sổ mũi, viêm mũi, đau mắt, mệt mỏi toàn thân, ỉa chảy...
- Một vài trẻ em có tiền sử phản ứng phản vệ với ăn trứng có thể xảy ra phản ứng phản vệ như khó thở, hạ huyết áp,... đe doạ đến tính mạng.
2. Cách xử trí với tác dụng phụ của vaccine
Với các phản ứng sốt cao co giật, trẻ có thể dùng thuốc hạ nhiệt trước khi sốt nếu có nguy cơ và có thể tiếp tục dùng thuốc trong vòng 5 đến 7 ngày. Với các phản ứng phản vệ, trẻ có thể phản ứng dị ứng với trứng, neomycin hoặc gelatin thuỷ phân có trong vaccine virus sởi sống trên thị trường. Do vậy cần có sẵn adrenallin để dùng ngay khi tiêm phòng vaccine sởi xảy ra phản ứng phản vệ.
3. Chỉ định và chống chỉ định
Để tránh các tác dụng phụ và biến chứng không mong muốn, vaccine sởi chỉ được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, tiêm mũi nhắc lại lần 2 với trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi và mỗi mũi tiêm cách nhau ít nhát là 2 tháng.
- Phòng bệnh cho những người chưa có kháng thể sởi, chưa nhiễm bệnh sởi trước đây.
Bên cạnh đó, còn có các đối tượng chống chỉ định tiêm vaccine phòng bệnh sởi bao gồm:
- Người quá mẫn với bất cứ thành phần nào của vaccine.
- Người đang mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính.
- Người có suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Trừ người mắc HIV chưa tiến triển thành AIDS.
- Phụ nữ có thai không được tiêm phòng sởi.
- Bệnh nhân lao tiến triển chưa điều trị.