Tác giả Hồng Sakura: Muốn đem lại cảm xúc gần gũi nhất cho độc giả

Bảo Anh (Thực hiện)
25/05/2022 - 10:32
Tác giả Hồng Sakura: Muốn đem lại cảm xúc gần gũi nhất cho độc giả

Hồng Sakura là tác giả được giới trẻ yêu thích

Chọn tình bạn, tình yêu là nội dung chủ đạo trong các trang viết của mình, tác giả Hồng Sakura lý giải, bởi đó là đề tài chị có nhiều trải nghiệm, là thứ chị viết “bay” nhất nên sẽ tiếp tục theo đuổi.

Hồng Sakura là tác giả được giới trẻ yêu thích hơn 10 năm về trước. Gần 20 năm viết văn, chị có một lượng độc giả yêu thích rất lớn, đặc biệt là độc giả mạng. 5 tác phẩm của chị gồm "Xu Xu, đừng khóc", "Đài các tiểu thư", "Nếu em ở đây", "Bạch mã hoàng tử", "Lãng tử gió" được tái bản nhiều lần. Đây là những cuốn tiểu thuyết mang chủ đề tình yêu, tình bạn với những câu chuyện nhẹ nhàng, sâu lắng, gần gũi với người trẻ. 

Mới đây, 5 tác phẩm này được NXB Văn học và Sbooks tái bản thành bộ với diện mạo mới để phù hợp với bạn đọc thế hệ Gen Z. Đồng thời, tác phẩm mới nhất của chị, tiểu thuyết "Những kẻ si tình", cũng chính thức được giới thiệu với độc giả. Nhân dịp này, PNVN đã có cuộc trò chuyện với Hồng Sakura.

+ Cơ duyên nào đưa chị đến với việc viết tiểu thuyết?

Tôi thích kể chuyện và có trí tưởng tượng cao. Khi internet bùng nổ và hình thức diễn đàn (forum) nở rộ vào những năm 2005-2007, tôi đưa truyện lên một diễn đàn và được hưởng ứng mạnh mẽ. Những bình luận và phản hồi của độc giả đem lại động lực giúp tôi tiếp tục viết liên tục 4-5 truyện trong khoảng 2-3 năm. Tôi may mắn được nhà văn Võ Thị Xuân Hà đỡ đầu và "Xu Xu, đừng khóc" là tác phẩm đầu tiên của tôi được phát hành thành sách giấy, trở thành cuốn tiểu thuyết được đánh giá là "gây xôn xao cư dân mạng" dạo ấy.

+ Những tác phẩm của Hồng Sakura chủ yếu là về tình bạn, tình yêu? Tại sao chị lại chọn đề tài này?

Tác giả Hồng Sakura: Muốn đem lại cảm xúc gần gũi nhất cho độc giả - Ảnh 1.

Tác giả Hồng Sakura kí tặng sách cho độc giả

Đây là đề tài tôi có nhiều trải nghiệm và cảm hứng hơn cả. Bên cạnh đó, tôi muốn đem lại những cảm xúc gần gũi nhất với người đọc, vì có thể người ta không bao giờ biết về các vụ án, không trải qua những trận chiến, không dấn thân vào đầu tư và kinh doanh… nhưng cuộc sống của ai mà chẳng có tình bạn và tình yêu? Sắp tới có thể tôi sẽ viết tản văn và truyện ngắn nhưng truyện dài vẫn là thế mạnh. Tình yêu là thứ tôi viết bay nhất nên sẽ tiếp tục theo đuổi.

+ Có nhân vật nào trong tác phẩm của chị được lấy hình mẫu từ chính mình hoặc người thân cận hay không?

Đa số các nhân vật trong truyện của tôi đều được phát triển từ bản thân và người quen biết. Do vậy nhiều độc giả bảo rằng họ nhìn thấy chính mình trong sách.

Để thành công, phải khiến độc giả nhận ra mình ngay trên trang viết

+ Là một tác giả nổi tiếng từ viết tiểu thuyết mạng, chị thấy có sự khác biệt nào giữa viết truyện online, sách điện tử và viết sách giấy?

Viết truyện online có thể dành cho bất cứ ai có đam mê viết. Ai cũng có thể đưa tác phẩm lên nền tảng online. Với sự phát triển của internet và mạng xã hội hiện nay, rất nhiều tác giả tài năng đã được biết đến. Còn việc xuất bản thành sách lại đòi hỏi sự nghiêm túc và trách nhiệm nhiều hơn của tác giả và biên tập, nhà xuất bản. Bạn không thể xuất bản một cuốn sách với nội dung cẩu thả và sai lệch được. Sách là nguồn tri thức. Dù là tiểu thuyết, nó vẫn phải truyền tải một điều tích cực, hoặc một thông tin giá trị nào đó theo cách đúng đắn và rõ ràng.

Sách điện tử (E-book) là hình thức kỹ thuật số của sách giấy. Tôi nghĩ một tác phẩm online vẫn là một tác phẩm nhưng nó chỉ được gọi là "sách" khi có biên tập và giấy phép xuất bản chính thức.

+ Chị nhận định thế nào về vấn đề bản quyền sách điện tử trong thời điểm hiện tại?

Sách điện tử hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa chặt chẽ về bản quyền, vì người dùng có thể lên mạng và tải tự do ở nhiều trang re-up (đăng lại). Tôi tin rằng, có 70% các trang đăng truyện là chưa xin phép tác giả và công ty phát hành. Các quy định về bản quyền sách cần được chú trọng và thực thi nghiêm khắc hơn để giúp tác giả và nhà phát hành bảo vệ quyền lợi của họ, tương tự như âm nhạc.

+ Hiện nay, có nhiều bạn trẻ định hướng theo con đường viết tiểu thuyết mạng và xem đây là nghề chính thức. Chị đánh giá thế nào về điều này và có lời khuyên gì cho các bạn hay không?

Có thể thấy hiện nay có hàng nghìn tác phẩm truyện được đưa lên nhiều nền tảng viết truyện online khác nhau và có nhiều đơn vị đã trả nhuận bút cho tác giả trên nền tảng của họ, khiến bạn trẻ có nhiều điều kiện và động lực hơn để sáng tác.

Tuy nhiên, bạn có thể chọn viết truyện như một sở thích, giải trí… rèn luyện kỹ năng viết. Còn một khi xác định viết tiểu thuyết để làm nghề, nghĩa là gắn liền với tương lai và cuộc sống sau này, bạn cần có cái nhìn thấu đáo và rõ ràng hơn về thể loại, phong cách, ý tưởng lâu dài. Hiện có nhiều bạn trẻ bị ảnh hưởng bởi phong cách ngôn tình, đam mỹ, kinh dị... với bối cảnh, cách xưng hô, nói chuyện… của Trung Quốc. Tôi không phản đối bạn theo đuổi thể loại, chủ đề nào nhưng phong cách viết cần phải thoát ra khỏi những gì bạn đã đọc của người khác. Tiểu thuyết gia muốn thành công và sống được với nghề là phải khiến độc giả nhận ra mình ngay trên trang viết. Như chỉ cần đọc vài trang là biết sách của Murakami, hay Rowling, hay Hirashino Keigo, hoặc Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư... Những tác giả này phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm để có được chỗ đứng trên văn đàn.

Tôi chưa làm được như vậy nên thành ra vẫn xem viết truyện là một nghề tay trái.

+ Hồng Sakura có ý định ra tác phẩm mới không? Thời điểm nào công chúng sẽ được gặp gỡ với tác phẩm mới của chị?

Hiện tại tôi chưa hình thành các ý tưởng gì rõ rệt cho tác phẩm mới. Tôi nghĩ mình cần thêm thời gian. Trong thời gian này, độc giả có thể kết nối với tôi qua Facebook hoặc website… để đọc các bài viết, chia sẻ của tôi về nhiều khía cạnh trong cuộc sống, cũng như tương tác hoặc đặt câu hỏi nếu bạn cần sự góp ý của tôi về tác phẩm của bạn.

+ Xin cảm ơn chị!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm