Tắc tĩnh mạc trung tâm võng mạc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

QN
12/08/2021 - 08:40
Tắc tĩnh mạc trung tâm võng mạc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc là một bệnh lý nhãn khoa nguy hiểm, có khả năng gây mù lòa rất cao. Tuy nhiên, do còn nhiều thiếu sót trong hiểu biết về cơ chế bệnh sinh và kỹ thuật thực hiện nên hiệu quả điều trị của bệnh vẫn còn hạn chế, dễ để lại ảnh hưởng lâu dài cho người mắc.

1. Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc là gì?

Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc là một bệnh lý về mắt tương đối nguy hiểm, có khả năng biến chứng gây mù lòa. 

Tĩnh mạch võng mạc là một phần của hệ các mạch máu tại võng mạc, có nhiệm vụ vận chuyển máu đã trao đổi khí và đã trao đổi chất tại võng mạc về tim. Các tĩnh mạch nhánh võng mạc sau khi nhận máu từ các mao mạch sẽ hợp lại và đổ chung vào tĩnh mạch trung tâm võng mạc.

Do đó người ta định nghĩa, bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc là một bệnh lý cấp tính gây ngưng trệ tuần hoàn trở về của võng mạc, thường gặp ở vị trí ngay tại đĩa thị hoặc tại nơi bắt chéo động - tĩnh mạch. Bệnh gây nên ứ trệ dòng máu nuôi dưỡng võng mạc và gây các tổn thương tại võng mạc do kém nuôi dưỡng.

Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc thường dễ tái phát và nếu không được quan tâm, điều trị bằng đúng phương pháp thích hợp sẽ dễ dẫn đến nhiều ảnh hưởng lâu dài và nặng nề cho cơ quan thị giác của bệnh nhân và sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Tắc tĩnh mạc trung tâm võng mạc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 1.

Bệnh lý tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc là bệnh lý về mắt nguy hiểm, có khả năng gây mù lòa cao (Ảnh: Internet)


2. Cơ chế bệnh sinh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc

Cơ chế thực sự gây nên bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc vẫn là điều chưa thực sự được biết rõ. Nhưng có một số yếu tố tại chỗ và hệ thống được cho là có vai trò tham gia chủ yếu vào sự hình thành bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc bao gồm:

- Cấu tạo của động mạch - tĩnh mạch trung tâm võng mạc

Động mạch và tĩnh mạch trung tâm võng mạc sẽ đi trong chung một bao chứa trước khi chui qua một lỗ hẹp để ra ngoài. Chính sự giảm tiết diện khi chui qua lỗ hẹp này làm cản trở tốc độ dòng máu di chuyển và tạo điều kiện để hình thành nên huyết khối. Khuynh hướng tiêu cực này sẽ tăng lên nếu có sự phối hợp với các yếu tố bất lợi khác như thay đổi tính chất mạch máu và rối loạn đông máu.

- Sự xơ cứng của động mạch võng mạc

Theo tuổi tác dần tăng lên thì mạch máu cũng dần trở nên xơ cứng hơn, trong đó động mạch thường dễ xơ cứng và xơ cứng nặng nề hơn tĩnh mạch do thành mạch máu dày hơn. Mà động mạch và tĩnh mạch trung tâm võng mạc lại đi trong cùng một bao và thoát ra ngoài qua một lỗ hẹp chung. Khi này, động mạch võng mạc bị xơ cứng sẽ chèn ép vào tĩnh mạch trung tâm võng mạc còn mềm dẻo và hậu quả là gây rối loạn huyết động và dễ xuất hiện huyết khối.

Nhưng dường như mối liên hệ giữa tình trạng xơ cứng động mạch và tình trạng tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc vẫn còn chưa hoàn toàn nhận được sự đồng thuận khi mà có một số các tác giả chưa thực sự chấp nhận quan điểm này.

- Huyết khối trong lòng mạch

Huyết khối trong lòng mạch được biết đến là một trong các cơ chế chính nhất dẫn đến tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc. Huyết khối có thể gây nên do nhiều nguyên nhân như chèn ép tĩnh mạch làm cản trở tốc độ dòng máu, các bất thường ở thành mạch giải phóng các yếu tố gây đông máu, hoặc do các bệnh lý rối loạn đông máu toàn thân.

Khi huyết khối xảy ra, nó có thể bị kẹt tại một vị trí hẹp và giống như một nút chặn gây cản trở hoặc hoàn toàn không cho máu lưu thông qua vị trí này.

Một số nguyên nhân gây tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc trên thực tế:

- Các bệnh lý hệ thống như tăng huyết áp, đái tháo đường.

- Rối loạn chức năng đông máu.

- Viêm mạch máu.

- Các bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ.

- Sử dụng thuốc tránh thai.

- Hội chứng ngưng thở khi ngủ.

- Các chấn thương ở vùng đầu và mắt.

3. Ai dễ mắc bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc

Theo các nghiên cứu cho thấy rằng, tần số mắc bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc dường như không phụ thuộc vào yếu tố chủng tộc, tỷ lệ mắc bệnh ở các khu vực dân cư trên thế giới khá tương đồng với nhau.

Bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc mặc dù có thể xảy ra ở cả hai giới nam và nữ, tuy nhiên nó lại có vẻ thường xuyên xuất hiện ở nam giới hơn một chút so với giới nữ.

Tuổi tác được xem là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc. Nếu như tỷ lệ mắc bệnh ở những người từ 49-60 tuổi chiếm 0,7% thì với độ tuổi trên 80 tuổi tỷ lệ này đã gia tăng lên đến 4,6%. Có sự khác biệt hoàn toàn rõ rệt về tỷ lệ mắc bệnh khi so sánh giữa hai nhóm tuổi.

Điều này có thể là do cùng với sự tăng dần của tuổi tác, các yếu tố thúc đẩy bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc cũng xuất hiện nhiều hơn như xơ cứng mạch máu do lão hóa, các bệnh lý rối loạn đông máu, các bệnh lý mãn tính (cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch),... mà hậu quả là làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm người cao tuổi.

Tắc tĩnh mạc trung tâm võng mạc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 2.

Nguy cơ mắc bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc gia tăng theo tuổi tác (Ảnh: Internet)

4. Triệu chứng bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc

Trong đa số các trường hợp, bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc thường có biểu hiện khá đặc trưng bao gồm:

- Tính chất xuất hiện

Bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc trong đa số các trường hợp đều có tính chất cấp tính. Thời gian kể từ khi bệnh khởi phát cho đến khi các triệu chứng xuất hiện có thể chỉ mất vài ba phút hoặc vài ngày, điều này liên quan nhiều đến mức độ tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc trên thực tế (mức độ tắc càng nghiêm trọng và đột ngột thì các triệu chứng biểu hiện càng sớm). 

Tuy nhiên cũng có một số các trường hợp mà bệnh tiến triển rất từ từ, thậm chí trong khoảng thời gian đầu hoàn toàn không hề gây nên biểu hiện bất thường nào cho người bệnh.

- Giảm thị lực

Giảm thị lực là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc. Bệnh nhân thường bị giảm thị lực một cách đột ngột và nhanh chóng, cảm thấy giống như đang nhìn qua một đám sương mờ hoặc đôi khi cảm thấy có ám điểm trung tâm.

Sau đó, khi bệnh tiến triển nặng lên thì vùng thị trường của người bệnh bị thu hẹp lại, thị lực giảm nặng hoặc thậm chí có thể gây mất thị lực hoàn toàn ở mắt bị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc.

- Đau mắt, đỏ mắt

Đau mắt, đỏ mắt,... là những triệu chứng ít khi xảy ra trong giai đoạn sớm khi mắc bệnh. Chúng thường hay xuất hiện trong giai đoạn muộn nếu bệnh không được điều trị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc kịp thời và đã gây nên các biến chứng cho mắt như tân mạch võng mạc, tân mạch mống mắt, glocom,...

- Soi đáy mắt

Soi đáy mắt là một thăm khám rất quan trọng để chẩn đoán bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc. 

Hình ảnh tổn thương đặc trưng thường thấy là hình ảnh tĩnh mạch võng mạc giãn không đều, kèm theo đó có thể thấy được tình trạng xuất huyết võng mạc làm đáy mắt đỏ rực, xuất tiết võng mạc hình bông, xốp,... Nếu người bệnh đến ở giai đoạn muộn, soi đáy mắt có thể thấy tân mạch võng mạc, xuất huyết dịch kính, teo thần kinh thị giác,...

- Xét nghiệm

Chụp mạch huỳnh quang võng mạc là xét nghiệm cho phép chẩn đoán xác định bệnh nhân có bị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc hay không. Đồng thời phương pháp này còn cho phép xác định vị trí tổn thương và mức độ tắc của tĩnh mạch để đưa ra phương pháp điều trị tắc tĩnh mạc trung tâm võng mạc thích hợp.

5. Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc có nguy hiểm không?

Nói chung, bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc không phải là một bệnh lý gây nguy hiểm đối với tinh mạng của người bệnh khi mắc phải. Nhưng mối nguy hại mà nó có thể gây ra cho cơ quan thị giác là rất nặng nề. 

Trong những bệnh lý mạch máu tại võng mạc, bệnh lý tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc là nguyên nhân thường gây mù lòa thứ 2, chỉ xếp sau bệnh lý mạch máu võng mạc do đái tháo đường.

Người ta thống kê rằng, đối với các bệnh nhân tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc không gây thiếu máu cục bộ thì chỉ có khoảng 10% số bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn với mức thị lực tốt, có đến hơn 50% số bệnh nhân sẽ bị giảm thị lực xuống còn dưới 1/10. Còn đối với các bệnh nhân tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc có thiếu máu cục bộ thì hơn 90% bệnh nhân sẽ bị giảm thị lực xuống còn dưới mức 1/10.

Ngoài ra, bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc nếu không được điều trị đúng cách thì còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau như xuất hiện tân mạch tại mắt, phù hoàng điểm, teo thần kinh thị giác, hoặc các biến chứng do điều trị như viêm nội nhãn hoặc xuất huyết dịch kính,...

6. Điều trị bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc

Cho đến nay, vì chưa có kết luận chính xác về cơ chế bệnh sinh của bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc do đó nên chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh. Việc điều trị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc thường dựa theo kết quả của chụp mạch huỳnh quang võng mạc để điều trị theo thể bệnh.

6.1. Thuốc điều trị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc

Nhiều loại thuốc khác nhau có thể được phối hợp để sử dụng trên bệnh nhân tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc. Các loại thuốc này được lựa chọn để có thể tác động vào các cơ chế gây bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc mà y học hiện nay đã xác định được, bao gồm các nhóm sau:

- Thuốc chống tập kết tiểu cầu, thường dùng là Aspirin.

- Thuốc chống đông máu toàn thân nếu có các bệnh rối loạn đông máu như heparin, wafarin.

- Thuốc kháng viêm, thường hay sử dụng các thuốc corticoid.

- Thuốc làm tăng sức bền thành mạch như calci, vitamin C.

- Một số các thuốc chống xuất huyết, tiêu sợi huyết,...

Tắc tĩnh mạc trung tâm võng mạc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 3.

Nhiều loại thuốc khác nhau có thể được sử dụng để điều trị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc (Ảnh: Internet)

6.2. Phương pháp quang đông laser

Phương pháp quang đông laser điều trị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc là phương pháp có tác dụng đề phòng sự xuất hiện của tân mạch và các biến chứng do tân mạch võng mạc gây ra. Diện tích và khu vực tiến hành kỹ thuật quang đông laser sẽ được đưa ra dựa vào thể bệnh mà người bệnh mắc phải là hình thái thiếu máu, hình thái hỗn hợp hay hình thái phù.

6.3. Nối thông tĩnh mạch võng mạc

Nối thông tĩnh mạch võng mạc là một kỹ thuật có thể được áp dụng để điều trị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc. Người ta sẽ tạo một nối thông trên tĩnh mạch trung tâm võng mạc bằng laser hay bằng phẫu thuật để dẫn tĩnh mạch thông với màng mạch, từ đó bỏ qua vị trí bị tắc và duy trì sự trở về tim của tuần hoàn.

Nối thông tĩnh mạch võng mạc dù được chứng minh là có thể giúp giảm phù hoàng điểm và hỗ trợ cải thiện thị lực nhưng nguy cơ biến chứng khi thực hiện là khá cao. Do đó hiện nay vẫn chỉ được áp dụng rất hạn chế và chỉ định cụ thể cũng chưa thực sự rõ ràng.

6.4. Điều trị biến chứng do tân mạch

Trong trường hợp đã có biến chứng do tân mạch gây glocom, thì phương pháp điều trị thường được lựa chọn là quang đông, lạnh đông hoặc phương pháp đông thể mi. Nếu đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết mà bệnh nhân vẫn còn đau mắt nhiều, có thể sẽ phải đưa ra lựa chọn loại bỏ nhãn cầu.

7. Cách phòng tránh bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc

Không có cách phòng tránh đặc hiệu và hoàn toàn hiệu quả cho bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc. Tuy nhiên có thể sử dụng một số biện pháp sau đây để làm giảm nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

- Nếu có tiền sử mắc các bệnh lý nguy cơ gây tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc như đái tháo đường, tăng huyết áp,... cần điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng gây tắc tĩnh mạch.

- Chế độ sống khoa học có thể giúp phòng tránh bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc rất hiệu quả do nó ngăn chặn và kiểm soát các bệnh lý toàn thân có thể gây tắc tĩnh mạch. Vì vậy cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên,...

- Khám mắt định kỳ hoặc khám mắt ngay khi có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ đến tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc đang xảy ra để có thể được chẩn đoán, điều trị sớm nhất bằng phương pháp thích hợp.

Có thể thấy rằng, bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm là bệnh lý nguy hiểm, diễn tiến nhanh chóng và có nguy cơ dẫn đến mù lòa rất cao. Do đó, thực hiện tốt các biện pháp dự phòng, nhận biết sớm và điều trị kịp thời bệnh là cách để ngăn chặn các ảnh hưởng lâu dài do bệnh gây nên.

Nguồn tham khảo: 

https://emedicine.medscape.com/article/1223746-overview

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm